Bộ Quốc phòng sáng 24/2 tổ chức lễ tuyên dương đoàn cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng, nói đoàn quân đội Việt Nam khi đi làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo sau trận động đất lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhiều khó khăn, không có điện và nước, trong khi dư chấn động đất vẫn mạnh.
Đoàn công tác đã chủ động phối hợp với các cơ quan của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp Quốc, Đại sứ quán để nắm tình hình, thực hiện nhiệm vụ. Thành viên trong đoàn phát huy tinh thần quốc tế, bình tĩnh, tự tin, không sợ hiểm nguy, chạy đua với thời gian tìm kiếm cứu nạn.
Tướng Cương gửi lời chia buồn tới Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là gia đình có người tử nạn và những người bị thương, những em nhỏ mồ côi, những người mất nhà cửa.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng yêu cầu đoàn cứu hộ đánh giá, khắc phục những hạn chế trong chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện; đồng thời tiếp thu kinh nghiệm quốc tế từ chuyến đi để bổ sung chương trình huấn luyện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Haldung Tekneci cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cử lực lượng tìm kiếm, cứu nạn tới giúp đất nước ông. Cảm ơn lực lượng Việt Nam đã làm việc không mệt mỏi và trao tặng trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trước khi về nước, ông Haldung Tekneci khẳng định đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh nhân đạo toàn cầu.
"Điều này cũng thể hiện mối quan hệ hết sức tốt đẹp mà Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm qua", Đại sứ nói.
Chia sẻ về những ngày làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, thiếu tá Lê Đức Tài, Đội trưởng Đội Công binh cứu sập, Bộ Tư lệnh Công binh, nói tận mắt chứng kiến khung cảnh đổ nát, người dân đau khổ khi mất đi người thân, anh và đồng đội thấu hiểu sự khắc nghiệt, đau thương mà trận động đất gây ra.
"Những ánh mắt không ngừng hy vọng đã thôi thúc chúng tôi lập tức triển khai nhiệm vụ cứu hộ khi vừa đặt chân đến tỉnh Hatay", anh nói, cho biết mỗi người lính xác định đây là mệnh lệnh từ trái tim, là bản chất truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thời gian làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ không dài, song đó là phần ký ức đặc biệt với anh Tài và các thành viên đội cứu hộ. Quên đi nguy hiểm của bản thân để chui vào những tòa nhà đang dọa sập tìm người mắc kẹt, đào bới các lớp đất đá để cứu người, những người lính cứu hộ đi đến đâu cũng nhận được lời cảm ơn, những bàn tay đặt lên ngực trái thể hiện sự cảm kích của người dân và lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại buổi lễ, Bộ Quốc phòng đã trao bằng khen cho 76 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen cho 22 cá nhân, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen cho 8 tập thể.
76 quân nhân lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ tối 12/2, 6 ngày sau khi trận động đất 7,8 độ làm 43.556 người chết. Đoàn Việt Nam được phân công thực hiện nhiệm vụ tại xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya, tỉnh Hatay, diện tích khoảng 3 km2. Đây là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong 10 ngày làm nhiệm vụ, đoàn cứu hộ tìm kiếm tại 31 điểm đổ nát, phát hiện 15 vị trí có người, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu sự sống. Do không có đủ thiết bị chuyên dụng, sau khi trinh sát, xác định vị trí, đoàn đã bàn giao cho đơn vị cứu hộ địa phương, đưa được 28 thi thể ra ngoài.
Sơn Hà - Hoàng Phương