Dịch bệnh đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với người dạy và người học. Đồng thời, mục tiêu giáo dục nghề nghiệp vẫn là đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Để đi sâu vào vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính, Đại học Kinh Tế TP HCM có những chia sẻ cụ thể.
- Trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng ngành nghề trong tương lai là gì, thưa ông?
- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 nền tảng: IoT (internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo). Từ đây, rất nhiều hình thức kinh doanh mới, cung cấp dịch vụ mới được ra đời làm cho các mô hình sản xuất và kinh doanh truyền thống trở nên lạc hậu, kém hiệu quả và người ta không sử dụng nữa.
Theo tôi, phương thức vận hành hệ thống kinh doanh, các loại hình dịch vụ dựa trên khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ trở thành xu hướng. Ví dụ: Taxi truyền thống đang dần được thay thế bởi taxi công nghệ vì tiện lợi hơn, chi phí ít hơn. Hay trong lĩnh vực ngân hàng, trước đây chúng ta phải trực tiếp đến ngân hàng để giao dịch nhưng giờ đã có Internet banking rất tiện lợi. Thương mại điện tử cũng dần thay thế các phương thức bán hàng truyền thống.
- Từ góc độ cá nhân, ông nhận thấy đâu là khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp từ khi dịch Covid-19 bùng phát?
- Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, ngành giáo dục nói chung và các giảng viên như tôi nói riêng đã phải đứng trước áp lực rất lớn của xu hướng đổi mới phương pháp dạy và học.
Giờ đây, tất cả tri thức hay thông tin đều có trên internet. Người học có thể tìm thấy câu trả lời trên internet hay mạng xã hội. Điều đó cho thấy áp lực của giáo viên hiện nay rất lớn, đó là sự cạnh tranh giữa một nhà giáo truyền thống với một nhà giáo điện tử. Khó khăn này thúc đẩy người làm công tác giảng dạy phải luôn tạo ra lợi thế cá nhân, đưa ra những phương pháp tiếp cận cho người học mà máy móc không thể thay thế. Làm được điều này thì nhà giáo mới có thể phát triển và tồn tại được với nghề.
Ngành giáo dục lâu này hay bị than phiền vì thiếu tính thực tiễn, chưa gắn liền với công việc sau này của người học. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhận xét sinh viên rất am tường về lý thuyết nhưng chưa làm được việc ngay. Họ phải tốn thêm một khoảng thời gian và chi phí để đào tạo lại những sinh viên mới ra trường. Đó cũng là một bất cập trong công tác giảng dạy của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Các trường cần phải rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành cho sinh viên, làm sao để lý thuyết gắn với thực tiễn.
- Hiện nay, đa phần các cơ sở giáo dục đều chuyển sang phương thức dạy và học online. Từ kinh nghiệm cá nhân, ông nhận xét về phương thức này như thế nào?
- Giảng dạy trên nền tảng trực tuyến tại Việt Nam cũng như thế giới đã được áp dụng cách đây khá lâu nhưng không phổ biến. Trước đây, chúng ta thường chỉ áp dụng mô hình này cho hoạt động hội thảo, hội nghị quốc tế. Nghĩa là các giáo sư, nhà khoa học ở nước ngoài, nếu không đến Việt Nam để trực tiếp trao đổi được thì chúng ta phải tổ chức trực tuyến.
Ngày nay, đại dịch bùng phát "ép buộc" con người phải sử dụng các nền tảng trực tuyến để làm việc, học tập. Vấn đề này có tính 2 mặt, về lợi ích, chuyển đổi số giáo dục thúc đẩy chúng ta thay đổi, thích nghi với điều kiện mới. Học tập, làm việc online rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian di chuyển, cơ sở vật chất cho người dạy và người học. Đối với một số tiết học không cần lên lớp, giảng viên có thể dạy trực tuyến cho sinh viên. Ví dụ, trong môn phân tích đầu tư, giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên lên thẳng các website thể hiện bảng giá điện tử của chứng khoán, ngoại tệ, vàng,... để hướng dẫn sinh viên phân tích trực tiếp trên dữ liệu thật, thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhưng ngược lại, học trực tuyến lại không phù hợp khi có những vấn đề cần phải làm việc trực tiếp với nhau mới hiệu quả. Đối với những môn học, ngành học cần thực hành trên sản phẩm, thiết bị thì học trực tuyến không thể giải quyết được.
- Một số nhóm ngành như bác sĩ, kỹ sư vận hành,... phải học theo mô hình kết hợp trực tuyến với trực tiếp do nhu cầu thực hành. Nhiều giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy kết hợp. Theo ông, giải pháp để nâng cao chất lượng giảng viên hiện nay là gì?
- Để nâng cao chất lượng dạy học, chúng ta phải có hệ thống giải pháp tổng thể. Đối với Đại học Kinh tế TP HCM, cách đây nhiều năm, mô hình học kết hợp trực tuyến – trực tiếp đã được lãnh đạo nhà trường chú ý đầu tư bằng cách tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn cho thầy cô giáo. Những buổi tập huấn này được thiết kế rất chi tiết, bài bản, hướng dẫn từ bước cơ bản nhất đến những phương pháp tương tác với người học, truyền tải bài giảng online, xây dựng đề cương môn học. Đó là cả sự cố gắng từ phía thầy cô giáo, đặc biệt là những thầy cô lớn tuổi vẫn tràn đầy nhiệt huyết trong đổi mới cách dạy, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, Đại học Kinh tế TP HCM đã tạo ra hệ thống giảng dạy trực tuyến LMS để người học và người dạy có thể tương tác từ xa. Thông qua LMS, người dạy đưa ra các tình huống, từ đó, người học có thể thảo luận theo nhóm rồi gửi câu trả lời lên hệ thống.
Để làm được như vậy, nhà trường đã đầu tư một hệ thống đồng bộ, các bước đi cụ thể về phương tiện, bài giảng, nội dung môn học, sự lãnh đạo điều hành của các khoa và nỗ lực từ phía các thầy cô giáo.
- Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc đổi mới sáng tạo, quan trọng thế nào đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp?
- Tôi đánh giá đây là một trong những điều rất quan trọng để tạo ra sự đột phá trong giáo dục, đặc biệt trong việc khơi gợi cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp. Trong những năm gần đây, Chính phủ liên tục đưa ra những chính sách, lời hiệu triệu đông viên khởi nghiệp sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro để có thể hiện thực hóa ước mơ làm giàu, sự sáng tạo trong mỗi con người. Đó là chủ trương hết sức đúng đắn, sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thời gian tới. Dân giàu thì nước mạnh.
Ngay trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nói rõ, một trong những trụ cột để phát triển kinh tế trong thời gian tới là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Muốn đổi mới sáng tạo thì con người phải dám nghĩ, dám làm. Sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần phải được rèn dũa về kỹ năng, tư duy để tôi luyện bản lĩnh, ý chí, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro khi khởi nghiệp. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới có động lực để tạo sự tăng trưởng đột phá.
- Theo ông, để tạo ra mô hình mới trong quản trị nhà trường trước bối cảnh đổi mới mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ và các cơ sở đào tạo cần có giải pháp gì?
- Chính phủ và các Bộ ngành là nơi đưa ra chính sách có tính chất định hướng, quản lý điều hành chung để đảm bảo các cơ sở đào tạo thực hiện theo đúng pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các trường nên tự chủ trong việc đầu tư quá trình chuyển đổi số. Nhà trường phải tự cân đối giữa khoản đầu tư với kỳ vọng đạt được nhằm gia tăng thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo và nguồn thu.
Nếu đầu tư hiệu quả, hợp lý thì quá trình số hóa sẽ mang lại hiệu quả cao trong hoạt động, tuyển sinh, tạo nguồn thu cho nhà trường. Đây là cuộc chơi mang tính chất bình đẳng và cạnh tranh giữa các trường hiện nay.
- Dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với tất cả các lĩnh vực. Rõ ràng, nhà trường cần phải có đề án chuyển đổi số và kế hoạch tổng thể hơn và hoàn thiện cơ bản. Với Đại học Kinh tế TP HCM, kế hoạch này đang diễn ra thế nào?
- Nhiều năm về trước, Đại học Kinh tế TP HCM đã thực hiện đề án chuyển đổi số một cách toàn diện, đó là: Số hóa trong quản trị nhà trường, quản lý sinh viên, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Về quản trị nhà trường, chuyển đổi số đã được bắt đầu bằng việc số hoá các hoạt động, tinh gọn các quy trình quản lý, chẳng hạn như đưa toàn bộ KPI của giảng viên, viên chức lên hệ thống, hay việc kê khai và thẩm định các ý tưởng nghiên cứu khoa học cũng được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số.
Đối với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, việc chuyển đổi số được thực hiện bằng cách ứng dụng các phần mềm, thiết bị và công nghệ vào trong bài giảng, phương pháp truyền tải thông tin, nâng cao trải nghiệm cho người học. Đặc biệt gần đây quá trình ứng dụng các phương pháp mô phỏng vào bài giảng đã giúp cải thiện tốt trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên.
Đối với sinh viên, khi nhập học sẽ được cấp một tài khoản và thẻ sinh viên điện tử. Thẻ sinh viên được tích hợp thẻ ATM, thẻ vào thang máy, thẻ vào phòng học, thậm chí có thể đi xe buýt. Toàn bộ dữ liệu này được Nhà trường sử dụng để quản lý sinh viên. Từ đó, dữ liệu cũng được sử dụng để phân tích hành vi, xu hướng, nhu cầu của sinh viên để nâng cao chất lượng phục vụ và cải thiện trải nghiệm cho người học.
Giờ đây, Nhà trường đang trong quá trình khai thác dữ liệu đã thu thập để phục vụ cho quá trình ra các quyết định về chiến lược đào tạo, phát triển nhà trường, tiến tới xây dựng đại học thông minh.
- Hiện, cả nước mới có 25% lao động qua đào tạo nghề. Hoạt động đào tạo nghề chưa thích ứng kịp với thị trường lao động xuất phát từ nguyên nhân nào, thưa ông?
- Theo tôi, phần lớn là do tâm lý người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thường có tư duy "trọng thầy hơn trọng thợ", có sự phân biệt rất rõ ràng về vai vế, cao thấp giữa việc học đại học và học nghề. Điều này gây ra một áp lực rất lớn lên học sinh phổ thông. Nếu nhìn sang các nước phát triển, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Xã hội luôn có những công nhân sở hữu tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Họ có khả năng vận hành các trang thiết bị cần thiết để tham gia vào quá trình hoạt động sản xuất. Nhìn vào thực tế, những học viên tốt nghiệp từ các trường nghề hầu hết đều có việc làm, được làm đúng ngành nghề đã học. Chính vì ai cũng muốn vào các trường đại học nên gây ra tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". Đến lúc "thầy" phải đi làm công việc của "thợ" thì không hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Một hạn chế nữa như tôi đã chia sẻ là do các em chỉ được đào tạo chủ yếu về lý thuyết nên thiếu tính thực tiễn. Khi bắt đầu đi làm, các doanh nghiệp phải tốn thời gian và chi phí để đào tạo lại.
- Theo ông, nguồn nhân lực cần gì để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong thời gian tới?
- Tôi quan sát thấy hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều đặt hàng các trường từ nguồn nhân lực cho đến nội dung đào tạo về những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết họ đang cần. Để khi sinh viên ra trường có thể tham gia vào thị trường lao động ngay. Đó là mô hình rất tốt.
Tại trường Đại học Kinh tế TP HCM, hằng năm, chúng tôi tổ chức hội nghị các nhà tuyển dụng ở tất cả các lĩnh vực có sinh viên theo học. Tại đây, lãnh đạo nhà trường sẽ nghe nhà tuyển dụng nhận xét mặt tích cực và tiêu cực của sinh viên. Từ đó, nhà trường có thể đúc rút kinh nghiệm và chỉnh sửa chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp, cải tiến hơn.
Một hạn chế của sinh viên hiện nay là tính rụt rè. Có thể họ rất giỏi, hiểu biết sâu nhưng không thể hiện ra trong quá trình làm việc thì cũng bằng không. Kỹ năng ngoại ngữ cũng rất quan trọng bên cạnh kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, sinh viên cũng phải tham gia các hoạt động đội nhóm, hoạt động cộng đồng nhiều hơn để rèn cho mình tính mạnh dạn, dám phát biểu trước đám đông, bày tỏ quan điểm cá nhân, dám tranh luận,... Đó là những điều nhà tuyển dụng rất thích.
- Ông có thể hiến kế phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững?
- Vừa qua, Thủ tướng đưa ra chủ trương "Học thật, thi thật, nhân tài thật". Đây là định hướng hết sức đúng đắn để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Thời gian qua, bệnh thành tích đã khiến cho ngành giáo dục mất đi một phần giá trị thật, đầu ra của giáo dục không bám sát thị trường lao động. Vì vậy, giáo dục phải dựa trên nhu cầu của thị trường lao động, phải đào tạo thực chất, không chạy theo thành tích và hình thức.
Chúng ta phải đào tạo những ngành nghề xã hội đang thực sự cần, bắt đầu từ nội dung chương trình đào tạo phải phù hợp với ngành nghề đó, có thể học tập từ các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Ngành giáo dục Việt Nam phải dạy được những điều thế giới đang tiếp cận, đang thực hiện thì người học sẽ được thụ hưởng nhiều hơn và chất lượng nguồn nhân lực sẽ phát triển.
Thanh Thư