Luộc, hấp khoai lang theo cách thông thường cần ít nhất 15 phút mới chín nhưng có thể hao hụt dưỡng chất. Mẹo luộc khoai của người Nhật chỉ 5-6 phút lại giữ độ ngọt tự nhiên.
Chọn và rửa khoai: Tùy theo khẩu vị mà chọn khoai lang bở hoặc khoai lang dẻo (mật). Với khoai lang bở nên chọn củ vừa phải, lành lặn, nặng tay, cứng chắc. Khi cắt đầu nhỏ thấy màu cam nhạt, chảy nhựa trắng. Với khoai lang dẻo (mật) chọn củ màu ngả tím, có vết kéo mật ngoài vỏ, củ khoai càng héo càng chảy mật nhiều khi nướng. Khoai lang mua về kỳ rửa nhiều lần cho sạch đất cát ở vỏ ngoài.
Dùng dao cắt hai đầu nhọn rồi dùng xiên tre hoặc dĩa châm vào xung quanh củ khoai hoặc có thể dùng dao khía vào khoai. Việc này giúp khi quay lò vi sóng khoai sẽ phân tán hơi nước và chín đều, tránh bị nổ.
Dùng giấy ăn hoặc giấy báo sạch bọc kín từng củ khoai nhằm giữ nước bên trong để khi chín khoai mềm ẩm mà không bị khô. Nếu muốn khoai chín đều hơn thì bọc thêm lớp màng bọc thực phẩm (loại dùng cho lò vi sóng chịu nhiệt cao thường có ghi chú ở bao bì).
Đặt khoai đã bọc lên đĩa sứ cho vào lò vi sóng. Tùy theo kích thước củ khoai, công suất lò vi sóng để căn chỉnh thời gian cho phù hợp. Bình thường một củ khoai cỡ vừa phải dùng 5-6 phút ở chế độ hâm nóng. Còn nếu khoai kích thước to hơn thì tăng thời gian lên 8-9 phút là chín. Để chờ một lúc cho nguội rồi lấy ra và thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm: Khoai lang chín mềm đều, bở và ngọt tự nhiên. Đây là cách các bà mẹ Nhật thường làm vừa nhanh gọn lại giữ được vị ngọt của khoai.
Chú ý:
Có 2 cách nấu chín khoai bằng lò vi sóng (cách 1 là bọc giấy quay như trên và cách 2 cho khoai trên một bát nước rồi cũng quay lò vi sóng) đều giúp khoai chín bở mềm.
Theo một số nghiên cứu, nấu chín khoai bằng lò vi sóng giúp giữ hàm lượng antioxidants (chất chống oxy hóa) nhiều nhất trong vỏ. Đồng thời giữ vị ngọt do chín tự nhiên bằng hơi nước trong củ khoai, nếu luộc hay hấp tiếp xúc với nước khoai sẽ nhạt vị hơn.
Tùy thuộc kích thước khoai to hay nhỏ, công suất lò mà điều chỉnh thời gian cho phù hợp.