Thông báo được đưa ra ngay khi bắt đầu phiên Bán hàng nghệ thuật Việt Nam tại Millon ở Paris vào 17h (giờ Hà Nội). Trên website, nhà đấu giá viết: "Trước sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với lô 101 - ấn vàng của vua Minh Mạng, chúng tôi xin hoãn việc bán chiếc ấn này đến trưa thứ năm ngày 10/11". Lô bán hàng cũng được gỡ xuống khỏi phiên.
Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), gây nhiều chú ý khi được nhà đấu giá công bố trước đó. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó đã gửi công văn tới Bộ Ngoại giao, phối hợp Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp để làm việc với nhà đấu giá Millon. Mục đích xác minh tính xác thực của hiện vật gốc và những thông tin liên quan như chủ sở hữu, tính hợp pháp, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá... Sau đó, căn cứ trên kết quả xác minh, đại diện Việt Nam sẽ đề xuất phương án phù hợp nhất để có thể đưa hai cổ vật về nước. Thông tin về quá trình làm việc hiện vẫn được giữ kín.
Trong bài đăng trên website nhà đấu giá, ấn cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông với kích thước 13,8x13,7 cm. Quai ấn hình rồng năm móng ở tư thế cuộn, đầu ngẩng cao, trán khắc chữ 王 (vua), đuôi uốn ra phía sau theo hình xoắn ốc, vây dọc thân rồng, bốn chân chắc chắn.
Mặt trên của ấn có khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4 tháng 2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân). Tức là ấn được làm vào ngày 4 tháng 2, năm thứ tư đời vua Minh Mạng, tương đương ngày 4/2/1823, trọng lượng 10,7 kg. Đế ấn có in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).
Ấn từng được vua Bảo Đại trao cho chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn vào chiều 30/8/1945, sau khi thoái vị. Sau đó, ấn bị lưu lạc do chiến tranh. Năm 1953, Bảo Đại cử bà Mộng Điệp mang hai hiện vật cùng một số tư trang, giao cho hoàng hậu Nam Phương và cựu thái tử Bảo Long cất giữ. Năm 1963, hoàng hậu Nam Phương qua đời, hiện vật được Bảo Long ký gửi trong một két sắt tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng châu Âu).
Trong tập hồi ký Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam, xuất bản năm 1980), bà Mộng Điệp cho biết cựu hoàng muốn dùng ấn đóng vào sách để làm tăng giá trị tác phẩm. Tuy nhiên, Bảo Long không cho mượn.
Bảo Đại kiện con trai ra tòa để đòi lại hiện vật. Tòa án tại Pháp sau đó tuyên Bảo Đại được sở hữu kim ấn, Bảo Long giữ bảo kiếm. Năm 1982, cựu hoàng kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, bao gồm cả ấn cho vợ. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, đến nay những người thừa kế tài sản của bà mang đi đấu giá.
Phiên Bán hàng nghệ thuật Việt Nam của nhà Millon ban đầu gồm 329 hiện vật, tác phẩm nghệ thuật. Bát vàng quý hiếm, triều đại vua Khải Định (1916-1925) hay Kim bài quý hiếm, triều đại vua Duy Tân (1907-1916) cùng nhiều tranh, tượng... được đưa ra đấu giá bình thường.
Hiểu Nhân