Ngày 7/3, Duyên, 29 tuổi, trú Nam Định, bị TAND Hà Nội xét xử vì tội Cướp tài sản. Em trai Duyên, Mai Ngọc Ánh, 23 tuổi, là đồng phạm.
"Số tiền bị lừa khoản tích cóp 5 năm đi làm ở Hà Nội để mua nhà đón mẹ từ quê lên sống cùng vì bố mất từ lâu. Bị cáo quá nóng giận, chỉ muốn đòi lại tiền. Nay từ bị hại thành bị cáo, lại khiến cả em trai liên lụy, tôi vô cùng buồn và hối hận, mong HĐXX soi xét, giảm nhẹ", Duyên khóc nói những lời cuối trước khi tòa công bố bản án.
Vụ án bắt đầu từ tháng 7/2021, khi Duyên gặp người bạn cùng phòng trọ, Nguyễn Linh Thùy, cũng là bị cáo cùng vụ án. Thùy bịa chuyện quen biết rộng, làm nhân viên công ty nước ngoài, có mẹ là giám đốc doanh nghiệp bất động sản lớn để dụ Duyên chơi chứng khoán, mua nhà giá rẻ, mua phụ kiện ban nhạc nước ngoài, vay mượn tiền để chiếm đoạt tổng cộng 420 triệu đồng.
Phát hiện bị lừa, Duyên đòi nợ nhưng Thùy không trả, dù đã hứa hẹn và viết giấy nợ, cam kết ngày 8/10 cùng năm sẽ trả. Đúng hẹn, Duyên rủ em trai và bạn đồng hương cùng đến nhà mẹ Thùy tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Thùy trả lời do thiếu thủ tục nên ngân hàng chưa cho vay, khất thêm 2 ngày rồi vào nhà khóa cửa, đóng cửa cuốn.
Sau hơn hai tiếng bấm chuông đập cửa mà Thùy không ra, nhóm Duyên đi mua mắm tôm để trước cổng gây sức ép. Thùy vẫn không ra.
21h30 khi mẹ Thùy mở cửa, nhóm Duyên ùa vào nhà đề nghị trả nợ, đề nghị bà gán nợ bằng sổ đỏ nhưng không được đồng ý. Nhóm Duyên dùng băng dính trói chân, tay Thùy, dọa đưa đi. Sau khi mẹ Thùy hô hoán, một người hàng xóm đã báo công an.
Tại tòa, Duyên và em trai đều cho rằng "không đi cướp, mà chỉ đến đòi lại" số tiền Thùy đã lừa mình. Duyên khai vì số tiền lớn, nếu Thùy trả sẽ cần nam giới đi cùng ra ngân hàng gửi đề phòng bất trắc, vì thế rủ em trai và bạn đi cùng. Nhóm Duyên không bàn bạc lên kế hoạch trước về việc trói chân tay ép Thùy trả nợ.
Chủ tọa Nguyễn Bích Ngân phân tích, dù đó là số tiền Thùy đang nợ, chị em Duyên không có quyền đòi nợ bằng vũ lực hay đe dọa dưới bất cứ hình thức nào. "Các bị cáo có giấy vay nợ, nếu Thùy không trả thì có quyền lên công an trình báo hành vi lừa đảo. Và thực tế trong phiên tòa này, Thùy đang bị xét xử về tội đó. Phải có biện pháp khác, không thể ai cũng đi đòi nợ bằng nắm đấm được", chủ tọa nói.
Theo bà Ngân, dù đang là "con nợ", Thùy vẫn có quyền con người, không ai có quyền xâm hại, trói chân tay hay uy hiếp. "Đây là bài học cho bị cáo, cho những người đòi nợ mà không hiểu biết pháp luật".
Đáp lời chủ tọa, Duyên khóc nói đã biết lỗi song "khi đó rất bức xúc, chỉ nghĩ là tiền của mình thì được đòi".
Bản án nhận định, trong vụ án cướp tài sản, nhóm Duyên thực hiện hành vi trong trạng thái tinh thần kích động, do bị Thùy lừa đảo và không trả lại tiền. Thùy có lỗi trong việc này.
Duyên cùng em trai lần lượt lĩnh án 11 và 7 năm tù. Thùy lĩnh án tù bằng với Duyên, 11 năm, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc chủ nợ, từ bị hại bỗng trở thành bị cáo, do đòi nợ sai cách không phải là hiếm. Tháng 7/2021, anh Hoàng Gia Minh cũng bị TAND Hà Nội phạt 9 năm tù vì tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Minh được xác định là chủ mưu, rủ 2 đồng bọn trói tay, bắt cóc con nợ mang tới nghĩa địa giữa đêm để đánh đập, bắt trả 300 triệu đồng. Ngoài án tù, nhóm Minh còn phải bồi thường 100 triệu đồng cho các thương tật gây ra cho con nợ.
Điểm chung trong hai vụ án trên, là chủ nợ đều không giữ được bình tĩnh và không có biện pháp đòi nợ hợp pháp, dẫn đến bị truy tố, lĩnh án tù.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) khuyên để tránh vướng lao lý, chủ nợ nên có cách hành xử hợp lý. Trước hết, chủ nợ cần tự xác định hoặc nhờ người có chuyên môn pháp luật tư vấn việc con nợ không trả nợ là "có dấu hiệu hình sự hay chỉ là tranh chấp dân sự thông thường".
Theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền (như vụ án của Thùy và Duyên) là có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ nợ cần tố cáo hành vi của con nợ tới cơ quan công an. Khi đó, người vay không những phải trả nợ mà còn đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi con nợ không có một trong các hành vi nói trên, việc vay chỉ là giao dịch dân sự (vụ án của Hoàng Gia Minh), chủ nợ có quyền khởi kiện vụ án dân sự.
Tránh việc đòi nợ dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự, nhiều luật sư khuyên chủ nợ không được có một trong các hành vi sau:
- Nếu dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công (con nợ, người thân của con nợ...) lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ nợ có thể phải đối mặt với tội Cướp tài sản (điều 169 Bộ luật Hình sự 2015).
- Nếu đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác (chưa đến mức làm cho người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể chống cự được) nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ nợ có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản (điều 170)
- Với hành vi bắt cóc con nợ hoặc người thân của con nợ để đòi nợ, chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169).
- Chủ nợ có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con nợ hoặc của người thân của con nợ thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (điều 155). Dù tội này ít nhiêm trọng hơn các tội trên nhưng hình phạt tối đa cũng 5 năm tù.
Hải Thư