50 năm sau khi phát hiện, đội quân đất nung nổi tiếng của Trung Quốc đang dần hé lộ những bí mật. Từ khi được tìm thấy tình cờ bởi một nhóm nông dân đào giếng, những bức tượng đất nung kích thước bằng người thật cung cấp nhiều chi tiết thú vị về binh lính nhà Tần, triều đại thống nhất Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 221 trước Công nguyên dưới sự trị vì của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Kết quả kiểm tra chi tiết chiến binh đất nung trong các hố chôn gần lăng mộ hoàng đế ở phía đông bắc Tây An giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống cổ đại dưới triều nhà Tần, từ trang phục tới xuất thân của binh lính, theo BBC.
Giày không phải vật dụng đầu tiên thu hút sự chú ý ở các bức tượng 2.200 năm trang bị vũ khí thật và sắp xếp theo đội hình trong quân ngũ để bảo vệ Tần Thủy Hoàng ở thế giới bên kia. Nhưng kết quả phân tích sơ bộ cho thấy phụ kiện khiêm tốn này có thể đóng vai trò quan trọng trong quân đội nhà Tần, góp phần giúp họ bách chiến bách thắng.
Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc phân tích giày của một bức tượng cung thủ đang khuỵu gối, chiến binh đất nung duy nhất được khai quật với phần đế giày lộ ra cho tới nay. Sau đó, họ tạo ra một bản sao của đôi giày bằng kỹ thuật đóng giày và vật liệu mà người dân thời Tần sử dụng ở thời điểm chế tác chiến binh đất nung. Nghiên cứu so sánh đôi giày phục dựng với hai đôi giày hiện đại và nhận thấy bản sao cực kỳ linh hoạt và đem đến cho người dùng trải nghiệm đi lại dễ chịu, ổn định và hiệu quả hơn. Phần đế giày cũng có khả năng chống trượt tốt hơn trong điều kiện ẩm ướt.
Theo Cha Na, nghiên cứu sinh ở Trường khoa học sinh khối và kỹ thuật thuộc Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô, quá trình sản xuất giày rất độc đáo với trình độ thủ công xuất sắc. Điều khiến Cha bất ngờ nhất là phần đế giày gồm nhiều lớp dệt từ sợi cây tằm ma dán keo, khâu và lèn chặt với nhau. "Khi cầm bản sao hiện đại của đôi giày mà binh lính thời Tần có thể từng đi cách đây hơn 2.000 năm, tôi cực kỳ ấn tượng trước độ tinh xảo của nó", Cha chia sẻ. "Tôi có thể hình dung những mũi kim xuyên qua đế giày nhiều lớp, tạo thành đường khâu ngay ngắn. Phần đế giày cực mềm và thoải mái, có thể uốn cong dễ dàng".
Phần đế giày của chiến binh khuỵu gối được chia thành 3 phần, mỗi phần có số lỗ khâu khác nhau. Phần mũi chân có số lỗ khâu dày đặc nhất, tiếp theo là phần gót và phần lòng bàn chân. Thiết kế này cũng được phản ánh trong bản sao của nhóm nghiên cứu. Theo họ, chi tiết này dựa trên nhu cầu của người sử dụng, hướng tới cung cấp độ thoải mái, nâng đỡ và độ bền tối ưu. Vật liệu thấm hút dùng ở gót giày cũng giúp ích cho binh lính trong điều kiện ẩm ướt. Đôi giày chống trượt cho phép họ di chuyển chắc chắn trên địa hình hiểm trở.
Tính đến nay, giới nghiên cứu mới chỉ khai quật khoảng 2.000 tượng chiến binh đất nung, dù ngày càng nhiều tượng hơn được tìm thấy mỗi năm. Có thể cần một thời gian dài để khai quật tất cả tượng chiến binh, theo các nhà khảo cổ Trung Quốc. Chúng sẽ tiếp tục hé lộ nhiều thông tin mới về đời sống trong xã hội Trung Quốc cổ đại dưới thời nhà Tần. Rõ ràng, kỹ năng và trình độ thủ công của những người tạo ra chúng cũng đáng nể không kém sức mạnh quân sự mà đội quân đại diện.
An Khang (Theo BBC)