Những máy ảnh thuộc series 1 của Canon mang đến cho người ta cảm giác là chúng được tạo ra từ những "cục thép ngoài vũ trụ", và EOS 1Ds Mark II cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, những máy ảnh thuộc dòng này sinh ra để được thán phục.
Kiểu dáng của 1Ds Mark II hầu như không khác gì so với 1Ds Mark I. Các nút điều khiển trên đỉnh hai máy hoàn toàn giống nhau. Những người lần đầu tiên sử dụng dòng máy chuyên nghiệp của Canon có thể sẽ "choáng" trước khối lượng của 1Ds Mark II: 1,5 kg (cả pin và thẻ nhớ).
Phía sau thân máy, bạn sẽ nhìn thấy hai màn hình. Màn hình nhỏ hơn hiển thị những thông số liên quan đến ảnh nhưng ít được truy xuất, chẳng hạn như cân bằng trắng, độ phân giải, định dạng ảnh (RAW, JPEG hoặc cả hai). Tuy nhiên, bạn có thể lập trình lại để cho những thông số khác, như độ nhạy sáng, số lượng ảnh còn chụp được, lên phía trên màn hình.
Màn hình lớn hơn hiển thị loại menu tương tự và cho xem lại ảnh - chức năng mà bất kỳ ai từng sử dụng máy ảnh số đều quen thuộc. Việc lướt qua các mục trong menu mất ít thời gian hơn so với 1Ds Mark I. Máy còn có thêm một nút điều chỉnh độ zoom số. Màn hình của 1Ds Mark II cũng sáng hơn so với phiên bản trước, đồng thời hiển thị màu xanh ở chế độ chụp đêm.
1Ds Mark II và bộ truyền tín hiệu Wi-Fi. |
Nếu từng sử dụng EOS 10D hoặc EOS 20D, người chụp sẽ cảm thấy bỡ ngỡ khi nhìn thấy 1Ds. Một tay cầm theo chiều dọc được tích hợp vào thân máy thay vì để ngoài như một phụ kiện. Các mục trong menu được phân chia theo chiều ngang chứ không theo chiều dọc. Nếu muốn thay đổi một tuỳ chọn, bạn phải nhấn một nút và xoay bánh xe điều khiển ở phía sau. Mặc dù vậy, đây vẫn là một máy ảnh mà bạn có thể "tái lập trình" nhiều tuỳ chọn trên menu để chọn lựa theo ý muốn. Điểm khó hiểu nhất trong thiết kế của 1DS là chức năng kép của nút Delete: xoá ảnh và huỷ lệnh xoá ảnh.
Vì EOS 1Ds Mark II được trang bị chip cảm quang nguyên kích cỡ (full-frame) nên máy có thể dùng ống kính rời EF của Canon, đặc biệt là ống kính góc rộng. Các máy ống kính rời khác của hãng được trang bị cảm biến ảnh có kích thước nhỏ hơn khung hình của loại phim 35 mm nên có góc mở nhỏ hơn khi dùng ống kính gắn ngoài EF. Tuy nhiên, máy không tương thích với ống kính EF-S.
Ảnh chụp cắt lớp của 1Ds Mark II. |
Được đánh giá là một trong những máy ảnh số giàu tính năng nhất hiện nay, EOS 1Ds Mark II có tới 5 menu, 21 tính năng chỉnh tay và 32 chức năng cá nhân - cho phép bạn thay đổi hầu như mọi tuỳ chọn của máy. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mất thời gian nghiên cứu sách hướng dẫn và máy trước khi có thể lập trình lại máy theo ý muốn.
So với EOS 1Ds Mark I, EOS 1Ds Mark II có nhiều tính năng mới. Điểm thay đổi đáng chú ý nhất là máy được tích hợp ăng-ten thu Wi-Fi (chuẩn 802.11g) - một bộ phận hữu ích đối với những nhiếp ảnh gia studio. Một điểm nâng cấp quan trọng nữa là độ nhạy sáng của máy có thể đạt tới ISO 3200, hơn hẳn độ nhạy sáng tối đa là ISO 1.250 của EOS 1Ds Mark I, và có thể lưu trữ các thông số cấu hình lên thẻ nhớ (đây là điểm hay với những người dùng nhiều thân máy nhưng muốn duy trì một thông số). Mark II có 2 khe cắm thẻ nhớ - CompactFlash và SD/MMC - và có thể lưu trữ ảnh sang hai thẻ cùng lúc.
1Ds Mark II khá nặng với những người chỉ quen dùng máy ảnh nghiệp dư. |
Khả năng hoạt động đáng tin cậy, tốc độ đáp ứng nhanh là một trong những tiêu chí mà người ta kỳ vọng khi sử dụng một máy ảnh số chuyên nghiệp. Mark II thừa hưởng trọn vẹn danh tiếng của dòng máy series 1 và hoạt động với tốc độ tương đương với những máy ảnh hàng đầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mark II là máy ảnh có tốc độ đáp ứng nhanh nhất. D2X của Nikon có thể chụp liên tiếp với tốc độ 8 hình/giây ở độ phân giải thấp còn 1D Mark II chụp liên tiếp với tốc độ 8,5 hình/giây. Trong khi đó, 1Ds Mark II chỉ chụp với tốc độ 4 hình/giây. Có lẽ "điểm sáng" của 1Ds Mark II là chip cảm quang CMOS nguyên kích cỡ có độ phân giải 16,7 triệu điểm ảnh - lý tưởng cho việc xử lý những bức ảnh RAW sau khi chụp.
Thông số kỹ thuật |
Kích thước: 158x156x80 mm Khối lượng: 1.200 g Cảm biến: CMOS, 16,7 triệu điểm ảnh hiệu dụng Chế độ lấy nét: tự động Chế độ phơi sáng: tự động, chỉnh tay, lập trình, ưu tiên độ mở, ưu tiên tốc độ trập, E-TTL II dành cho flash Kiểu phơi sáng: ma trận, nhiều điểm, tâm điểm, ưu tiên trung tâm, từng phần Chế độ cân bằng trắng: tự động, ban ngày, trời mây, bóng râm, đèn nóng sáng, đèn huỳnh quang Thẻ nhớ: Microdrive, CompactFlash, SD Màn hình lớn: TFT LCD 2 inch, 230.000 pixel. Kết nối: cổng IEEE 1394, cổng USB Giá bán: 7.150 USD (thân máy) |
Nếu lắp ống kính EF 16-35 mm và một thẻ nhớ SanDisk 1GB vào 1Ds Mark II, máy sẽ mất 0,2 giây để khởi động và có thể lưu trữ được 63 ảnh trong 15,5 giây trước khi bộ nhớ đệm đầy - tương đương với tốc độ 4 hình/giây. Máy cũng đạt tốc độ tương đương khi chụp và lưu trữ ở định dạng ảnh RAW, nhưng bộ nhớ đệm chỉ lưu trữ được 11 ảnh ở định dạng này. Nhờ có chip xử lý ảnh Digic II, việc giải phóng bộ nhớ đệm chỉ diễn ra trong 17 giây.
Khe ngắm quang học cho phép xem 100% khung hình và hệ thống đo sáng ma trận 21 vùng hoạt động rất tốt. Với khả năng hoạt động chính xác của hệ thống lấy nét tự động 45 điểm, bạn cũng sẽ hiếm khi phải chuyển sang chế độ lấy nét chỉnh tay. Canon đã đưa thêm kiểu lấy nét E-TTL I vào 1Ds Mark II - giúp cải thiện đáng kể chất lượng ảnh khi chụp với đèn flash. Giờ đây, chụp những ảnh chất lượng tồi với đèn flash còn khó hơn chụp những ảnh chất lượng tốt.
Đúng như người ta trông đợi, 1Ds Mark II dùng pin có thể sạc nickel-metal-hydride như những máy thuộc dòng serie 1 khác. Máy có thể chụp liên tục trong 2 ngày - gấp đôi so với 1Ds Mark I. Thời gian dùng pin giảm mạnh trong điều kiện nhiệt độ ở mức âm.
EOS 1Ds Mark II được đánh giá là một trong những máy ảnh có chất lượng tuyệt vời nhất hiện nay. Nhiễu xuất hiện rất ít ở độ nhạy sáng dưới ISO 640 - tương tự như EOS 20D - và ngay cả những ảnh chụp ở ISO 1.200 trông khá mịn.
Việt Linh (theo Cnet)