Sự việc xảy ra tại một cửa hàng tiện lợi ở phường Sawara, thành phố phía tây nam Nhật Bản vào chiều 10/2. Túi bánh không bị xé vỏ, nhưng vì bánh mì bị bẹp không trở lại hình dạng ban đầu và không thể bán được nên Sở Cảnh sát Sawara cáo buộc hành động của người phụ nữ 40 tuổi cấu thành tội Phá hoại tài sản.
Cảnh sát đã bắt cô ngay tại chỗ. Túi bánh giá 181 yên (khoảng 30.000 đồng).
Người phụ nữ phủ nhận cáo buộc phá hoại và tự bào chữa: "Tôi chỉ ấn nhẹ để xem có giòn không".
Đồn cảnh sát Sawara cho biết, chủ cửa hàng đã ghi nhận nhiều trường hợp bánh mì bị nắn bẹp trước đây dẫn đến không thể bán được. Chủ quán từ đó đã để mắt rất kỹ và cuối cùng bắt quả tang người phụ này, song không chắc cô này có phải người gây ra các vụ "bẹp bánh mì" trước đó không.
Hôm xảy ra vụ bắt giữ, chủ quán cho hay cô này nhặt gói 4 chiếc bánh mì lên xem và lấy ngón tay nắn bẹp một chiếc, dẫn đến 3 chiếc cùng gói cũng không thể bán.
Cô rời quán mà không mua gì, kể cả chiếc bánh vừa làm hỏng. Chủ quán do đó đã yêu cầu đứng lại để gọi cảnh sát.
Nhiều sự cố có vẻ nhỏ nhặt ở Nhật đều khiến cư dân có thể bị "tuýt còi". Theo giải thích của Japan Today người Nhật khá dễ dãi với những sai lầm trung thực nhưng trộm cắp vặt, tấn công, gây phiền hà hay phá hoại là những điều người dân khó bỏ qua.
Điển hình là vụ việc khách du lịch Anh mới đây bị bắt vì không trả tiền cho một chiếc túi nylon 3 yên (500 đồng) khi mua hàng tự động; tên trộm gói thịt bò trị giá một USD (24.000 đồng) bị cảnh sát truy đuổi từ đầu này đến đầu kia đất nước, hay một người chồng bị bắt vì dùng vỏ chuối để đánh vợ.
Ở Nhật Bản, hình phạt cho hành vi Phá hoại tài sản, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, giá trị tài sản bị phá hủy và mục đích đằng sau hành vi, có thể bị phạt hành chính hoặc phạt tù.
Hải Thư (Theo Mainichi)