Ai Lực Sinh (ALS) thành lập năm 1995 ở Thượng Hải, chuyên sản xuất ống thép ERW, sản lượng mỗi năm 300.000 tấn, hoàn toàn phù hợp tiêu chuẩn chất lượng API của Mỹ và ISO 9000. ALS xuất khẩu trên 50% số sản phẩm của mình, đại bộ phận sang Mỹ và dần dần chiếm lĩnh thị trường này.
Nhưng tháng 6/2001, nước sở tại quyết định điều tra toàn diện sản phẩm gang thép nhập khẩu từ nước ngoài xem có phương hại đến ngành công nghiệp gang thép của Mỹ hay không để bắt nộp thuế chống phá giá. Tháng 7/2001, ALS bị tố tụng. Họ đứng trước hai lựa chọn: Thứ nhất, không hầu kiện, cam chịu đóng thuế chống bán phá giá, vừa tổn thất, vừa có nghĩa là tự động rút khỏi thị trường Mỹ mà không dễ gì đặt chân tới. Thứ hai, hầu kiện, trình tự điều tra có thể phức tạp, lâu dài và chi phí cũng khá lớn, nhưng nếu thắng thì sẽ hội nhập với thế giới, sự nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ phát triển. Sau khi so sánh, cân nhắc, ALS quyết định chọn phương án 2.
ALS thành lập cơ quan chuyên trách hầu kiện, mời các luật sư có kinh nghiệm trong và ngoài nước làm tư vấn, quyết tâm đi đến cùng để làm ăn lâu dài ở Mỹ. Đoàn điều tra của Bộ Thương mại Mỹ đã sang Thượng Hải, đến tận đại bản doanh của ALS tiến hành nghiệp vụ. Họ buộc ALS trong thời gian quy định phải hoàn tất 3 bộ hồ sơ thẩm vấn A, B, C. Phạm vi điều tra là toàn bộ quá trình sản xuất, tiêu thụ, tài vụ, dịch vụ từ nguyên liệu, qua sản phẩm, đến khách hàng trong thời gian trên hai năm gần đây nhất. Yêu cầu điều tra rất khắt khe, tất cả đều phải có chứng từ.
Đoàn điều tra trở về Mỹ báo cáo và sau đó, ngày 20/12/2001, Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ quyết định: Sản phẩm ống thép ERW của ALS nhập vào Mỹ chịu thuế suất bằng 0. Tiếp theo, ALS chuẩn bị đón tiếp các quan chức Bộ Thương mại Mỹ kiểm tra xác thực hiện trường. Ủy ban Kinh tế mậu dịch Nhà nước và Bộ Kinh tế mậu dịch đối ngoại Trung Quốc rất xem trọng bước then chốt này nên đã cử nhiều chuyên gia giỏi về ALS trợ lực. Tháng 1/2002, đoàn thị sát của Bộ Thương mại Mỹ xác nhận: Giá cả ống thép của ALS là thực tế và vẫn sơ bộ quyết định: không có vấn đề bán phá giá.
Nhưng phải đến ngày 21/5/2002, Bộ Thương mại Mỹ mới chính thức công bố kết quả cuối cùng: Ống thép do ALS sản xuất nhập vào Mỹ thuế suất bằng 0.
Như vậy, sau gần hai năm hầu kiện, ALS đã thắng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu nhờ vào một số yếu tố sau:
- Thứ nhất, công ty đã nắm vững các quy tắc liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
- Thứ hai, muốn trị được sắt thép thì bản thân mình phải thật cứng. Đúng là ALS không có vấn đề bán phá giá, họ dựa vào những công nghệ quản lý để giảm giá thành. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã nhằm vào mục tiêu đạt trình độ sản xuất tiên tiến của quốc tế, mua thiết bị của Mỹ, Đức, học phương thức quản lý của Nhật. Sau 3 tháng, được công nhận tiêu chuẩn chất lượng
- Thứ ba, sổ sách, chứng từ ghi chép chân thật, rõ ràng lưu trữ cẩn mật, cần đâu có đó, nên mới thành 3 bộ hồ sơ thẩm vấn A, B, C mà phía Mỹ yêu cầu và trả lời một cách thuyết phục, đáng tin cậy với câu hỏi của đoàn điều tra cũng như đoàn giám sát đề ra.
* 10 đối sách của Trung Quốc để đương đầu với kiện phá giá
Từ sự việc thắng kiện nói trên, mới đây Nhân dân Nhật báo đã đăng kiến nghị của Tăng Lập, giảng viên Học viện Ngoại giao Trung Quốc, về đối sách đương đầu với tố tụng bán phá giá:
1/ Tích cực hầu kiện: Nhiều doanh nghiệp tìm cách lẩn tránh và nghĩ rằng, chính phủ thế nào cũng sẽ can thiệp, thương lượng giúp. Kỳ thực thì theo quy tắc của WTO, trong vấn đề giải quyết tố tụng bán phá giá, doanh nghiệp đóng vai trò chính, chính phủ của doanh nghiệp bị khởi kiện đóng vai trò phụ, nếu doanh nghiệp từ bỏ quyền lợi kháng kiện, cho dù là rất oan đi nữa thì chính phủ cũng không có cách nào can thiệp, làm thay để cứu vãn.
2/ Thành lập cơ quan chuyên trách hầu kiện: Tổ chức này rất cần thiết, bao gồm luật sư, kế toán, nhà kinh tế và chuyên gia chuyên nghiệp liên quan, năng lực làm việc phải rất cao.
3/ Hoàn thành các hồ sơ thẩm vấn: Có đầy đủ tư liệu, chứng cứ, nếu phần nào thuộc cơ mật của doanh nghiệp thì phải yêu cầu đối phương bảo quản không được tiết lộ.
4/ Tích cực chuẩn bị tài liệu và ý kiến bảo vệ, biện hộ. Cần chú ý những vấn đề liên quan sau đây: Tính đại biểu và tư cách của bên khiếu kiện, theo quy định của WTO, phải là doanh nghiệp cùng ngành hàng nước nhập khẩu, họ và người ủng hộ họ có tổng sản phẩm không được ít hơn 50% sản lượng toàn quốc, nếu không sẽ không có quyền khiếu kiện. Bản thân mình có hành vi bán phá giá hay không, biên độ phá giá là bao nhiêu? Đã bao lâu và đình chỉ hay chưa? Hành vi bán phá giả gây thiệt hại cho doanh nghiệp cùng ngành hàng nước nhập khẩu như thế nào, có tồn tại quan hệ nhân quả hay không? Sự phán xét bán phá giá có dựa vào các tiêu chuẩn, căn cứ hợp lý hay không?
5/ Đưa ra lời hứa giá cả: Nếu có hành vi phá giá, gây thiệt hại cho doanh nghiệp cùng ngành hàng nước nhập khẩu thì nên chủ động thương lượng với chính phủ nước khởi kiện về giá cả hứa hẹn, thời hạn quá độ và chấm dứt hoàn toàn.
6/ Yêu cầu cơ quan tư pháp nước nhập khẩu can thiệp: Nếu không chấp nhận kết luận của chính phủ nước khởi kiện, có thể tìm đến cơ quan tư pháp nước nhập khẩu để kháng án, ví dụ ở Mỹ là tòa án mậu dịch quốc tế, cao hơn nữa là tòa án liên bang.
7/ Đề nghị chính phủ can thiệp: Nếu có đủ cơ sở chứng minh hành vi kiện bán phá giá, thật ra là chuyện nước nhập khẩu muốn bảo hộ mậu dịch, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, thì có thể đề nghị chính phủ can thiệp đến tận WTO, nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải tích cực hầu kiện.
8/ Kịp thời đề nghị phúc thẩm: Trong thời gian 5 năm kể từ ngày nộp thuế chống bán phá giá, nếu đã chấm dứt hành vi bán phá giá thì cần kịp thời đề nghị chính phủ từng khởi kiện bán phá giá phúc thẩm để hủy bỏ các hình thức xử phạt trước đây.
9/ Hình thành cơ chế thu nhập và xử lý thông tin một cách nhanh nhất.
10/ Phát huy vai trò của tổ chức nhóm sản phẩm hay hiệp hội ngành hàng trong quá trình hầu kiện
Hiện nay, bên tố tụng bán phá giá thường lấy danh nghĩa hiệp hội để đủ tư cách không dưới 50% sản phẩm toàn quốc, nhưng bên hầu kiện lại đơn thương độc mã, dễ sơ hở và không kham nổi chi phí kiện tụng. Vì vậy, đoàn kết với doanh nghiệp khác là rất cần thiết.
(Theo TBKTSG, Nhân Dân Nhật Báo)