Trong video gần đây nhất của mình mang tên “Tôi thấy gì năm 2020”, anh chàng vlogger Đu Đồ Đút đã tái hiện lại đời sống công nghệ của một thời “tuổi thơ dữ dội” mà những bạn trẻ thế hệ sinh từ năm 2000 trở ra không hình dung được.
Tiền thân của những màn hình cảm ứng, tivi màn hình phẳng, máy tính bảng đút gọn vào balo... hiện nay là những món đồ đã hết thời nhưng chứa cả một bầu trời tuổi thơ của đám trẻ 8X. Những thứ ấy đều có trong video “Tôi thấy gì năm 2020” đang được chia sẻ trên mạng xã hội (xem video tại đây).
Đây là câu chuyện được một ông bố kể cho con trai nghe về thời “huy hoàng” của mình ngày xưa, khi những đồ dùng công nghệ đều to cồng kềnh, bất cập đủ đường nhưng ai ai cũng vui thích khi sử dụng.
Ông bố 8X kể về tuổi thơ của mình cho cậu quý tử nghe. |
Đó là chiếc điện thoại bàn phải quay từng số khi muốn gọi cho ai đó. Ngày xưa mọi người không cần di động, chỉ cần gọi máy bàn cho nhau, đúng giờ đó, địa điểm đó, không gặp không về. Vậy mà ai cũng hẹn hò với nhau được. Cũng chính từ cái điện thoại bàn ấy mà mới sinh ra các từ “dập máy”, “cúp máy”.
Còn nghe nhạc, có một chiếc băng cát-sét mà nghe hết một mặt thì chỉ việc xoay mặt kia nghe tiếp. Sau này có thêm máy quay đĩa, đi đường mà vấp là đĩa khựng lại, có khi tự nhiên cũng ngưng phát nhạc, nên ta mới có từ “vấp đĩa”.
Nhắn tin cho bạn bè thì dùng điện thoại chỉ có chức năng “nghe, gọi, đập, chọi”. Gõ chữ I phải ấn số 6 tận 3 lần, chào “hello” thôi cũng phải ấn phím tận 13 lần mới xong.
Máy chơi game thì to như quyển từ điển, tay cầm gọi là 4 nút nhưng thật ra chỉ có dùng được có 2 nút. Muốn cài game là phải dùng những cái đĩa vuông to gấp 6 lần cái thẻ nhớ, xong cứ rút ra đút vào từng cái một (đĩa mềm).
Muốn chơi những game như Mario, Contra… phải dùng chiếc máy to thế này. |
Mạng Internet trước đây muốn vào mạng là khỏi dùng điện thoại, tốc độ thì chậm, tải gì xuống thì cứ yên tâm cuối tháng hóa đơn tiền triệu.
Đời sống công nghệ của giới trẻ 8X, 9X nghe có vẻ khó khăn nhưng theo Đu Đồ Đút, thay vì than vãn, ta phải tự đứng lên tạo ra những cái chưa có, hay ít nhất tưởng tượng và thể hiện ra để các công ty công nghệ nhìn thấy, để họ nghiên cứu phát triển.
Đó là lý do mà công nghệ đã phát triển được như hiện nay dù chỉ trong một thời gian ngắn và sẽ phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Người dùng sẽ mở cánh cửa ý tưởng nào để thỏa mãn nhu cầu công nghệ của mình? Chia sẻ ý tưởng, ước mơ về công nghệ trong tương lai tại đây. |
Hãy tưởng tượng bạn là một người nắm giữ chìa khóa để kiến tạo tương lai, bạn sẽ mở những cánh cửa ý tưởng nào để thõa mãn nhu cầu công nghệ cho chính mình? Một biểu tượng emoji cũng có thể phát ra tiếng và chuyển động? Một chiếc máy có chức năng ghi nhận những thanh âm xung quanh rồi tự remix thành một bản nhạc? Hay bay bổng hơn nữa là một thành phố tương lai mà những ngôi nhà sẽ lơ lửng với chùm bóng bay như trong bộ phim Up?
Thu Ngân