Gần trưa, những đứa trẻ trong đội lân Long Nhi Đường của Lê Văn Nam (27 tuổi) có mặt trước cổng một công ty ở quận Bình Thạnh để chuẩn bị cho lễ khai trương. Đứng dưới tán cây trên vỉa hè chờ đến giờ diễn, mồ hôi bắt đầu túa ra khi khoác trên mình bộ trang phục dài, sặc sỡ. Trong lúc các anh lớn dượt lại những động tác nhào lộn, bê đỡ, những em nhỏ chăm chú quan sát, vỗ tay theo nhịp.
Thấy các em làm thiếu động tác, Nam nhắc nhở thì có em nói: "Lỡ một nhịp người ta không biết đâu sư phụ". Nam gạt ngay: "Nhưng người hiểu về múa lân họ sẽ biết. Chúng ta phải làm thật tốt".
Mười năm qua, đội lân Long Nhi Đường là nơi cưu mang những đứa trẻ không nhà. "Năm 14 tuổi, một lần đi ngang khu cầu Chà Và, tôi thấy một đám trẻ vô gia cư, có đứa có gia đình nhưng cha mẹ nghiện ma túy, nhiễm HIV, chúng không thích về nhà... đang tụ tập nên nhập hội luôn", Lê Văn Nam hồi tưởng về những ngày đầu của đội lân.
Nam là con thứ ba trong một gia đình có 5 người con. Vì gia đình khó khăn nên anh nghỉ học từ năm lớp 3 để ra khu vực Chợ Lớn ở quận 5 để nhặt bọc ni lông bán và bán vé số để phụ mẹ tiền mua gạo. Ra đời sớm nên anh đồng cảm với những người bạn mới và nghĩ cách để cả hội có thể chơi chung, tránh sa vào tệ nạn. "Con nít đứa nào cũng thích múa lân, khu vực quận 5, quận 8 có nhiều người Hoa sinh sống. Đây cũng là cái nôi của nhiều đội lân nổi tiếng, mình nghĩ đây là trò phù hợp nhất để cả đám cùng chơi", Nam kể.
Lúc bấy giờ, ban ngày đi làm ở công ty bao bì, tối đến đám trẻ gần chục đứa tập hợp dưới chân cầu tập múa lân. Thấy đoàn lân nào đang tập luyện trước sân chùa hay vỉa hè cả đám xúm lại xem, học lỏm được vài kỹ thuật cơ bản.
Lần đầu tiên đội lân Long Nhi Đường của Nam kiếm được tiền là vào mùa trung thu năm 2010. Một tối khi cả nhóm đang tập, một người phụ nữ đến bảo: "Mấy đứa tới cửa hàng của cô múa đi rồi cô cho tiền". Buổi diễn đó, thù lao được 50 nghìn nhưng chỉ đủ mua được 10 chiếc bánh bao, không đủ chia cho cả nhóm 12 người, chủ tiệm bánh bao thấy thương, tặng thêm 2 cái nữa. "Đó là đồng tiền mình nhớ mãi", Nam chia sẻ.
Từ đó, cứ mỗi dịp Trung thu, lễ Tết cả nhóm lại đi múa lân dạo để kiếm tiền. Tuy nhiên, những đứa trẻ quen lối sống đường phố thường to tiếng, sỗ sàng thậm chí là văng tục. Có khi cầm cái đầu lân lớn đi vào hẻm nhỏ, làm rơi đồ người ta nhưng không xin lỗi, thản nhiên đi tiếp. Nhiều người cho rằng Long Nhi Đường là những đứa trẻ không đàng hoàng, múa lân chỉ là cớ để vào nhà người khác ăn trộm. Đi đến đâu, có nhà đóng cửa, tắt đèn rồi thậm chí thả chó ra xua đuổi.
Nam nghĩ, nếu cả nhóm muốn thay đổi số phận, trước hết chúng phải thay đổi suy nghĩ của mọi người về những đứa trẻ cơ nhỡ, tuy không nhà, không cha mẹ. Từ đó, Nam vận động những đứa trẻ đến lớp học văn hóa, thay đổi tác phong. Nếu ai văng tục sẽ phải đóng vào quỹ 500 - 1.000 đồng. Không phải là đội lân lớn nên thù lao mỗi buổi diễn của Long Nhi Đường cũng rất "hẻo" nênsau mỗi lần diễn, cả nhóm bỏ ống heo, cuối năm đập ra mua thêm quần áo, trống, cờ... Đội lân lớn mạnh dần.
Anh Lê Hùng Cường, Phó bí thư Quận đoàn, quận 8 cho biết: "Tôi biết Nam từ năm 2011, lúc cậu ấy và nhóm đến xin tham gia vào sinh hoạt ở chi đoàn Phường. Ban đầu nhóm có một cái kho của phường để cất giữ dụng cụ múa lân. Năm 2014, Nam được phía lãnh đạo quận cho phép mượn căn nhà tại 53 - 55 Lương Ngọc Quyến cho cả nhóm ở tạm, các em vẫn phải trả điện nước nhưng đỡ được phần thuê nhà. Đội lân của Nam ngoài những em cơ nhỡ thì cũng có những em có gia đình nhưng hoàn cảnh khó khăn cũng tìm đến".
Đến nay, Long Nhi Đường có gần 40 em, độ tuổi từ 6 đến 22, trong đó có 20 em đang sống ở căn nhà chung trên đường Lương Ngọc Quyến, phường 13, quận 8. Hiểu được múa lân chỉ là một nghề "ngắn hạn" khi các em còn trẻ, Nam tạo điều kiện để các em học chữ, học nghề.
Chị Mã Đào Ngọc Bích, 42 tuổi, chủ một doanh nghiệp chia sẻ: "Tôi biết Nam từ 7 năm trước, khi đội lân còn khó khăn, chưa mua đủ đồ nghề biểu diễn. Các em đều hoàn cảnh nhưng rất ngoan, lễ phép, làm việc rất nghiêm túc, trước và sau biểu diễn luôn cùng mọi người phụ bưng bê, dọn dẹp. Thấy thương các em nên hễ có sự kiện là tôi gọi đến biểu diễn và giới thiệu thêm cho bạn bè, đối tác".
Có thời điểm đội lân ế ẩm, cả nhóm xin vào làm trong một công ty trứng nên mua được trứng với giá rẻ. Bữa cơm suốt tuần chỉ có trứng, mỗi ngày chế biến một kiểu khác nhau. Thỉnh thoảng đổi món bằng mì gói, tép mỡ kho quẹt... Tuy nhiên, Nam chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ buông đội.
Ngoài những đứa trẻ cơ nhỡ tìm đến xin gia nhập đội, 3 năm trước, trong một lần tập luyện ở bãi đất dưới chân cầu Chà Và, một người phụ nữ đã bỏ lại hai đứa con của mình cho Nam. Chàng trai trẻ đành dẫn 2 em về đội, báo chính quyền địa phương để tìm lại người thân. Hai anh em đứa 4 tuổi, đứa 5 tuổi ban ngày xem các anh tập múa lân rất thích thú, nhưng đêm đến cứ khóc đòi mẹ. Đến nay, hai anh em đã quen với cuộc sống ở ngôi nhà chung, cùng các anh tập luyện và múa được những bài cơ bản nhưng khi hỏi về mẹ, hai đứa nhỏ vẫn khóc.
Sau dịch Covid-19, đội lân Long Nhi lại khó khăn như thời điểm 10 năm trước lúc mới thành lập. Gần nửa năm không có nhiều lịch diễn nhưng tiền ăn, tiền học của các em vẫn phải lo. Tiền quỹ tích cóp nhiều năm Nam cũng đã xài hết. Hai tháng trước, anh phải cầm cố chiếc xe máy và điện thoại của mình nhưng đến nay vẫn chưa có tiền chuộc lại.
Sắp đến Trung thu, tuy có có lịch diễn với hàng chục khách hàng nhưng Nam vẫn nghĩ xa. Tuần này, anh mua hẳn 30 kg thịt heo bỏ sẵn tủ đông, dự trữ một nồi trứng lớn để dành. Gạo và rau củ đã có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ, một phần dùng cho đội lân, một phần nấu cơm từ thiện. Mấy năm nay, mỗi ngày cả nhóm đều thay nhau vào bếp, nấu cơm mời những cụ già cơ nhỡ, không nơi nương tựa.
Mấy hôm tới, cả nhóm sẽ đến thăm một mái ấm, biểu diễn múa lân và tặng quà trung cho các em nhỏ. "Mình muốn các em ở Long Nhi Đường biết ‘nhìn xuống’ để thấy những mảnh đời còn bất hạnh hơn cả mình từ đó mà cố gắng vươn lên", chàng trai 27 tuổi trải lòng.
Diệp Phan