Những năm đầu thập niên 1970, Lưu Chí Phát được phân công làm kế toán của Ủy ban Cách mạng (tổ chức chính quyền địa phương trong thời Cách mạng Văn hóa) huyện Liên Hoa, tỉnh Giang Tây. Chẳng lâu sau, tai họa ập đến.
Ngày 10/12/1974, Phát thấy ngăn kéo bàn làm việc bị phá khóa, mất hơn 500 nhân dân tệ tiền lương chưa phát hết cho mọi người. Chí Phát, lúc này 25 tuổi lập tức báo công an tới hiện trường điều tra.
Tới tháng 4/1975, Phát bất ngờ bị công an bắt giữ với cáo buộc ngụy tạo hiện trường mất cắp để tham ô công quỹ. Phát nhớ từng hỏi "tại sao khi rà soát sổ sách không gọi tôi tới" nhưng không nhận được câu trả lời. Cuối tháng 11/1975, Phát bị tòa án sơ thẩm huyện Liên Hoa kết tội Tham ô và phạt ba năm tù.
Tuy vậy, Phát không chịu nhận tội và kháng cáo. Trong lúc chờ kháng cáo, Phát mãn hạn tù và được trả tự do vào năm 1978. Trước kia, ông là kế toán huyện và là cán bộ. Sau sự việc ông mất tất cả, phải làm công kiếm tiền qua ngày.
Tới tháng 10/1979, đơn kháng cáo lên tòa án trung cấp thành phố Cát An có kết quả. Tòa cấp trên ra phán quyết hủy án sơ thẩm trên căn cứ "tòa huyện nhận định bị cáo phạm tội là không đủ chứng cứ", yêu cầu xét xử lại.
Cầm quyết định xét xử lại trong tay, Phát nôn nóng ra tòa để rửa sạch tiếng oan. Người đàn ông nhiều lần liên lạc tòa án huyện Liên Hoa, các cơ quan hữu quan cấp cao của thành phố Cát An, tỉnh Giang Tây nhưng sự việc mãi không tiển triển. Thập niên 1980, Phát từng hai lần lặn lội tới thủ đô Bắc Kinh tìm đến nơi tiếp nhận đơn thư khiếu nại của chính phủ nhưng sau đó cũng không có tin tức gì.
Tới năm 1993, Phát lưu lạc đến tỉnh Quảng Đông mưu sinh nên tạm gác lại chuyện khiếu nại. 23 năm sau, người thanh niên năm nào trở lại huyện Liên Hoa trong hình hài của ông già 67 tuổi. Tuy vậy, ông vẫn muốn được minh oan vì "nếu không được trong sạch, rất khó sống trong xã hội này".
Ông Phát kể không được ra tòa, nên cũng không có ai tin ông vô tội, không muốn tiếp xúc với ông. Nhiều lúc ông đưa phán quyết yêu cầu xét xử lại của tòa cho người khác xem nhưng rất ít người hiểu cho ông. Ông Phát lại tiếp tục khiếu nại.
Do có nhiều thay đổi xảy ra theo thời gian, việc khiếu nại của ông Phát vẫn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như trước đó, huyện Liên Hoa thuộc quản lý của thành phố Cát An, nhưng sau năm 1992 lại được quy hoạch vào thành phố Bình Hương nên ông Phát không rõ phải làm việc với cơ quan nào.
Ngoài ra, khi trước, vụ án của ông Phát do cơ quan công an giữ quyền công tố, nhưng sau năm 1979, quyền hạn này thuộc về viện kiểm sát. Việc quyết định cơ quan nào sẽ nắm quyền công tố trong vụ án này được cho là vấn đề khó khăn trên phương diện thủ tục tố tụng.
Ông Phát nói giai đoạn này, sau nhiều lần được đề nghị, tòa án huyện Liên Hoa cuối cùng cũng đáp ứng xử lý vụ án. Nhưng do cục công an và viện kiểm sát huyện không muốn dính dáng, tòa án lấy lý do không được bên giữ quyền công tố hợp tác nên vẫn lần lữa không giải quyết.
Tuổi tác ngày một cao nhưng ông Phát vẫn không từ bỏ. Nhờ sự trợ giúp miễn phí của hai luật sư, ông tiếp tục viết đơn thư lên các cơ quan cấp cao như tòa án cấp cao tỉnh Giang Tây, Bộ Tư pháp Trung Quốc,...
Tới tháng 10/2019, một tờ báo đăng tải phiên tòa trì hoãn 40 năm của ông Phát. Bài báo thu hút được sự chú ý của dư luận và khiến các cơ quan ban ngành vào cuộc.
Ngày 2/3, tòa án huyện Liên Hoa thành lập ban thẩm phán để đưa vụ án ra xét xử lại, đồng thời thông báo cho viện kiểm sát huyện giữ quyền công tố. Hai ngày sau, viện kiểm sát căn cứ lý do "Lưu Chí Phát không thực hiện hành vi phạm tội" để hủy cáo trạng tội Tham ô. Ngày 10/3, tòa án huyện Liên Hoa ra phán quyết phê chuẩn quyết định của viện kiểm sát.
Cuối cùng, cụ ông 71 tuổi Lưu Chí Phát đã thực hiện được nguyện vọng rửa oan. Sau khi nhận quyết định, ông Phát nói "rất vui mừng" vì được trả lại sự trong sạch.
Khi được hỏi dự định tương lai, ông Phát cho biết sẽ gửi đơn yêu cầu bồi thường lên tòa án. Hơn 40 năm vất vả vì vụ án này, cụ ông cho rằng sẽ xin nhà nước khôi phục chế độ đãi ngộ dành cho công chức, sau đó đăng ký hưởng lương hưu, đồng thời yêu cầu bù đắp phần lương từ năm 1975 tới nay.
Hiện, ông Phát sống một mình tại huyện Liên Hoa, không có nguồn tài chính khác, chỉ biết làm ruộng qua ngày. Người vợ đã ly hôn ông từ lâu, mang theo các con. Ông kể thỉnh thoảng mẹ con họ vẫn trợ cấp cho mình ít tiền chữa bệnh phong thấp.
Nguồn tin giấu tên của The Paper cho biết ngoài lý do thay đổi thẩm quyền công tố và địa giới hành chính, sự việc của ông Phát bị trì hoãn nhiều năm còn do huyện ủy Liên Hoa từ lâu đã nhất trí giải quyết theo hướng "giữ nguyên phán quyết, thả người khi mãn hạn tù". Việc này được cho là có ảnh hưởng nhất định tới quá trình tòa án nhân dân huyện xử lý vụ án.
Quốc Đạt (Theo The Paper, Caixin, Red Star News)