Trong một cửa hàng nhỏ trưng vô số váy ngắn và áo chẽn dành cho phụ nữ, chủ tiệm bận rộn đón tiếp bốn khách hàng nữ, nên không thể tiếp một tình nguyện viên giáo dục sức khỏe đến phổ biến chuyện chống đại dịch HV/AIDS.
Tình nguyện viên Amir Fattahi chẳng ngạc nhiên. Kinh nghiệm và đầu óc quan sát cho anh biết anh vừa “xen” vào chuyện làm ăn không bình thường của người ta. Fattahi nhận định 4 thiếu nữ trẻ là gái bán dâm, đang đề nghị “đổi tình lấy quần áo” với chủ tiệm. Đây là một hình thức trao đổi phổ biến tại các cửa hàng thời trang tại thủ đô Iran.
50% chủ tiệm ưng trò này!
Trong số các chủ tiệm ở hai tầng đầu tiên chuyên bán quần áo phụ nữ tại chợ Tajrish, nhiều chủ hàng thừa nhận họ từng nhận được những đề nghị “đổi tình lấy quần áo”.
Arash, 23 tuổi, nói anh nhận được những đề nghị này khoảng 50 lần, ngay tại sạp của anh: “Tôi công nhận khoảng 50% chủ tiệm đều ưng cái trò này”.
Ahmed Reza, 23 tuổi, cũng thừa nhận đã chấp nhận đề nghị này: “Tôi đang ngồi ngoài sạp, hai cô đến và nói muốn có nhiều áo măng-tô. Họ đề nghị bán giá rẻ và tôi gọi một cái giá phải chăng, nhưng họ nói không thể có số tiền ấy, rồi đề nghị giảm giá xuống nữa và xin số điện thoại di động của tôi kèm lời hứa sẽ phục vụ hết mình. Thế là tôi lại hạ giá và cho số phone.
Tôi có thể biết ngay cô nào là gái điếm, qua thái độ và điệu bộ của cô ta. Khi cô ta hỏi giá món nào đó, tôi luôn hét giá cao, rồi tôi giảm giá khi cô ta đề nghị giảm giá, cô ta chịu và đề nghị đổi sex lấy quần áo”.
Chết nếu không hiểu biết
Chính quyền Iran vì thế đã quyết tâm kéo giảm tình trạng này, triển khai cảnh sát và bảo vệ tại các siêu thị. Fattahi, thủ lĩnh nhóm tình nguyện Cuộc sống tích cực ở Iran (sử dụng kinh phí do UNICEF cấp) nói:
“Tôi không nghĩ các cô gái điếm ý thức cảnh giác HIV/AIDS. Nếu họ nhiễm dịch và quan hệ với 3, 4 chủ tiệm mỗi ngày, thì dễ tưởng tượng được sự nguy hiểm là thế nào. Tôi cho rằng nhiều chủ tiệm biết nguy cơ này, nhưng họ không cưỡng được sự cám dỗ. Dịp may đến quá nhanh, họ quên mất sự cẩn thận”.
Tổ chức Cuộc sống tích cực ở Iran đang nỗ lực vận động ý thức cảnh giác của các chủ tiệm, trong hy vọng sẽ chặn được chuyện “đổi tình lấy quần áo”. Mỗi tối, các tổ tình nguyện viên đều đến các tiệm đề nghị hỗ trợ nâng cao tinh thần phòng chống HIV/AIDS. Nhưng các chuyên gia nói sự ý thức ấy không được áp dụng, và các cô bán dâm không được phổ cập thông tin phòng chống HIV/AIDS.
Cuộc sống tích cực ở Iran đã tiếp cận khoảng 5.000 thanh niên Iran ở các siêu thị, công viên và quán cà phê từ khi họ lập chương trình tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS hồi 3 tháng trước.
Họ cũng mở các dịch vụ tư vấn tại các trung tâm sức khỏe, nhằm nắm bắt số liệu các trường hợp nhiễm dịch do quan hệ tình dục không an toàn, thay vì nắm số liệu về người nghiện ma túy bị lây nhiễm qua ống tiêm.
(Sài Gòn giải phóng / The Guardian)