Thứ bảy, 4/1/2025
Thứ hai, 26/9/2022, 16:15 (GMT+7)

Dời lồng tôm hùm, thu hoạch hoa màu tránh bão Noru

Người dân Phú Yên, Quảng Ngãi, Đà Nẵng thu hoạch hoa màu, di dời lồng bè tôm hùm... để tránh bão Noru, chiều 26/9.

Ngày 26/9, hàng chục ngư dân xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên tất bật di dời lồng bè trước khi cơn bão Noru đổ bộ vào ngày mai. Nơi đây được xem là vùng ươm nuôi tôm hùm giống lớn nhất Nam Trung Bộ.

Cả xã có 120 hộ nuôi gồm 4 triệu con tôm hùm đang ươm nuôi với 2.000 lồng. Sáng nay, ngư dân đã di dời 3 triệu con, một triệu con còn lại của 40 hộ dân còn lại đang được chính quyền vận động di dời sẽ kết thúc vào chiều nay. Ảnh: Nguyệt Thi

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, bão Noru giật cấp 13 (149 km/h) đang tiến đến quần đảo Hoàng Sa, dự báo gây gió mạnh cho biển miền Trung từ trưa mai. Sau đó bão giữ nguyên tốc độ tiến vào đất liền. Đến 4h ngày 28/9, bão cách đất liền Đà Nẵng - Bình Định khoảng 170 km, sức gió mạnh nhất 166 km/h, cấp 13-14, giật cấp 17.

Những ngư dân dùng thuyền thúng vận chuyển lồng bè vào đất liền trú bão.

Ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết việc di dời lồng bè sáng nay không quá khó khăn. Nhiều lực lượng được huy động để hỗ trợ bà con di dời lồng bè một cách nhanh nhất.

“Chiều nay, chúng tôi tiếp tục kiểm tra lần nữa để có phương án xử lý kịp thời đối với những ai gặp khó khăn trong di dời”, ông Khoa nói và cho biết nhiều ngày qua địa phương liên tục thông tin về tình hình bão Noru để người dân chủ động phòng tránh.

Anh Nguyễn Hoàng (xã An Hòa Hải) cho biết làm nghề nuôi tôm hùm đã 5 năm. Mỗi khi nghe tin bão đổ bộ, dù chỉ ảnh hưởng nhẹ anh rất sợ hãi. Sáng nay, anh Hoàng cùng một số anh em chèo thuyền thúng chạy ra khu vực lồng nuôi để lặn vớt tôm hùm giống.

Còn các lồng nuôi khi đưa vào bờ, anh sẽ cùng vợ, người thân trong gia đình khiêng đến nơi tập kết và chằng buộc an toàn. "Công việc khẩn trương nhưng cũng phải hết sức tỉ mỉ, một chủ quan nhỏ có thể khiến chúng tôi mất trắng hàng tỷ đồng", anh Hoàng nói.

Nghe đài báo bão, bà Lê Thị Ngọc huy động gia đình cùng nhau di chuyển lồng bè. Bà cho biết đang nuôi hơn 10.000 tôm giống được gần một tháng, giá trị hơn một tỷ đồng. Để đưa tôm vào bờ, bà Ngọc phải mượn thêm 5 chiếc thuyền thúng với hy vọng thu dọn càng nhanh càng tốt. "Đây là tài sản lớn của gia đình tôi nên tốn kém một chút xíu cũng không sao", bà nói. Ảnh: Nguyệt Thi

Tại tỉnh Quảng Ngãi, người dân làng rau Sung Tích, xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi, thu hoạch rau muống chạy bão vì lo ngập úng.

Đây là làng rau truyền thống ở bờ bắc sông Trà Khúc. Toàn xã Tịnh Long có 1.500 trong tổng số gần 2.000 hộ trồng rau. Diện tích trồng rau hơn 250 ha, chiếm trên 40% tổng diện tích đất nông nghiệp.

Ông Phạm Hòe, trồng 1.500 m2 rau mòng tơi cho biết vợ chồng ông vừa lo chằng chống nhà vừa thu hoạch rau vì mồng tơi sẽ bị úng trong mưa. Ảnh: Phạm Linh

Tại Đà Nẵng, người dân làng rau La Hường (dưới chân cầu Cẩm Lệ) vội vã cắt rau tránh bão. Bà Lương Thị Ai (áo mưa đỏ) cho biết có hai luống rau cải đang còn nhỏ, phải hai tuần nữa mới đến vụ thu hoạch nhưng chấp nhận bán rau non vì sợ bão vào sẽ hư hỏng.

Một chủ ruộng rau muống thu hoạch xong, bán ngay tại ruộng.

Người dân chở rau bằng xe máy để đem ra chợ bán. Làng rau Là Hường là vựa rau sạch lớn nhất Đà Nẵng, trong đề án trồng 30 ha rau cho người dân. Chủ vườn phải cam kết không được dùng phân gia súc, gia cầm tươi, không được phun thuốc diệt cỏ trên vườn rau. Ảnh: Nguyễn Đông

Nhóm phóng viên