Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 8/3/2023, 00:00 (GMT+7)

Đội chiếu phim lưu động ở vùng biên giới

Quảng TrịVượt hàng trăm km, ông Nguyễn Thanh Hà và đồng nghiệp đưa những bộ phim Việt Nam, cách làm ăn mới, chống hủ tục đến với bà con gần biên giới Lào.

Ngày 6/3, Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở và chiếu phim số 2 (thuộc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Quảng Trị) có mặt ở thôn Ro Ró để chiếu phim lưu động phục vụ bà con. Đường vào thôn dốc đứng, quanh co theo các sườn đồi. Mặt đường bằng bêtông nhưng nhiều đoạn nứt gãy, bùn lầy vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa hè.

Ro Ró là thôn xa nhất của xã A Vao, huyện Đăkrông, giáp biên giới Việt Nam - Lào. Từ trung tâm thôn đi qua khu dân cư của nước bạn Lào chỉ khoảng 15 phút đi bộ. Người dân chỉ bắt được sóng điện thoại của một nhà mạng, còn sóng truyền hình, trình hình cáp hầu như không có.

Đội văn hóa cơ sở có ba người, đi xe máy đến những bản làng xa xôi nhất. Họ mất khoảng ba tiếng vượt hành trình 120 km từ trung tâm TP Đông Hà đến thôn.

Mỗi người chở một thùng tôn phía sau, bên trong chứa máy chiếu, máy tính, loa, dây điện.

Khu vực chiếu phim ở sân Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ro Ró. Những đứa trẻ quen với đội này nên kéo đến nhà cộng đồng phụ giúp kê dọn loa máy, sân bãi.

Đội phó Nguyễn Thanh Hà có 20 năm trong nghề chiếu phim lưu động. Từ đầu giờ chiều và đầu buổi chiếu, ông phát loa thông báo, mời bà con đến xem, đồng thời giới thiệu nội dung buổi chiếu hôm nay.

Công nghệ chiếu phim thay đổi ngày càng hiện đại, tiện lợi và nhẹ nhàng hơn. Từ công nghệ băng đĩa, nay chuyển sang chiếu bằng máy phát cho độ phân giải cao hơn, sáng hơn.

Màn chiếu căng bằng cọc tre và gỗ dã chiến mượn của nhà dân.

Các buổi chiếu phim lưu động rất thu hút khán giả vì điều kiện giải trí của bà con còn hạn chế. "Người trẻ có thể ra trung tâm sử dụng điện thoại thông minh, nhưng người lớn tuổi không thể tiếp cận được các công nghệ mới này", ông Hà giải thích. Chính sự hứng thú của khán giả đã tiếp thêm động lực để ông Hà và đồng nghiệp gắn bó với nghề.

Người dân vùng cao rất thích phim của Việt Nam, nhất là các phim về đề tài chiến tranh cách mạng.

Từ 19h, người dân soi đèn đến xem chiếu phim.

Một buổi chiếu thường kéo dài ba tiếng, với nội dung tổng hợp, gồm tin tức thời sự địa phương, mô hình làm ăn kinh tế, tuyên truyền chống hủ tục, phim hoạt hình cho thiếu nhi và các phim kinh điển.

Tối 6/3, đội chiếu phim "Những người viết huyền thoại", kể về công cuộc xây dựng đường ống vận chuyển xăng dầu vào miền Nam.

Ông Hồ Văn Tùng, Bí thư Chi bộ thôn Ro Ró, nói: "Người dân quanh năm gắn bó với nương rẫy, đời sống giải trí gần như không có. Qua các buổi chiếu phim, người dân biết thêm về thời sự trong tỉnh, học tập được các mô hình làm ăn kinh tế".

Thôn Ro Ró có 121 hộ, 578 khẩu, trong đó 79 hộ nghèo, nguồn thu nhập chính từ làm nương rẫy, trồng sắn, ngô, khoai.

Nhóm trẻ em chăm chú xem phim hoạt hình. Đội sẽ phục vụ thôn Ro Ró hai buổi chiếu, sau đó di chuyển đến thôn xã khác. Mỗi năm, đội văn hóa cơ sở chỉ đến thôn một lần.

Bà Hồ Thị Hê (phải) bồng theo cháu đến buổi chiếu phim vì bố mẹ bé đi làm rẫy chưa kịp về. Những năm qua, khi có đội chiếu phim về, bà đều có mặt.

Buổi chiếu kết thúc lúc 22h, các thành viên thu dọn rồi lên nhà cộng đồng trải chiếu ngủ lại. Chăn màn do các anh tự mang theo. Ông Hà vui vẻ nói "hợp tác xã, sân kho là thiên đường chiếu phim". Đây là các cơ sở lưu trú và chiếu phim khi đội của ông về thôn bản.

Đội của ông Hà phụ trách 15 xã đặc biệt khó khăn với 160 thôn, thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đăkrông. Mỗi năm, đội phục vụ gần 170 buổi chiếu phim trong 9 tháng mùa khô. Đợt này, đội ông đi liên tục 18 buổi qua 6 xã.

Đội chiếu bóng đưa điện ảnh về xã biên giới
 
 

Đội văn hóa cơ sở đưa phim ảnh xã biên giới. Video: Hoàng Táo

Hoàng Táo