Dưới đây là chia sẻ của chị Hoàng Thùy Dương, 40 tuổi, hiện sống tại TP HCM:
Khi chuyển vào Nam sinh sống hồi năm 2008, vợ chồng tôi mua một ngôi nhà một trệt ba lầu, diện tích đất hơn 100 m2 trong một con hẻm trên đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp. Lúc đó, lạ nước lạ cái, chúng tôi nhờ ông bác đang sống tại Gò Vấp tìm mua nhà giúp, với tiêu chí chỗ ở rộng rãi, thoải mái, nhà xây sẵn, có sân vườn.
Từ đây tới nơi làm của vợ chồng tôi ở quận 1 không quá xa, khoảng 6-7km, tùy việc đi đường vòng hay không. Ở Hà Nội, chúng tôi cũng đi làm cách nhà gần 10 km nên cảm thấy khoảng cách này chấp nhận được.
Sau khi nhận nhà, chúng tôi đầu tư một số tiền để sửa chữa cho phù hợp với nhu cầu của gia đình. Trước nhà có một khoảnh sân nhỏ tầm 4 m2, đủ để vài chậu cây cảnh và hai chiếc xe máy. Đằng sau nhà cũng có một khoảnh sân nhỏ, có thể sử dụng để nấu nướng, chế biến thực phẩm những khi nhà có cỗ. Tầng trệt, ngoài phòng khách, phòng ăn - bếp, còn có một phòng nhỏ làm nhà kho. Hai tầng 2-3 mỗi tầng 2 phòng ngủ. Tầng trên cùng có hai phòng dùng làm phòng tập thể dục và phòng thờ. Trên mái nhà, tôi đặt ít thùng xốp trồng rau và hoa.
Khi tôi sinh con thứ hai vào năm 2010, gia đình tôi bắt đầu thuê người giúp việc, vốn là người bà con xa với chồng.
TP HCM ngày càng đông đúc, nếu ngày trước từ nhà đến nơi làm việc của tôi và nơi học của các con (cũng ở quận 1) chỉ mất khoảng 20 phút thì đến năm 2017 đã thành 40 phút. Đặc biệt có giai đoạn một cây cầu vượt trên đường được thi công thì việc đi lại của gia đình tôi vô cùng vất vả. Mẹ con tôi bị ho, trước chỉ uống vài ngụm chanh đào ngâm là khỏi, giờ ho kéo dài cả tháng do ra đường hít bụi và xăng xe nhiều quá. Vì thế, đầu năm 2017, vợ chồng tôi bắt đầu đi tìm mua nhà ở quận 1 để rút ngắn quãng đường đi làm và đi học. Sau nửa năm, chúng tôi tìm được một ngôi nhà một trệt, một lửng, 2 lầu, diện tích đất gần 50 m2 trong một con hẻm xe hơi ở phường Tân Định, phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu của mình.
Bán nhà to hơn 6 tỷ, mua nhà nhỏ gần 6 tỷ, số tiền dư ra chưa đủ để chúng tôi sửa lại nhà. Ban đầu, cả gia đình hơi buồn vì nhà mới nhỏ, chúng tôi phải bỏ rất nhiều đồ đạc do không có chỗ chứa. Toàn bộ nội thất phòng khách, phòng bếp mà tôi rất yêu thích đều không mang theo được vì không phù hợp.
Tuy nhiên, sau một thời gian ở nhà nhỏ thì cả gia đình đều hài lòng vì thấy ấm cúng và gần gũi hơn hẳn. Ngôi nhà mới của chúng tôi vẫn có vườn nhỏ ở các ban công, ngoài phòng khách bếp ăn, chỉ có ba phòng ngủ, không còn nhà kho hay phòng tập thể dục nữa. Thực sự trước đây, phòng tập thể dục nhà tôi rất ít khi được sử dụng, mẹ con tôi thích đi bơi còn chồng tôi thích đánh tennis nên máy chạy bộ và đạp xe chỉ phủ vải bỏ không.
Nhà mới tuy nhỏ nhưng chị Dương vẫn trồng được hoa ở ban công. Ảnh: H.A |
Số phòng ngủ vừa đủ, không có phòng dư thừa nên tôi không giữ giúp việc ở lại nữa. Gia đình không có người lạ ở cùng, tôi cảm thấy tự do hơn hẳn. Công việc nhà ít hơn hẳn vì ngoài diện tích thu nhỏ, số đồ đạc cần lau chùi đã bớt đi, tôi còn sắm thêm máy rửa bát và đổi máy giặt thường sang máy giặt có sấy, tôi chỉ thuê giúp việc theo giờ. Thậm chí, nếu hôm nào giúp việc không đến, hai cậu con trai sẵn sàng giúp mẹ dọn nhà, vì "ít việc thì chúng con còn làm được" theo lời bọn trẻ. Tôi thấy rõ ràng là giờ đây tôi dạy con dễ hơn. Bọn trẻ đã biết tự dọn dẹp phòng của mình.
Không còn nhà kho, tôi bất ngờ vì nhận thấy hình như vợ chồng mình mua sắm tiết kiệm hơn hẳn hơn. Từ việc ngại mua sắm đồ vì sợ không có chỗ để, chúng tôi bắt đầu học được lối sống tối giản, hạn chế mua sắm những thứ không cần thiết.
Trước đây, vợ chồng tôi thích mua nhà to vì nghĩ sẽ để dành không gian cho các con khi chúng trưởng thành. Càng ngày chúng tôi càng nhận thấy, khả năng sau này các con tách ra ở riêng là rất lớn nên thấy việc mua nhà nhỏ là hợp lý.
Tất nhiên, một điều không thể không nhắc đến là nhờ chuyển về ở gần chỗ làm chỗ học nên thời gian đi đường của chúng tôi được giảm bớt, các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống trong ngôi nhà của mình hơn.
Theo kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (TP HCM), với những gia chủ đang ở tuổi lao động, con cái đang tuổi học hành, thời gian dành cho gia đình thường không nhiều, nếu ở quá xa chỗ làm, chỗ học sẽ tốn thời gian đi lại. Việc chuyển nhà về gần công ty của bố mẹ, trường học của con như gia đình chị Dương là một lựa chọn phù hợp.
Ông Hải cho rằng lựa chọn nhà xa hay gần trung tâm, to hay nhỏ quan trọng nhất là có gần nơi mình hay đến hàng ngày nhất hay không. Sống trong không gian nhỏ, các thành viên trong gia đình không chỉ giảm công việc chăm sóc nhà mà còn có nhiều điều kiện gặp gỡ nhau hơn.
Còn kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà (Hà Nội) cho rằng, mọi sự lựa chọn nên xuất phát từ nhu cầu của chính những người sử dụng. Mỗi nhà có một hoàn cảnh và cách thức sinh hoạt riêng nên có thể có những sự lựa chọn khác nhau về vị trí, quy mô của ngôi nhà ấy. Với số đông nói chung, nhà quá to dễ gây lãng phí, nhỏ quá thì cũng có nhiều phiền toái phát sinh. Một ngôi nhà vừa với nhu cầu sẽ khiến người sống cảm thấy thoải mái và thấy rằng không gian này chính là của mình.
"Người Việt (đặc biệt ở miền Bắc) lâu nay hay có suy nghĩ khi xây nhà là phải tính cho cả con cái lập gia đình sau này, tôi thấy là nên thay đổi cách tiếp cận ấy, vì chính điều này góp phần tạo ra sự việc dư thừa diện tích như trên", KTS Thanh Hà nói.
Hoàng Anh (ghi)