Nhân sự kiện thành phố Hà Nội đổi giờ học, tôi có một chút hiểu biết nhỏ về việc đổi giờ giấc ở châu Âu, cụ thể là nước Đức, nơi tôi đã có trải nghiệm thực tế, mong được chia sẻ để bạn đọc cảm nhận và hiểu hơn về bản chất của vấn đề này.
Ở những nước khí hậu ôn đới như châu Âu, có một thực tế không thể phủ nhận là vào mùa hè, số giờ trời sáng dài hơn bình thường, và vào mùa đông số giờ trời tối dài hơn, hay nói cách khác là mùa hè ngày dài, mùa đông đêm dài.
Điều này đã được tôi chứng kiến thực tế, vào mùa hè tại nước Đức thì gần 9 giờ tối thì trời vẫn còn hừng hừng và ánh mặt trời vẫn chưa tắt hẳn nhưng vào mùa đông khi thức dậy lúc 7h sáng mà mặt trời vẫn chưa mọc, trời vẫn còn mờ mờ tối.
Vì bản chất của thời tiết như vậy nên đồng hồ sinh học của con người sống tại châu Âu sẽ tự động cảm nhận thay đổi theo, điều đó có nghĩa là mùa hè, con người sẽ đi ngủ muộn hơn và mùa đông con người sẽ dậy muộn hơn (vì trời chưa sáng thì dậy làm gì).
Do vậy chính phủ Đức mới nghĩ ra biện pháp đổi giờ, bản chất là để con người sống theo đúng nhịp sinh học của thiên nhiên, trời mùa hè còn sáng thì ngủ muộn một chút, và trời mùa đông còn tối thì bản thân mình cho phép dậy muộn hơn một chút, nôm na là như vậy.
Cách thực hiện của họ cũng đơn giản: Vào một ngày đầu của mùa hè, khi đó các đồng hồ tự động của bạn sẽ tự chạy chuyển giờ thực tế thành giờ đổi như sau: từ 9h tối thành 8h tối, gọi là đồng hồ tự động vì phần lớn đồng hồ có bắt sóng radio đều tự quay đổi giờ được hết, còn đồng hồ nào không quay được thì chỉnh bằng tay.
Việc đổi giờ cũng được thực hiện vào đúng nửa đêm để không ảnh hưởng tới giờ làm việc của ai hết, và bản chất là để ta điều chỉnh giờ ngủ muộn hơn một chút, vì trời vẫn còn sáng tới gần 9h tối (giờ cũ) nên khi ta đổi thành 8h tối (giờ mới) thì ta vẫn có thể đi mua sắm và về nhà trước 9h tối được chẳng hạn. Do vậy mùa hè tại Đức, chênh lệch múi giờ với Việt Nam là trễ khoảng 4 tiếng. Ví dụ ở VN là 10h sáng thì ở Đức là 6h sáng.
Khi đến mùa đông tại châu Âu, vào ngày đầu tiên của mùa đông, lúc 12h đêm, chính phủ sẽ cho đổi giờ, đồng hồ sẽ tự động quay cho chênh lệch đúng 1 tiếng, bản chất của việc thay đổi chênh lệch 1 giờ vào mùa đông cũng không ngoài mục đích điều chỉnh cho phù hợp với đồng hồ sinh học của con người, vì khi này lúc ta thức dậy vào lúc 6h30 sáng (giờ mới) thì bản chất nó là 7h30 sáng (giờ cũ) lúc đó mặt trời đã mọc và ánh sáng ban ngày đã tới, nên việc đi làm của người lao động, đi học của học sinh sẽ tốt hơn, thay vì đi học đúng giờ là 6h30 sáng (giờ cũ) lúc đó mặt trời chưa mọc, lái xe hay đi xe buýt trong đêm đen đúng nghĩa luôn.
Vào mùa đông tại Đức, người ta dậy muộn hơn, điều này có nghĩa là chênh lệch múi giờ với Việt Nam là 5 tiếng, tức ở Việt Nam là 10h sáng thì tại Đức là 5h sáng.
Điều đặc biệt là sự thay đổi giờ này áp dụng hầu hết trên toàn quốc, do vậy bản chất sự thay đổi giờ này để thay đổi nhịp sống sinh học của người dân cho phù hợp với thiên nhiên, và không ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh, người đi làm... mà còn tăng thêm tính thích nghi với thời tiết, môi trường.
Trên đây là một số hiểu biết ít ỏi của tôi về đổi giờ tại châu Âu.
Còn việc đổi giờ học, giờ làm tại Việt Nam, theo tôi là không được phép, vì tại Việt Nam không có chênh lệch thời gian vào mùa đông và mùa hè như tại Đức và về mặt sinh học sẽ làm rối loạn nhịp sống sinh học của mọi người dân, vì vậy tôi không đồng ý đổi giờ học, giờ làm của bất cứ người dân nào hết.
Vấn đề kẹt xe giờ lại nóng lên khi việc đổi giờ học của các em học sinh, dù là cấp nào, từ tiểu học đến đại học, đều có giờ ăn giờ chơi, giờ nghỉ ngơi giống nhau, là vì nhịp sống sinh học của các em đều như vậy. Vào giờ đáng ra các em phải được nghỉ ngơi thì các em lại phải học bài, nếu làm ngược lại như vậy thì có phản khoa học không, các nhà khoa học, nghiên cứu chuyên ngành rành rẽ hơn tôi, mong các vị nhận xét và cho ý kiến đóng góp thêm.
Ý kiến tôi có thể đúng, có thể sai, nhưng tôi mong sự góp ý chân thành để giải quyết vấn đề, có một số bạn đọc chưa nghĩ đến nhịp sống sinh học của con người, lại ép các em phải thức khuya, dậy sớm, hoặc đem việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm ra mà đánh đồng với việc bắt dậy sớm, điều này là không đúng, vì việc đội mũ bảo hiểm chậm trễ nhưng người dân nghe theo là do người dân tự biết bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình, chứ không phải là người dân "lỳ lợm” không chịu nghe rồi phải bắt buộc mới chịu nghe.
Tôi mong có nhiều ý kiến đóng góp khác của người dân, các nhà khoa học để mong các bậc lãnh đạo xem xét bỏ việc đổi giờ vô lý này, trả lại nhịp sống sinh học thường ngày cho các em.