Chuyên gia tâm lý Nguyễn Vân Anh - giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (Csaga), Hà Nội, kể, bà từng trực tiếp tư vấn cho một trường hợp ly hôn vì chuyện ăn thịt chó.
Chuyên gia cho biết, cô gái Hà Nội rất yêu chú chó của mình, đến nỗi đi lấy chồng cũng mang theo về nhà mới. Một hôm, đi làm về, cô thấy nhà khang khác, đông vui. Bố chồng vui vẻ bảo: "Con ơi bố làm được hai mâm đấy, mời bạn bè đến uống rượu cho vui". Con dâu tròn mắt hỏi: "Hai mâm nhân dịp gì thế ạ?". "Ồi dào, chả nhân dịp gì. Ngày mưa sẵn con chó của con mang sang làm luôn", ông bố nói.
Nàng dâu vẫn không hiểu gì cho đến lúc bước vào nhà thì mùi thịt chó, mẻ riềng sực nức và chỗ con chó mọi khi chỉ còn... cái dây buộc cổ chỏng chơ. Cô bàng hoàng nhìn anh chồng hớn hở dọn cơm, còn nhắc vợ nhanh vào ăn cho nóng. Người vợ lập tức chạy vào buồng, thu xếp quần áo và xách vali đi thẳng về nhà mẹ đẻ.
Gia đình nhà chồng sau đó hiểu ra sự việc đã sang tận nơi xin lỗi. Bố mẹ đẻ cô gái cũng khuyên giải, nhưng không thể lay động được quyết tâm ly hôn của cô. "Cả nhà chồng, cả chồng đều cho rằng cô cố chấp, chỉ vì con chó mà bỏ cả hạnh phúc gia đình. Người gọi điện cho chúng tôi tư vấn hôm ấy là ông bố chồng", chuyên gia kể.
Theo bà Vân Anh, câu chuyện trên xuất phát từ việc người chồng không hiểu gì về tình yêu của vợ hay việc bất chấp cảm xúc của vợ vì bữa ăn ngon. Đấy còn là sự gia trưởng của cả gia đình chồng, cho rằng mọi thứ thuộc về con dâu họ đều có quyền quyết định.
"Với người chồng và gia đình, con chó là một loại thực phẩm quy ra ki lô gam và mâm. Với cô, đó là người bạn thân thiết", chuyên gia nói thêm.
Ngày 10/9, UBND TP Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo vì cho rằng việc này ảnh hưởng đến hình ảnh văn minh trong mắt người nước ngoài. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò của VnExpress.net, bên cạnh khá đông số người ủng hộ việc bỏ ăn thịt chó, mèo, nhiều người không đồng tình với chủ trương này.
Theo các chuyên gia về tâm lý, chuyện ăn uống, có thể là việc nhỏ nhưng cũng có khi là vấn đề lớn làm tan vỡ mối quan hệ, đặc biệt khi liên quan tới những món ăn gây tranh cãi trong cả cộng đồng.
Chuyện tình yêu của Quyên (Vĩnh Phúc) và bạn trai người Anh đã kết thúc ngay sau lần anh chàng về quê người yêu ăn cỗ. "Anh ấy trợn mắt rồi bưng miệng để khỏi nôn và chạy ra chỗ khác khi nhìn thấy các món thịt cầy", Quyên kể lại.
Lúc người yêu lên xe bỏ về Hà Nội, cô cũng cảm thấy áy náy nhưng ngày hôm sau, khi gặp lại nhau, cô nổi giận đùng đùng khi nghe anh nói những từ như "man rợ, hạ đẳng, đáng ghê sợ", về người nhà mình. "Bản thân tôi không ăn món đó, gia đình tôi hôm ấy cũng chuẩn bị thêm vào món khác cho anh. Tôi không thể chấp nhận được thái độ kiểu khinh miệt của anh với người thân của tôi chỉ vì thói quen ăn uống", Quyên kể.
Quyên là cô gái hiện đại, đã đi du học về. Cô và bạn trai đều là chung ở một công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Cả hai đã tính đến chuyện cưới xin, nhưng sau bữa ăn ở nhà cô thì mỗi người một hướng.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Hồng Hà (TP HCM), khác biệt về ăn uống đôi khi cũng thể hiện khác biệt về văn hóa, quan điểm sống. Vấn đề này nếu tranh cãi sẽ không bao giờ có hồi kết.
Bà cho rằng, điều quan trọng là tuyệt đối tránh nâng quan điểm chuyện ăn uống lên thành vấn đề thuộc về nhân cách, nhân phẩm và có thái độ miệt thị, mỉa mai người khác... Nếu không, một trong hai người sẽ cảm thấy bị xúc phạm, cả hai sẽ chẳng thể tìm được tiếng nói chung và chuyện tan vỡ là điều khó tránh.
Bảo Nhiên - Vương Linh