-
10h10
'Đam mê là yếu tố tiên quyết để trở thành nhà khoa học trẻ'
Tọa đàm kết thúc với phần hỏi đáp của sinh viên, tác giả dự thi với diễn giả. Bạn Kiên, Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM mở đầu với câu hỏi cho bà Ngô Thị Thúy Hường về kinh nghiệm để có thể trở thành một nhà khoa học. Bà Hường cho biết, đam mê là điều cần thiết nhất đối với các bạn trẻ, sẽ giúp các bạn tìm được đích đến. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên có mong muốn trở thành nhà khoa học cũng cần một người thầy để giữ lửa đam mê.
Sinh viên tham gia gửi câu hỏi đến các diễn giả trong toạ đàm. Ảnh: Giang Huy
Trả lời câu hỏi của anh Lương Văn Trường (Nam Định) về mô hình kinh doanh giảm khí thải, ông Lương Quang Huy đưa ra điển hình hiện nay là chương trình sản xuất 1 triệu ha lúa gạo. "Chương trình này cũng có kế hoạch bán tín chỉ để có nguồn thu thêm cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất lúa gạo. Việc tham gia mang ý nghĩa cao, tạo tính cạnh tranh tốt hơn cho thị trường nên doanh nghiệp của bạn có thể cân nhắc", ông Huy thông tin thêm.
Toàn cảnh toạ đàm 'Giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững'. Ảnh: Giang Huy
-
10h00
Thị trường carbon tạo ra tiền tệ mới
Trả lời vấn đề về một số thị trường mới đang hình thành (thị trường về hàng hóa và dịch vụ môi trường, thị trường nguyên liệu thứ cấp, thị trường các sản phẩm thân thiện môi trường, thị trường trái phiếu xanh, tín dụng xanh, thị trường việc làm xanh, thị trường carbon trong nước và quốc tế)... TS Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số nhận định.
Tiến sĩ Lương Quang Huy trong toạ đàm. Ảnh: Giang Huy
Đầu tiên, thị trường carbon là một thị trường mới, vừa phục vụ doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, vừa góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí CO2, hiệu ứng nhà kính, đóng góp phát triển bền vững, tạo ra tiền tệ mới. Hiện ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận để hỏi về tiến trình các-bon với các vấn đề về cơ chế, định giá. Ông Huy đánh giá, doanh nghiệp đi rất nhanh trong vấn đề này và tạo ra tính cạnh tranh.
"Hiện tai, những doanh nghiệp lớn như Vinfast và nhiều quỹ đầu tư khác đã tiếp cận tìm hiểu về tiến trình carbon. Điều này thể hiện mối quan tâm của doanh nghiệp, tạo ra thị trường xanh có liên quan đến công nghệ ít phát thải. Đây không chỉ tốt cho doanh nghiệp và còn tốt cho cộng đồng", ông Huy chia sẻ.
Ngoài ra đã có những chính sách khai thác thị trường carbon. Những vấn đề này đã được đưa vào luật bảo vệ môi trường, cũng như các nguyên tắc cơ bản về phát triển thị trường cacbon vào năm 2022. Bộ Tài nguyên môi trường cũng đã kết hợp bộ ngành liên quan để thành lập sàn giao dịch cacbon, dự kiến ra mắt năm 2025, muộn nhất là 2027.
Bà Thuý Hường chia sẻ về giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ảnh: Giang Huy
Về vấn đề đào tạo và phát triển các nhà khoa học trẻ, ông Huy cho biết, đứng từ góc độ quản lý nhà nước, các khoa học trẻ nên tiếp cận xu thế thế giới. Hiện nay, công nghệ thông tin cũng như việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm dễ dàng hơn trước đây. Các nhà khoa học cần đưa ra các sáng kiến thực tế, gắn với lợi ích của cộng đồng và kinh tế, mang tính ứng dụng cao.
-
9h56
Doanh nghiệp và nhà khoa học cần đồng hành
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thuý Hường, nhìn dọc lịch sử phát triển của thuật ngữ phát triển bền vững, từng có nhiều ý kiến trái chiều rằng: yếu tố phát triển khong thể đồng hành cùng bền vững, tuy nhiên đây chỉ là những cách hiểu khác nhau. Theo bà, nếu các doanh nghiệp cam kết sản xuất và làm theo 17 mục tiêu phát triển bền vững thì doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều nhất. Bởi khi sản phẩm của doanh nghiệp được gắn mác bền vững thì sẽ được người dân đón nhận, từ đó giúp doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều. Điều này cho thấy sự đồng hành của doanh nghiệp trong phát triển bền vững là cần thiết.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đồng hành cùng đội ngũ nhà khoa học, đảm bảo cho sản phẩm đạt mục tiêu phát triẻn bền vững.
"Với các bạn trẻ vấn đề môi trường ko mới nhưng thực tế chúng ta cần lan toả điều này nhiều hơn bởi môi trường sống có ý nghĩa quan trọng với con người. Khi thực hiện dự án, các nhà khoa học cần tìm hiểu nhu cầu của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp chứ không chỉ chờ doanh nghiệp đưa ra bài toán cho mình để tư vấn và gợi ý", bà Hường nhấn mạnh.
Ông Vũ Chí Công chia sẻ về "khẩu vị" đầu tư của VinaCapital. Ảnh: Giang Huy
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ Đầu tư VinaCapital hoàn toàn đồng tình với những chia sẻ của nữ tiến sĩ. Theo ông, phát triển bền vững là tất yếu và có trong mọi hoạt động hàng ngày do đó, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào cam kết này và có những giải pháp cụ thể như tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm chi phí, tiết kiệm sản xuất; giảm thiểu lượng phế phẩm hoặc tái sử dụng.
-
9h53
ESG trong định hướng chiến lược của ngân hàng
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Bùi Xuân Hương, Phó giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho biết, nhà băng này đã có hơn 30 năm xuất hiện trên thị trường, với định hướng cam kết mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho khách hàng, cổ đông và đối tác.
Trong quá trình hình thành và phát triển, HDBank đẩy mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ và phát triển bền vững. Thời gian qua, ngân hàng đẩy đầu tư đến tỉnh vùng sâu vùng xa, định hướng chuyển đổi số và phần nào góp phần tăng trưởng kinh tế cho các địa phương.
Ông Bùi Xuân Hương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank. Ảnh: Giang Huy
Bên cạnh đó, ngân hàng đặc biệt quan tâm đến những nhà khoa học, đặc biệt là khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực.
Vấn đề phát triển bền vững, ESG được HDBank chú trọng, với bộ phận chuyên trách riêng. "Chúng tôi sẵn sàng từ chối những dự án gây ra những rủi ro cho môi trường, xã hội", ông Hương cho biết. Nhà băng cũng có những tiêu chí, định hướng ưu tiên, ưu đãi cho những nhóm khách hàng chú trọng đến tiêu chí ESG. Trong 3-5 năm qua, HDBank là một trong những ngân hàng tiên phong đầu tư cho năng lượng tái tạo, điện mặt trời, sắp tới có thể là điện gió ngoài khơi...
Về mặt công nghệ, ngân hàng luôn đầu tư, đổi mới để dịch vu tiếp cận khách hàng dễ nhất. HDBank hướng tới triển khai, nâng cấp áp dụng tiêu chuẩn Basel III của ngành ngân hàng.
-
9h50
Tọa đàm “Giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững”
Kết thúc 3 bài tham luận, các diễn giả bước vào tọa đàm "Giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững" để phân tích sâu hơn về những cơ hội và thách thức để doanh nghiệp triển khai nghiên cứu, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Mở đầu tọa đàm, ông Vũ Chí Công - Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, quỹ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là SME trong quá trình phát triển các mô hình kinh doanh bền vững. Ông Công lấy ví dụ, khi VinaCapital đầu tư vào doanh nghiệp nhựa cách đây vài năm, các mô hình kinh doanh của họ tương đối tốt nhưng mô hình quản trị chưa phù hợp. "Chúng tôi tiến hành hỗ trợ quản lý dòng tiền, tuyển giám đốc tài chính, cấu trúc lại doanh nghiệp... Sau đó, doanh nghiệp này hoạt động trơn tru hơn và mang về hiệu quả kinh doanh đột phá", vị giám đốc nói.
Tọa đàm "Giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững". Ảnh: Giang Huy
Quỹ đầu tư khởi nghiệp của VinaCapital liên quan chủ yếu đến công nghệ, nhằm giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kho bãi, nguyên liệu và hạn chế chất phát thải. Quỹ cũng thường xuyên khuyến khích doanh nghiệp đưa ra ý tưởng giảm chất phát thải trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
-
9h45
Cần bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Tiếp nối chương trình hội nghị, Tiến sĩ Ngô Thị Thuý Hường, Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trưởng nhóm nghiên cứu Hoá môi trường và Độc học sinh thái, Trường đại học Phenikaa chia sẻ bài tham luận "Phát triển - Môi trường - Sức khoẻ: Giải pháp nào cho phát triển bền vững?".
Tiến sĩ Ngô Thị Thuý Hường, Trưởng nhóm nghiên cứu Hoá môi trường và Độc học sinh thái, Đại học Phenikaa. Ảnh: Giang Huy
Mở đầu bài tham luận, nữ tiến sĩ chia sẻ về chất ô nhiễm trong môi trường, phổ biến tại các lưu vực sông ở Việt Nam là các kim loại (Zn, Cu, Pb, Cd, etc.) và các chất hữu cơ khó phân hủy như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, PCB, dioxins... từ nhiều hoạt động như khai thác mỏ và hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân cũng đốt rác thải tự phát, quá trình tự nhiên trong hệ sinh thái. Điều này ảnh hưởng đến sinh vật thủy sinh ở các mức độ: phân tử, hóa sinh, cơ quan, cá thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái, canh quan, sinh quyển.
"Con người là phần không thể thiếu của hệ sinh thái. Khi bị mất đi một mắt xích trong hệ sinh thái khiến hệ sinh thái mất tính bền vững, càng mất nhiều mắt xích thì hệ sinh thái sẽ sụp đổ. Con người vừa là nguyên nhân vừa là đối tượng hứng chịu", bà Ngô Thị Thuý Hường nói.
Trước những thách thức đó, nhóm thực hiện nghiên cứu giảm thiểu dioxins ở đất, trầm tích và các chuỗi thức ăn bị nhiễm dioxins. Cụ thể, nhóm thực hiện "Nghiên cứu khả năng giảm nhẹ ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin của cỏ Vetiver - Áp dụng thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa". Tiếp đó là nghiên cứu "Ứng dụng cỏ vetiver ở quy mô thực tế nhằm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin trong đất tại sân bay Biên Hòa" do PEER/USAID tài trợ. Dự án này kết thúc hồi tháng 2/2023, kết quả cho thấy, công nghệ xử lý ô nhiễm dioxins bằng thực vật được phát triển và có tiềm năng ứng dụng rộng rãi cho những vùng ô nhiễm chất hữu cơ khó phân hủy.
Tiến sĩ Thuý Hường chia sẻ về tác động tiềm ẩn của các chất ô nhiễm trong môi trường. Ảnh: Giang Huy
Hướng nghiên cứu thứ 2 của nhóm là tìm câu trả lời cho những dòng sông "chết". Một trong những chất phổ biến tại các dòng sông ô nhiễm là kim loại nặng (Pb, Cd, Ni, Cr, Cu...). Lượng chất thải đưa ra quá nhiều khiến khả năng tự làm sạch của hệ sinh thái không đáp ứng được, khiến nhiều sinh vật không thể sinh sống. Nhóm bắt đầu dự án "Điều tra nghiên cứu và đánh giá sự tích tụ sinh học của kim loại nặng trên một số loài cá kinh tế trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và sự ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thuỷ sản trong lưu vực sông", tiếp đó là nghiên cứu "Đặc điểm phơi nhiễm kim loại đối với các loài cá nước ngọt quan trọng ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Việt Nam", do VLIR-UOS, Bỉ tài trợ năm 2019-2020. Cuối cùng là dự án Đánh giá nồng độ sinh khả dụng của As và Hg tại một số khu vực của lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và các tác động tiềm ẩn đối với động vật thủy sinh", do VLIR-UOS, Bỉ tài trợ năm 2020-2021. Nhóm nghiên cứu kết luận, kim loại trong trầm tích gây ra rủi ro cao đối với hệ sinh thái và sức khoẻ người tiêu thụ (qua cá chép, cá rô phi), đặc biệt bởi Cd và Pb.
Điểm nóng khác là ô nhiễm vi nhựa. Các loại vi nhựa tồn tại trong nhiều dạng khác nhau. Vi nhựa tồn tại trong môi trường, gây ra nhiều mối nguy. Theo bà Hường, vi nhựa ảnh hưởng cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nước, truyền chất độc đến chuỗi thức ăn cho con người và sinh vật. Người ta tìm thấy vi nhựa trong các loại động vật thuỷ sinh, phù du, nhuyễn thể và thậm chí tìm thấy vi nhựa tồn tại trong nhau thai người. Bà Hường khẳng định, vấn đề này cần được nghiên cứu để xây dựng kế hoạch chiến lược phù hợp cần xây dựng luật nhằm giúp giảm thiểu mối nguy từ ô nhiễm cho các loài thủy sinh vật và sau đó là con người.
Trường Đại học Phenikaa đã hợp tác Đại học Heriot-Watt (Anh) để nghiên cứu về ảnh hưởng ô nhiễm vi nhựa ở đại dương lên một số nền kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Dự án mới bắt đầu từ 2022, tiến hành thu mẫu ở bờ biển Việt Nam và đang được phân tích. Song song với việc nghiên cứu, cần đào tạo nguồn lực cho tương lai để phục vụ phát triển bền vững cũng như nâng cao nhận thức của mọi người, bà Hường nhận định. Trường đại học Phenikaa đã phát triển ngành học Sức khoẻ môi trường và Phát triển bền vững, đồng hành với các sinh viên nghiên cứu khoa học, học sinh phổ thông trong việc nâng cao nhận thức.
Theo bà Hường, để có cuộc sống chất lượng và hạnh phúc cần nhận thức được mối nguy đến từ môi trường đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Xây dựng và duy trì một môi trường sống lành mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài các chính sách, luật pháp, cần thiết phải đưa giáo dục về môi trường vào trong trường học.
-
9h30
Vai trò của khoa học công nghệ trong nền kinh tế xanh
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital cho hay, cam kết, nỗ lực phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam là cam kết tích cực nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức. Không ngẫu nhiên thời gian qua, những yêu cầu về ESG được đặt ra cấp thiết và dồn dập như vậy.
Trước đây, các quỹ đầu tư lựa chọn doanh nghiệp chỉ nhìn vào các yếu tố như lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền... nhưng hiện nay, các quỹ đầu tư đánh giá thêm tiêu chí ESG, xem hoạt động của doanh nghiệp có thể gây ra những rủi ro với môi trường như thế nào, doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững ra sao. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Dòng vốn FDI từ các quốc gia phát triển đến quốc gia đang phát triển vận hành theo xu hướng này.
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital chia sẻ về vai trò của khoa học công nghệ trong nền kinh tế xanh. Ảnh: Giang Huy
"Chúng tôi nhận thấy trong 130 bài dự thi, có nhiều sáng kiến về môi trường xã hội, là tín hiệu đáng mừng. VinaCapital cũng ưu tiên những yếu tố này và chúng tôi hy vọng các nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với những sáng kiến khoa học chú trọng đến vấn đề ESG", ông Công cho biết.
-
9h20
'Cần nâng cao mô hình thích ứng biến đổi khí hậu'
Tiếp tục phần tham luận, ông Huy đưa ra biểu đồ dự báo mức độ phát thải khí nhà kính đến 2030 của các quốc gia có thể tăng gấp đôi hiện tại nếu chúng ta không kịp thời đưa ra giải pháp.
Tiến sĩ Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Giang Huy
Việt Nam đang làm tốt công tác phòng chống thiên tai nhưng cần có sự đầu tư thêm để đảm bảo các hoạt động được nâng cao. Trong đó, nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu của các nhà khoa học trẻ đang được áp dụng hiệu quả trên thế giới.
Ông Lương Quang Huy cũng chỉ ra các thách thức về khoa học - công nghệ tại Việt Nam hiện nay như toàn cầu hóa khiến thị trường sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt, công nghệ trong nước còn chậm, khung pháp lý, thể chế, hệ thống chính sách vẫn còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế quản lý khoa học...
Bên cạnh đó, những thuận lợi của doanh nghiệp Việt đang có là nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng có xu hướng tích cực, tiến trình hội nhập quốc tế tạo ra các áp lực phải chuyển đổi, một số thị trường mới đang hình thành... "Ở mặt ngược lại, các doanh nghiệp đang gặp phải thách thức trong tư duy hệ thống trong chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả; tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế, vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững", ông Huy nói thêm.
-
9h15
Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050
Để hiểu hơn về các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong chiến lược phát triển hiện nay, đồng thời vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học và doanh nghiệp khoa học - công nghệ Việt Nam trước yêu cầu thực tiễn này, TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có phát biểu với chủ đề "Các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam".
Ông Lương Quang Huy chia sẻ về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam vào năm 2050. Ảnh: Giang Huy
Trước khi đi vào bài phát biểu, ông Huy cho biết, cách đây 26 năm khi còn là sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, ông cũng đã được các giải thưởng khoa học nhỏ. Giải thưởng từ khi còn là sinh viên đã đi theo ông trong suốt sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, ông đánh giá hội nghị các nhà khoa học trẻ rất có ý nghĩa.
Biến đổi khí hậu là vấn đề nóng bỏng ở nhiều quốc gia, được quan tâm trong nhiều thập kỷ. Tại Việt Nam, với quá trình phát triển kinh tế đã kéo theo các vấn đề về môi trường. Các vấn đề ô nhiễm cần giải quyết trên nhiều địa phương và xuyên biên giới. Theo TS. Lương Quang Huy, nguyên nhân đến từ sự tăng trưởng quy mô nền kinh tế và dân số, biến đổi khí hậu, tồn tại quan điểm ưu tiên tăng trưởng nền kinh tế trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà quản lý, vấn đề về chính sách, pháp luật...
Biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề về chính trị trên toàn cầu và cũng là cơ hội khẳng định vị thế đất nước. Tại COP26, Thủ tướng cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050."
Để giảm ô nhiễm môi trường, ông Huy đưa ra ý kiến cần chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch, ít phát thải. Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ điện tái tạo lên 70% vào năm 2030. Việc này đòi hỏi nhiều sự đầu tư nhưng mang lại lợi ích nhiều cho môi trường.
Toàn cảnh Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2023 chủ đề "Các nhà khoa học trẻ vì mục tiêu phát triển bền vững". Ảnh: Giang Huy
Ngoài ra còn cam kết giảm phát thải khi mê tan toàn cầu, phải giảm 30% so với 2020. Vấn đề giảm khí mê tan trực tiếp liên quan đến xử lý rác thải. Vấn đề rò rỉ khí mê tan gắn liền với vấn đề môi trường và thu gom rác thải.
-
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc
Mở đầu bài phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao Báo VnExpress tổ chức Hội nghị Các nhà Khoa học trẻ với chủ đề về mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông, đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ những góc nhìn, đồng thời nhìn nhận về cơ hội làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại nhằm hướng đến một nền khoa học mới đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang khai mạc chương trình. Ảnh: Giang Huy
Kỷ niệm 10 năm Ngày khoa học công nghệ Việt Nam, đồng thời thúc đẩy chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, 2023, ông gửi lời chào mừng đến các nhà khoa học, đại diện khối cơ quan quản lý nhà nước, khách mời... có mặt tại sự kiện.
Ông kỳ vọng hội nghị và lễ trao giải là nơi các nhà khoa học, quản lý, các tác giả và đại diện các doanh nghiệp được kết nối, giao lưu học hỏi, và cùng nhìn nhận, đánh giá các vấn đề thực tế Việt Nam đang đối mặt; từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp, để khoa học công nghệ có thể tham gia sâu, giải quyết tốt nhất bài toán mà doanh nghiệp và xã hội đang gặp phải; hỗ trợ để doanh nghiệp có thể cạnh tranh tốt trên thị trường và mang lại giá trị gia tăng tốt hơn.
Nhắc tới cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023, Thứ trưởng ghi nhận trong số 130 hồ sơ gửi về cuộc thi năm nay, có nhiều sáng kiến đến từ các nhóm nghiên cứu, nhà sáng chế không chuyên, các thầy cô giáo... với những nghiên cứu, sáng kiến có thể áp dụng vào đời sống, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống và sự phát triển của địa phương mình. Đặc biệt, nhiều em còn đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có những giải pháp đơn giản nhưng thiết thực, phục vụ cho cuộc sống thường nhật.
Hội nghị thu hút hàng trăm nhà khoa học, sinh viên từ nhiều trường Đại học tham dự. Ảnh: Giang Huy
"Sự kiện không chỉ tạo được diễn đàn, nơi chia sẻ các vấn đề quan tâm mang tính thời sự, mà đây thực sự còn là sân chơi để các nhà khoa học trẻ có thể được trình diễn các kết quả nghiên cứu. Tôi mong rằng, phong trào này sẽ ngày càng được nhân rộng, giúp cộng đồng có cuộc sống thuận tiện hơn khi ứng dụng các sáng tạo, giải pháp khoa học, kỹ thuật vào đời sống", Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Ngoài ra, cũng theo đánh giá của Tổ chức năng suất Châu Á (APO), trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, nền kinh tế của Châu Á tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào khoảng 1%/năm. Trong đó, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương, và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất với bình quân 1,4%/năm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế.
Các đại biểu tham quan không gian triển lãm sản phẩm khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, viên nghiên cứu, trường đại học. Ảnh: Giang Huy
Giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là "đột phá chiến lược", "động lực chính" để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, định hướng và kỳ vọng đó đặt lực lượng khoa học và công nghệ trước những cơ hội và thách thức phải đổi mới, để không tụt hậu, phát triển nhanh hơn, thực chất và bền vững hơn. Qua đó, đóng góp hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển quốc gia trong trung, dài hạn.
Ông cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo. Đồng thời, kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, cũng như tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, thành lập cơ sở R&D, doanh nghiệp khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi hơn để các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm chủ nhiệm đề tài, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế.
"Tôi hy vọng những nỗ lực đó sẽ được chuyển hóa trong thực tế, Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ thành công. Mong rằng thông qua các sự kiện, VnExpress thông tin nhanh nhất về các cơ chế, chính sách khoa học công nghệ, truyền cảm hứng để cộng đồng khoa học cùng sẻ chia với các bài toán lớn của đất nước", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.