JPEG (Joint Picture Experts Group)
Hoa trước nắng. (Screensaver) |
Là những file ảnh nén được ứng dụng rất rộng rãi và có hiệu quả với các loại máy ảnh số compact (máy ảnh gọn nhẹ, máy du lịch) vì các file ảnh này nhỏ và không đòi hỏi chất lượng ảnh quá cao. Các tệp ảnh ở dạng JPEG (có đuôi là .jpg), có thể mở được với hầu hết các phần mềm xem và xử lý ảnh. Với chế độ nén trung bình, các tệp ảnh này vẫn cho những bức ảnh chất lượng khác tốt. Hầu hết các loại máy ảnh số đều cho phép lưu ảnh ở định dạng JPEG, thậm chí nhiều máy ảnh nghiệp dư chỉ có định dạng này mà thôi. Không có định dạng nào thích hợp và tiện dụng như JPEG vì nó phù hợp với việc chụp nhiều ảnh, ảnh du lịch, sinh hoạt gia đình, hay ta thường gọi là ảnh dịch vụ. Ngoài ra, với định dạng JPEG, việc gửi ảnh qua thư điện tử hay đưa ảnh lên mạng trở nên dễ dàng hơn. Với người cầm máy sáng tác, JPEG cũng là định dạng được khuyên nên dùng vì nó giúp máy xử lý nhanh, tốn ít chỗ và nếu biết cách xử lý trên vi tính thì chất lượng ảnh cũng dễ đạt yêu cầu cho triển lãm hoặc dự thi.
Trong lĩnh vực đồ họa, JPEG không thích hợp lắm vì file ảnh bị nén, những đường thẳng, đặc biệt là những đường viền dễ bị nhòe, nghĩa là xuất hiện lỗi, làm giảm đáng kể chất lượng của bản vẽ.
Ảnh chụp tại Paris. (Freerangelibrian) |
Về mặt bản chất, mỗi lần nén JPEG sẽ dấn đến sự hao hụt về thông tin. Nếu ta mở một file ảnh JPEG để xử lý, rồi tiếp tục lưu lại file, ảnh sẽ được nén lần thứ hai. Nhắc đi nhắc lại vài lần như thế, chất lượng ảnh sẽ giảm một cách đáng kể. Đó là một việc không nên làm.
Khi chụp ảnh với định dạng JPEG, người ta còn có thể đặt ở nhiều mức độ nén khác nhau. Độ nén càng cao bao nhiêu, file càng nhỏ bấy nhiêu (càng ít tốn chỗ) và tất nhiên chất lượng càng giảm và chỉ in ra được những bức ảnh nhỏ bấy nhiêu. Ngược lại, độ nén càng thấp, file ảnh càng lớn, in ra được ảnh to hơn. Ví dụ, với máy có 5 triệu điểm ảnh chưa nén có khoảng 15 MB, nén ở mức độ trung bình còn 1,5 MB, vẫn còn có thể in được ảnh thông thường 10 x 15 cm với chất lượng khá tốt. Mức nén của JPEG cho chất lượng tốt nhất thường được biểu thị bằng "superfine", thấp hơn là "fine", mức trung bình là "normal" hoặc "standard".
TIFF (Tagged Image File Format)
Hồ thu. (Wabikon) |
Một số máy ảnh kỹ thuật số loại đắt tiền, cho phép chụp ảnh với định dạng TIFF (có đuôi file là .tif), cho ta nhiều thông tin về ảnh hơn JPEG. Hiện nay người ta chỉ ứng dụng định dạng TIFF không nén. Định dạng TIFF có thể biểu thị được độ sau màu lớn hơn JPEG, nó hỗ trợ đến 48 bit màu, nghĩa là mỗi kênh màu 16 bit (trong không gian RGB). Vì thế, định dạng TIFF có thể tái hiện đến 281 triệu giá trị màu sắc. Song hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số chỉ hỗ trợ đến 24 bit màu, nghĩa là mỗi kênh màu cơ bản chỉ có 8 bit vì đa số các phần mềm xử lý ảnh không hỗ trợ cao hơn. Do các file TIFF không nén nên mỗi lần nhớ lại dưới dạng định dạng này (trong quá trình chỉnh sửa), lượng thông tin hầy như không thay đổi, chất lượng ảnh không bị suy giảm.
Định dạng TIFF có một nhược điểm đáng kể đó là trọng lượng tin học quá cao so với JPEG. Ví dụ, chụp một bức ảnh với máy ảnh chuyên nghiệp có 8 triệu điểm ảnh, bằng định dạng JPEG ở mức độ nén ít nhất sẽ có file ảnh vào khoảng 5 MB, cũng file ảnh này ở định dạng TIFF là 23 MB. Do vậy các quá trình từ chụp đến nạp vào card, chụp liên tục, xem lại ảnh sau khi chụp... sẽ chậm nhiều so với chụp ở định dạng JPEG. Vì thế, việc chụp ảnh ở định dạng TIFF là việc không nên làm.
Trên thực tế, nếu chụp ảnh với định dạng JPEG ở mức độ nén ít nhất, về mặt chất lượng, cũng không thua kém TIFF là bao nhiêu và gần như ta không nhận biết được sự chênh lệch đó.
RAW
Chuồn chuồn. (ruralimages) |
Các máy ảnh chuyên nghiệp thường cho phép chụp ảnh với định dạng RAW. Không phải máy sẽ chụp ra các file có đuôi là "raw" mà là RAW của máy, mỗi hãng sản xuất cho ra một loại file RAW khác nhau và từ đó cũng có đuôi khác nhau. Ví dụ, RAW của Sony đuôi là SRF, của Kodak là DCR, Canon là CRW hoặc CR2, Minolta là MRW, Nikon là NEF... và chỉ có các phần mềm của hãng đó mới mở được file RAW của mình. Không những thế, các hãng sản xuất lại hay thay đổi, cải tiến các file RAW của mình nên đôi khi các phần mềm cũ lại trở nên lỗi thời với các file RAW thế hệ mới của chính mình.
Các file RAW chứa dữ liệu "thô" mà bộ cảm biến (CCD) và sau đó là bộ chuyển đổi (converter) từ analog sang digital đã thực hiện được, với toàn bộ số lượng thông tin về ảnh mà ống kính và máy có thể đạt được, và đương nhiên là không nén. Mọi xử lý tín hiệu như cân bằng trắng, làm tăng độ nét, thay đổi độ tương phản hay cân bằng màu... đều chỉ được thực hiện sau đó trên máy tính. Nếu các dữ liệu này được chuyển sang định dạng JPEG hoặc TIFF để có cân bằng trắng hoặc độ tương phản thích hợp thì sẽ dẫn đến sự hao hụt về dữ liệu so với file RAW trước đó.
Biển. (Kriyayoga) |
RAW có ưu điểm hơn TIFF ở chỗ cho chất lượng ảnh cao hơn vì nó có thể chuyển tải được toàn bộ thông tin về ảnh mà máy ảnh có thể thu nhận được và chiếm ít chỗ hơn do vấn đề nội suy màu. Mỗi bức ảnh trong môi trường màu RGB chứa đựng 3 giá trị màu sắc là đỏ, lục, lam. Trong RAW, mỗi điểm ảnh chỉ biểu trưng cho một màu vì ở đây, bộ cảm biến CCD chỉ chuyển đổi được một màu cho mỗi điểm ảnh. Hai màu còn lại sẽ được tính thêm bằng thuật toán, nghĩa là được nội suy (ngoại trừ bộ cảm biến Foveon CMOS của Sigma).
Như vậy, định dạng RAW là định dạng tốt nhất cho việc xử lý ảnh sau chụp và là công cụ sắc bén cho các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp có trình độ cao. Nhưng vì RAW là một file ảnh thô, lại không được chuẩn hóa, mỗi nhà sản xuất có một loại RAW khác nhau, nên nó mang lại khá nhiều phiền phức cho người sử dụng và không phải ai cũng nắm bắt được nó một cách hoàn hảo. Mặt khác, tuy nhỏ hơn file TIFF, nhưng để lưu trữ, file RAW cũng còn rất lớn. Ví dụ: cùng một bức ảnh, JPEG ở mức nén trung bình là 3,5 MB; RAW sẽ là 17 MB và TIFF là 23 MB.
Những điều cần lưu ý
Thiên nhiên. (trekearth) |
Tuy tiện ích của chụp ảnh số là vô cùng lớn, nhưng cho đến nay, máy ảnh số chuyên nghiệp thông thường cũng chưa có được độ phân giải bằng phim nhựa, vì thế, khi chụp ảnh số, ta nên chụp với độ phân giải cao nhất mà máy có thể đạt được. Sau này, nếu cần có thẻ bỏ bớt điểm ảnh đi cho ảnh nhỏ lại, chứ không thêm điểm ảnh được. Bằng thuật toán, nhiều thiết bị có thể nội suy được điểm ảnh, như máy chụp, máy quét, máy tính, máy in ảnh... mà nguyên lý thông thường của nó là copy những điểm ảnh kế cận. Với phương pháp này, người ta có thể phóng được những bức ảnh lớn hơn cho phép mà ảnh vẫn không bị rạn. Tuy nhiên, do chỉ thêm được những điểm nảh giống điểm ảnh cũ thôi, người ta gọi đó là những điểm ảnh không thực nên bức ảnh sẽ bị giảm nhiều chi tiết, giảm độ tương phản.
Tuy không phải mua phim, nhưng card máy ảnh rất đắt. Bạn nên chụp với định dạng JPEG ở độ nén với chất lượng cao nhất, nghĩa là "fine" hoặc "superfine", tùy loại máy. Với định dạng này, máy sẽ chụp được nhanh hơn và ít tốn bộ nhớ hơn. Trước khi can thiệp sửa chữa hay thay đổi ảnh, bạn nền chuyển file sang định dạng TIFF bằng phần mềm Photoshop. định dạng này, bạn có thể thoải mái sửa chữa, thay đổi, chắp ghép mà khi lưu lại không bị hao hụt về điểm ảnh. Chỉ khi không can thiệp vào ảnh nữa, bạn mới chuyển về JPEG.
(Theo Nghe Nhìn)