From: TPN,
Sent: Friday, July 04, 2008 9:57 AM
Subject: Gui toa soan: Anh bo toi de di tu
Hà mến,
Nỗi đau của bạn buộc tôi viết lên những dòng này để giúp bạn có thêm chất liệu có một cái nhìn khác ở một góc độ khác của đời sống tâm linh. Là người nữ, tôi có thể cảm nhận được nỗi đau bạn nếm trải. Là người học Phật, tôi có thể thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của người bạn yêu.
Loại bỏ qua những yếu tố tiêu cực dẫn đến quyết định xuất gia của bạn trai bạn thì việc mưu cầu được hạnh phúc của mỗi cá nhân là một nhu cầu thiết yếu và tất yếu, chỉ có điều con đường bạn ấy chọn đi không phải là con đường thông thường của số đông nên rất ít người có thể hiểu và chấp nhận, kể cả bạn. Thực ra thì bạn chưa được chuẩn bị và tự chuẩn bị thì đúng hơn.
Tôi từng rất đau khổ (mặc dù tôi là người thích và muốn tu Phật) khi một người thân là trụ cột của gia đình xin xuất gia. Tuy nhiên, khi đã suy ngẫm thấu đáo thì tôi nhận thấy rằng tất cả nỗi niềm đó chỉ xuất phát từ sự ích kỷ của bản thân, khi mình chỉ đắm chìm trong khổ đau của mình mà quên mất người thân yêu hiện còn đau khổ gấp nhiều lần để có được một quyết định như thế.
Bạn chưa thể hiểu được tâm tư và phát nguyện lớn lao của anh ấy cũng như tình yêu của bạn cho anh chưa đủ lớn nên mới tìm cách níu kéo nhiều như thế. Dẫu rằng có thể thành công thì liệu bạn có thể chung sống lâu dài và hạnh phúc (như bạn hằng mong muốn) với một người bạn không thể tìm thấy sự đồng điệu trong tâm tư?
Bạn nên hiểu rằng mỗi người đều có thể lực, trí lực cũng như nhu cầu phát triển tâm linh khác nhau nên chỉ có họ mới hiểu đâu là con đường nên đi. Tại sao bạn không xem đây là cơ hội để có thể hiểu anh ấy hơn thay vì chỉ nghỉ đến việc được thỏa mãn tình cảm cá nhân!?
Về phương diện cảm xúc, tôi muốn bạn hiểu là không có gì là không thể mất đi, vấn đề là bạn cần cho nó một khoảng lặng cần thiết để thẩm thấu nó (chứ không phải nó nghiền nát bạn). Đa số người khác sẽ khuyên bạn tìm cái gì đó để khỏa lấp, nhưng tôi khuyên bạn hãy dũng cảm đối đối diện với chính mình; kiên nhẫn quan sát và tách mình ra khỏi những cảm xúc chợt đến rồi chợt đi đó, không đồng hóa cũng không thỏa hiệp với những cảm xúc đó.
Kiên trì như thế một thời gian bạn sẽ không còn bị những cảm xúc đó khống chế nữa; và nếu thành công bạn đã nắm trong tay một chìa khóa vạn năng để giải quyết những xung đột nội tâm đấy. Và tôi có thể tin rằng chỉ bằng cách này bạn có thể hiểu thêm về anh ấy, vì cũng giống như bạn anh ấy cũng đang đấu tranh với bản thân mình cho một lý tưởng lớn lao hơn, có điều anh ấy muốn có khoảng lặng lớn hơn để có thể toàn tâm toàn ý mà thôi.
Đối với vấn đề phát triển tâm linh nói chung và học Phật nói riêng, đây không phải là lĩnh vực mà ai cũng có thể hiểu hết dù ai cũng có thể học. Đạo Phật sau rốt không nằm ngoài việc tự giúp mình và giúp mọi người đều đạt được cuộc sống chân hạnh phúc (hạnh phúc chân thật, chân chính). Tùy vào nỗ lực tu học của từng cá nhân (tất cả chúng ta đều đang tu tập đấy bạn ạ dù bạn không thực sự nhận thức ra) mà chúng ta sẽ cảm nhận được điều này nhanh hay chậm hay mức độ sâu cạn khác nhau nên khả năng tiếp nhận và chấp nhận sự việc của mọi người cũng rất đa dạng.
Tôi từng khóc hết nước mắt khi thấy ba mẹ mình thà nhìn thấy con mình đang chết thảm (sống xa rời lý tưởng hay xe đụng chẳng hạn) hơn là xuất gia tu hành làm lợi ích cho đời; dám hỏi đây có khác gì cách mà bạn đang làm với người bạn yêu? Nếu từng có học Phật may ra bạn mới hiểu và ủng hộ cho người trong cuộc vào lúc này. Hãy tạo thuận lợi cho anh ấy, cũng là cho bạn một cơ hội để vươn lên chính mình bạn nhé!