Satoko Kubo, một nhân viên của Panasonic đang giới thiệu về TV Plasma 103". (AP) |
Những tên tuổi lớn như Panasonic, Sharp và Sony có thể tìm thấy một thị trường nhiều triệu hộ tiêu dùng trên khắp thế giới đang chán ghét loại TV cỡ bự, cồng kềnh và kích thước màn hình không thể bứt lên con số 40". Trong khi đó, TV mỏng có kiểu dáng mảnh mai và cực kỳ quyến rũ, với màn ảnh rộng cho hình ảnh với chất lượng hệt như phim nhựa. Những công nghệ màn hình này lại vẫn đang được phát triển theo hướng, lớn dần về kích thước màn hình, do tấm thủy tinh mẹ ngày càng lớn hơn dẫn tới chi phí sản xuất ngày càng giảm đi làm giá thành sản phẩm giảm mạnh hằng năm.
Hiển nhiên, kéo theo việc kinh doanh trôi chảy, là lợi nhuận của họ tăng vọt. Panasonic, thương hiệu nổi tiếng toàn cầu của Matsushita có lợi nhuận tăng 39% trong quý IV vừa qua, trong khi Sharp cũng nhờ TV mỏng mà đẩy doanh thu lên 26% cũng trong khoảng thời gian này.
Sony, tuy chậm chân nên đứng sau hai hãng cùng quốc tịch, nhưng cũng hãnh diện với mức tăng trưởng lợi nhuận 17,5% sau khi tung ra dòng TV LCD Bravia trong mùa nghỉ đông vừa qua. Do đó, toàn bộ năm tài chính này, Sony lại được cho là "làm ăn có lãi", ngược lại hoàn toàn với dự đoán hồi đầu năm cho rằng hãng vẫn sẽ chìm đắm trong thua lỗ.
Việc chuyển mạch sang công nghệ mới này là một cơ hội cho các hãng duy trì sự sống trong nhiều thập kỷ, ông Fumio Ohtsubo, tân chủ tịch hãng Matsushita nhận định.
Matsushita hiện là hãng sản xuất TV Plasma lớn nhất toàn cầu, trong khi Sony vươn lên vị trí số một thế giới về công nghệ TV mỏng còn lại, LCD, vượt qua cả người khổng lồ Sharp, theo DisplaySearch, bộ phận nghiên cứu màn hình của hãng nghiên cứu thị trường NPD Group.
"Chúng tôi gặt hái thành công lớn khi đã lựa chọn và dồn hết tâm huyết vào màn hình Plasma. Mọi người thực sự đã thay đổi từ khi được thực mục sở thị hình ảnh do TV Plasma của chúng tôi tạo ra", ông Masaaki Fujita, giám đốc bộ phận kinh doanh TV Plasma của Matsushita tự hào cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên ngành công nghiệp TV đã làm giàu cho các hãng Nhật Bản. Trong những năm 1960 và đầu năm 1970, tên tuổi Matsushita và Sony đã nổi lên như sóng cồn nhờ bùng nổ doanh số các chủng loại TV CRT giá rẻ nhưng có chất lượng tin cậy.
Một lần nữa, TV mỏng giờ đây lại mang vinh quang về cho họ. Thành công này không khó để nhận ra, đó là nhờ họ sớm đạt được cả hai tiêu chí: giá cả và chất lượng. "Người Nhật Bản 'khét tiếng' về 'khoản' làm ra những mặt hàng chất lượng cao, và đó là lý do tại sao họ luôn thắng trong các cuộc đua về chất lượng", một nhà phân tích của hãng Mizuho Investors Securities cho biết.
Những công nghệ công phu, đòi hỏi tính tinh vi như TV, cần phải có thâm niên cao trong ngành công nghiệp này, mà đây lại là một trong những nghề "tay thuận" của các đại gia Nhật Bản. Do đó, các hãng non trẻ không dễ gì qua mặt họ.
Các công ty của xứ hoa anh đào còn có một chiêu thức như là bí truyền về cách đặt thương hiệu luôn gây ấn tượng đặc biệt cho người dùng. Chẳng hạn, Sharp có Aquos, Panasonic có Viera, còn Sony có cái tên sớm đã thành quen thuộc dù chỉ xuất hiện trên thị trường vài tháng nay, Bravia.
Dân chơi TV mỏng nhiều khi từ chối hàng cấp thấp, chấp nhận giá cao bởi sức mạnh thương hiệu để có được sản phẩm thực sự chất lượng. Ông Yoshiki Inoue, người Tokyo tâm sự, "Chiếc TV tôi chọn phải có tên tuổi và phù hợp với ngân sách đầu tư, do đó tôi đã chọn chiếc TV Panasonic 65", giá 8.500 USD". Tuy nhiên, ông Inoue, 58 tuổi, hiện là chủ thầu xây dựng, tỏ ra không thích các thương hiệu ngoài Nhật Bản, kể cả các tên tuổi nổi tiếng của Hàn Quốc như Samsung.
Trong quý IV, năm ngoái, lợi nhuận của Matsushita tăng lên 424 triệu USD, nhờ quả bom doanh số TV mỏng (cả LCD và Plasma)m dẫn tới doanh thu của 3 tháng này gia tăng 4%, đạt 20,6 tỷ USD. Việc tăng trưởng doanh thu của TV mỏng cũng giúp Sharp thu được 226 lợi nhuận. Doanh thu cả 3 tháng cuối năm qua của Sharp tăng "đậm" với 12,5%, đạt 6,3 ty USD.
Không như Sharp và Matsushita, Sony chấp nhận "bất hạnh" gần hết năm 2005 nhưng ngấm ngầm tìm kế sách để bứt phá ngoạn mục. Họ đột ngột bứt lên vị trí số một chỉ trong vài tháng qua, nhờ TV LCD Bravia bán chạy, qua mặt cả anh bạn Samsung mà hãng đang bắt tay để sản xuất màn hình và có cả liên doanh giữa họ. Đây là một bằng chứng về sức mạnh thương hiệu Sony so với chính Samsung.
Sony gặt hái 1,4 tỷ USD lợi nhuận chỉ trong quý vừa qua, tính đến hết ngày 31/12, tăng 17,5 so với cùng kỳ năm trước.
Đối với các nhà sản xuất, nỗi lo lớn nhất là rớt giá quá nhanh, mặc dù đây lại là tin vui cho biết bao người tiêu dùng.
Nếu có dịp dạo qua các cửa hàng điện tử, sẽ dễ dàng nhận thấy trong vô vàn TV mỏng, với đủ chủng loại, thương hiệu, người dùng vẫn hơi nghiêng về phía các thương hiệu hàng đầu của Nhật. Ngoài các tên tuổi kể trên còn có Toshiba, Hitachi và Pioneer...
Hầu hết các TV mỏng màn hình lớn của Nhật thực sự vẫn chưa rẻ. Ví dụ, một TV LCD 32" vẫn có giá tới 2.200 USD. Do đó, người ta nhận định để đạt được doanh số cao hơn nữa, giá thành vẫn cần có sự điều chỉnh để hướng tới giới khách hàng trung bình, tầng thị trường đầy tiềm năng, những người vẫn đang khao khát trang bị cho rạp hát tại gia một chiếc TV mỏng.
T.B. (theo AP)