Chứng kiến lửa không ngừng lan rộng ở Tomerong, bang New South Wales (NSW), đội cứu hỏa của Doug Schutz phải nhanh chóng lên phương án ứng phó: sử dụng máy ủi để mở rộng đai ngăn lửa. Đây dường như là cách tối ưu giúp bảo vệ hàng trăm gia đình trong làng không bị cháy rừng thiêu rụi.
Người đưa ra quyết định quan trọng này không ai khác ngoài Schutz, người có 53 năm kinh nghiệm làm lính cứu hỏa tình nguyện ở bang NSW. Ông bắt đầu làm tình nguyện viên cho Lực lượng Cứu hỏa Nông thôn (RFS) khi là cậu bé 13 tuổi. Schutz hiện là đội trưởng đội Tomerong, một phần của đội cứu hỏa tính nguyện lớn nhất thế giới của Australia với 72.000 thành viên, đến từ nhiều địa phương trên khắp bang NSW.
Lính cứu hỏa tình nguyện là lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống thảm họa cháy rừng ở Australia kể từ tháng 9 năm ngoái. Tới nay, cháy rừng nghiêm trọng ở quốc gia này đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, trong đó có ba lính cứu hỏa. Cháy rừng cũng thiêu rụi 2.000 ngôi nhà và tiếp tục lan rộng, đe dọa bùng phát mạnh hơn khi nhiệt độ tăng.
"Tôi sống cả đời ở đây và từng chứng kiến nhiều đám cháy rừng. Đó là điều không ai muốn nhưng nó luôn xảy ra. Cháy rừng lần này có diễn biến rất khó lường. Khi bạn nghĩ rằng mình đã kiểm soát được đám cháy, nó lại bất ngờ bùng lên và tấn công bạn từ phía sau", Schutz chia sẻ.
Người dân bang NSW coi lính cứu hỏa tình nguyện như Schutz là anh hùng. Tại nhiều nơi xảy ra cháy rừng, người dân địa phương treo nhiều biểu ngữ, băng rôn cảm ơn lính cứu hỏa. Điều này trái ngược với sự trách móc mà họ dành cho nhà chức trách khi ứng phó chậm chạp với cháy rừng.
Như nhiều tình nguyện viên khác, Schutz chưa bao giờ nhận tiền công cho công việc đang làm. Ông thậm chí phải bỏ bê kinh doanh kể từ ngày 29/11 năm ngoái để ngày đêm chiến đấu với cháy rừng. Nhiều lúc ông bật cười vì hoàn cảnh trớ trêu hiện tại: ông chiến đấu chống cháy rừng nhưng từng trồng cây lấy củi trên mảnh đất rộng 48 hecta và bán cho người dân trong vùng.
Ở nhiều nước khác, người dân chủ yếu trông cậy vào lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp để đối phó với hỏa hoạn, do đó họ thường cảm thấy khó hiểu về lực lượng cứu hỏa tình nguyện ở Australia. Nhưng Schutz cho biết những người như ông rất yêu thích công việc này.
Gary Creer, lính cứu hỏa tình nguyện trong 20 năm qua, cho biết ông thấy may mắn khi trở thành thành viên lực lượng cứu hỏa tình nguyện, dù không được chính phủ trả lương cho việc bỏ thời gian nghỉ ngơi đi chữa cháy.
"Nhiều lính cứu hỏa tình nguyện là người kinh doanh hoặc điều hành doanh nghiệp, họ sẵn sàng chịu thiệt hại hàng nghìn đô la để làm công việc này", Creer nói.
Tuần trước, Schutz cùng hai đội trưởng cứu hỏa khác quyết định đổi hướng mở rộng đai phòng lửa bất chấp sự phản đối của nhiều người. Creer cho biết đó là quyết định sáng suốt bởi gió đổi chiều.
"Họ đã giúp chúng tôi kiểm soát ngọn lửa xung quanh khu vực vịnh và lưu vực của nó, ngăn đám cháy lan về phía bắc và đảm bảo an toàn cho chúng tôi", Creer chia sẻ.
Tuần này, Schutz chỉ đạo đội của ông sử dụng xăng dầu tạo ra đám cháy có kiểm soát ở cánh rừng gần Tomerong. Đây là cách nhằm loại trừ những thứ dễ cháy trong rừng, đề phòng hỏa hoạn quay lại.
Schutz cho biết mong muốn trở thành lính cứu hỏa đã ngấm vào máu của ông. Cha của Schutz từng là thành viên sáng lập đội cứu hỏa tình nguyện ở Tomerong, ngôi làng có 1.000 cư dân ở vùng biển phía nam NSW. Cha ông cũng từng gây quỹ tại các buổi khiêu vũ trong vùng để mua thêm nhiều dụng cụ như bồ cào chữa cháy.
"Chúng tôi lớn lên cùng cháy rừng. Và ở một nơi như Tomerong, sự hiểu biết về địa điểm này vô cùng quan trọng. Tôi có thể đưa bạn đến bất cứ nơi đâu vùng và nói cho bạn điều gì từng xảy ra ở đó. Bạn không thể biết tất cả điều đó chỉ trong 5 phút đâu", Schutz chia sẻ.
Schutz cũng từng là nạn nhân của cháy rừng khi ngọn lửa thiêu rụi cơ sở kinh doanh của ông vào Giáng sinh năm 2011. Ông cho biết đó là đám cháy tồi tệ nhất ông từng chứng kiến. Những quả cầu lửa to bằng quả bóng rổ liên tục lao về phía lính cứu hỏa khi họ cố gắng bảo vệ nhà dân. Khi đó, Schutz và vợ Colleen Brittain, cũng là lính cứu hỏa tình nguyện, quá bận rộn bảo vệ nhiều ngôi nhà khác tới mức quên mất chính ngôi nhà của họ cũng đang gặp nguy hiểm.
"Một thành viên trong đội nói với tôi 'Tốt hơn hết anh nên quay về bảo vệ ngôi nhà của mình. Ngọn lửa đã tấn công nơi đó. Mọi thứ đều bốc cháy. Đống củi cũng bốc cháy hết rồi'", Schutz kể lại.
Sau đó, Schutz cùng vài lính cứu hỏa đã cố gắng cứu ngôi nhà và kho gỗ của ông, nhưng thiệt hại từ đám cháy khiến ông trở nên trắng tay. "Chúng tôi có 4.000 tấn củi nhưng ngày hôm sau nó chỉ còn lại đống tro", Schutz nói.
Ông cho biết các đám cháy rừng hiện diễn biến rất khó lường và ông chưa biết làm thế nào để kiểm soát nó.
"Nhiều người ở nước khác có thể nghĩ rằng chúng tôi thật ngốc khi sống ở đây. Nhưng đó là những gì chúng tôi có và chúng tôi phải đối phó với nó. Bụi rậm ở Australia có thể trông rất đẹp nhưng cũng mang tới nhiều nguy hiểm. Bởi cháy rừng có thể xuất hiện từ đó và tấn công bạn bất cứ lúc nào", Schutz nói.
Thanh Tâm (Theo AP)