Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, đang lan truyền video những người đàn ông đội mũ bảo hiểm đi mua nhà kèm dòng mô tả: "Để bảo vệ thông tin cá nhân, hãy đội mũ bảo hiểm khi đi mua nhà".
Các từ khoá như "mua nhà", "kính râm", "mũ bảo hiểm" cũng đang thịnh hành trên mạng xã hội này.
Ở Trung Quốc, các công ty bất động sản thường có chương trình khuyến mãi lớn cho những người đầu tiên đến tham quan và mua nhà. Để xác định "khách hàng đầu tiên", họ đã lắp hệ thống camera ở cửa ra vào. Hình ảnh của khách hàng được thu thập, lưu trữ và đối chiếu.
Các công ty bất động sản Trung Quốc áp dụng mô hình "điểm mặt chỉ tên" chủ yếu liên quan đến "mô hình phân phối" của họ. Nếu một người đọc được tin quảng cáo và tự động đến thăm, đây sẽ là "khách hàng tự nhiên". Họ chỉ phải giảm giá theo chương trình khuyến mãi. Nếu khách hàng đến từ một đơn vị trung gian, công ty bất động sản còn mất thêm một khoản tiền "hoa hồng". Điều này đôi khi gây ra tranh chấp bởi một người đến cùng đơn vị trung gian để xem nhà rồi hôm sau tự quay lại như "khách hàng tự nhiên" để hưởng ưu đãi. Sự tồn tại của công nghệ nhận dạng giúp các công ty bất động sản phân loại khách hàng, hoa hồng sẽ thuộc về ai và ưu đãi được tính cho ai.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vấn đề không đơn giản như vậy. "Việc này là lạm dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Việc chụp ảnh khuôn mặt người khác mà không được sự đồng ý là phạm pháp. Việc rò rỉ dữ liệu cũng vô cùng nguy hại", tài khoản Wang Song bình luận.
Một số người cho rằng dữ liệu khuôn mặt giờ đây đã phổ biến khắp nơi, từ thanh toán điện tử đến các hệ thống an ninh công cộng, không có gì phải lo lắng. "Trên thực tế, chúng ta đã dùng công nghệ nhận diện nhiều năm nay trên Alipay để thanh toán. Nó chẳng có gì xấu, nhận diện khiến mọi thứ thuận tiện hơn rất nhiều", tài khoản Zhang Null bình luận.
Người dùng tên Qiang Qiang đáp lại: "Vấn đề là có quá nhiều camera ở ngoài đường phố, chúng ta đang không biết dữ liệu khuôn mặt của mình đang bị những bên nào thu thập, họ dùng vào việc gì. Một lần bị lấy, hình ảnh sẽ nằm đó mãi mãi chứ không biến mất. Đây mới là điều đáng nói".
Trong khi phần lớn dư luận Trung Quốc vẫn chia rẽ về lợi ích và rủi ro của công nghệ nhận diện, một số người lại cho rằng vấn đề không nằm ở chỗ tốt hay xấu mà là luật pháp chưa quy định rõ ràng về quyền lợi, hành vi và trách nhiệm của những bên liên quan. "Công nghệ nhận diện đang phát triển quá nhanh, hệ thống pháp lý đang đi sau. Chẳng có quy định nào hướng dẫn người dùng phải làm gì để bảo vệ dữ liệu của mình. Giới hạn nào cho các bên thu thập dữ liệu. Những yêu cầu trong việc lưu trữ, xử lý hoặc ít nhất là những căn cứ luật pháp khi xảy ra tranh chấp", người dùng Murong Gen viết.
Một khảo sát của Sina với nội dung người dùng nghĩ gì về công nghệ nhận diện ở nơi công cộng đã thu hút hơn 2.000 lượt bình chọn trong chưa đầy một ngày. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát nói rằng họ lo lắng về việc dữ liệu khuôn mặt bị rò rỉ và muốn hạn chế công nghệ nhận diện ở nơi công cộng. Gần 500 người cho rằng công nghệ này là tốt, thuận tiện trong đời sống, có thể thay thế thẻ từ hay mã khóa truyền thống. Số còn lại cho ý kiến trung lập. Khoảng 450 người nói rằng công nghệ nhận diện có cả hai mặt xấu lẫn tốt, tuỳ trường hợp.
Kim Cương