Trời mùa Đông hửng nắng. Anh Lê Chiến (37 tuổi) cùng một số thành viên Nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa mang theo đồ lặn, dao ra khu vực Bãi Nam dưới chân bán đảo Sơn Trà. Hai người lặn xuống biển, cẩn thận quan sát, gỡ, cắt từng mảnh lưới khỏi các rạn san hô. Dù nước lạnh và đục, nhóm vẫn đưa lên bờ được 10 kg lưới.
"Chúng tôi gọi đây là lưới ma, vì những tấm lưới này như bóng ma dưới đáy biển, âm thầm giết các sinh vật không may vướng vào chúng", anh Chiến nói. Công việc cắt "lưới ma" không đơn giản, bởi trong lưới ngoài những sinh vật có độc như cá, rắn, còn có thể chứa vật sắc nhọn, gây nguy hiểm cho người lặn.
Các thành viên trong nhóm đều là những người có kỹ năng lặn, kiến thức về sinh vật biển và nhiều kinh nghiệm làm chủ cơ thể để có thể xử lý các tình huống ở dưới nước. Khi lưới vướng vào rạn san hô, cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, cắt từng chút để không làm hư hại từng nhánh san hô. Cá mắc lưới cũng được gỡ ra.
Nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa đã trở nên quen thuộc với nhiều người ở Đà Nẵng. Đội được thành lập từ giữa năm 2018, khi các bạn trẻ yêu sinh vật biển cùng nhau cứu một con cá heo bị thương, trôi dạt vào bờ biển Mỹ Khê. Anh Chiến - thủ lĩnh của nhóm, là người chuyên nghiên cứu về sinh vật biển.
Sasa ban đầu chỉ 6 thành viên. Trong tháng đầu tiên thành lập, nhóm đã cứu hộ thành công 4 chú cá heo bị nạn, thường do cá mập tấn công hoặc bị va vào tàu thuyền, mắc lưới ngư dân, cá voi con lạc mẹ, thậm chí là bị săn bắn trái phép. Việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ được nhiều người biết đến, số thành viên dần đông lên.
Bình quân mỗi năm, Sasa cứu nạn thành công 20 trường hợp cá heo gặp nạn, tỷ lệ cứu sống đạt khoảng 20 - 25%. Địa bàn hoạt động của nhóm không bó buộc ở Đà Nẵng, mà phủ khắp Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Nha Trang, Cà Mau. Mỗi lần nhận tin báo có cá heo, rùa biển... bị bắt thịt hay nuôi nhốt, các thành viên Sasa lại cấp tốc đặt vé máy bay đến, vận động người dân báo cáo với chi cục thuỷ hải sản địa phương rồi mang đi thả.
Công việc Sasa tập trung làm nhiều nhất ba năm qua là cùng nhau lặn xuống các rạn san hô ven bán đảo Sơn Trà, đưa những cành san hô bị gãy, đang "hấp hối" vì người ra dẫm đạp, ca nô thả mỏ neo làm hư hại... lên bờ, gắn vào giá thể rồi lặn xuống đáy biển ven bờ cố định lại. Đến nay, nhóm ươm được khoảng 200 m2.
Tháng 10/2020, bão đổ bộ vào miền Trung. Khi biển lặng, anh Chiến lặn xuống rạn san hô ở Bãi Nam và phát hiện những tảng san hô lớn bị lật úp, san hô sừng hươu bị sóng biển quật tan tành. Ảnh hướng của nước biển nóng lên, các rạn san hô cũng bị tẩy trắng hàng loạt.
May mắn vườn ươm của nhóm chỉ bị ảnh hưởng diện tích nhỏ. Đa số các nhành san hô đang phát triển tốt. Các thành viên Sasa lại cùng nhau lặn xuống biển, dọn sạch những tấm "lưới ma", không để bất cứ tấm lưới nào vướng lại và có thể hủy hoại toàn bộ công sức bảo tồn, tái tạo của nhóm.
Anh Chiến bắt đầu khảo sát những rạn san hô dưới chân bán đảo Sơn Trà từ sau thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, năm 2016, chứng kiến toàn bộ rạn san hô từ khu vực Hải Vân đến bắc Sơn Trà bị tác động.
Nguyên nhân khác khiến những rạn san hô ở đây chỉ còn thưa thớt, là những tour du lịch tự phát đưa người ra ngắm san hô và xảy ra tình trạng dẫm đạp, rác thải, "lưới ma", nuôi lồng bè trái phép. Biến đổi khí hậu cũng khiến nhiều bãi san hô bị hiện tượng tẩy trắng, trong đó có Bãi Nam - rạn san hô quan trọng nhất ở Sơn Trà.
"Việc bảo tồn san hô hết sức cần thiết. Không còn san hô đồng nghĩa với việc không còn hệ sinh thái giàu có nhất trên hành tinh này", anh Chiến nói.
Người gốc Hà Nội, anh Chiến vào Đà Nẵng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về sinh vật biển và có hơn 10 năm tìm hiểu về san hô. Khi thành lập Sasa, anh quyết định nghỉ việc đang có mức lương cao để dành thời gian, công sức vào việc cứu hộ san hô, rùa biển và cá voi.
Các thành viên của nhóm được ví như đội 115, sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống. Nhóm quyết định không xin tài trợ để tránh phụ thuộc. Nguồn vốn từ chính các thành viên trong nhóm, làm ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, tình nguyện đóng góp. Số tiền cứu hộ sinh vật biển không hề nhỏ.
Đơn cử như đợt cứu thành công cá thể rùa thoi thóp vì ăn phải lưới, nhựa (được nhóm đặt tên là Olive), mỗi ngày tiêu tốn gần 200.000 đồng tiền ăn gồm 1 kg mực và 1 kg cá; bể nước phải được thay mỗi ngày để rùa dưỡng thương. Suốt 5 tháng điều trị, Olive đã ngốn hơn 300 triệu đồng.
Ba năm qua, hơn 100 cá thể rùa và cá heo được Sasa đưa về biển. Dù số tiền họ góp vào để hoạt động là "vài tỷ đồng", địa điểm của nhóm phải chuyển ra "ở bãi biển" vì thiếu kinh phí, nhưng anh Chiến và các thành viên vẫn lạc quan.
Sasa đang thu thập dữ liệu để gửi tới các cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu để có thể tìm cách cứu các rạn san hô ở Sơn Trà. Nhưng việc cần làm ngay, theo anh Chiến là phải khai thác du lịch có quy hoạch, trách nhiệm; các ngư dân nên thay đổi thói quen quăng lưới hỏng xuống đáy biển; người lái tàu, thuyền biết chọn nơi không có san hô để thả neo...
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng, cho biết trong Vòng chung kết cuộc thi sáng tác ảnh về môi trường và đa dạng sinh học do đơn vị tổ chức tháng 12/2020, ông đã được nghe các bạn trẻ của Sasa mô tả từng thao tác hết sức cẩn thận khi lặn dưới biển thu lượm từng cọng rác và cứu nạn san hô.
"Bảo vệ môi trường biển và các hệ sinh thái dưới biển cực kỳ khó khăn, vất vả. Phải thực sự yêu quý, gìn giữ môi trường thì các bạn trẻ mới làm được việc này. Tôi rất trân trọng và cám ơn sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là hoạt động của Trung tâm cứu hộ biển Sasa", ông Hùng nói.
Vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, tham vấn cho các Sở, ngành đề xuất một số chương trình, dự án về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học để lồng ghép trong Đề án xây dựng Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030, qua đó cũng tiếp tục khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng.
"Hoạt động của Trung tâm Sasa là một mô hình cộng đồng hết sức có ý nghĩa, được các bạn trẻ chủ động tạo lập, duy trì. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối, trao đổi, thông qua các kênh hỗ trợ để có thể đồng hành cùng các bạn trong hoạt động này một cách phù hợp nhất", ông Hùng khẳng định.
Nguyễn Đông