Chiều 4/6, 2 ngày sau khi Hà Nội quyết định điều chỉnh thời gian làm bài các môn thi vào lớp 10, cô Ngô Thị Thái Thanh bắt đầu ôn luyện cho học sinh lớp 9 theo yêu cầu mới. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, cô đã tính toán rất kỹ, đưa ra một số thay đổi giúp học sinh thích nghi.
Thay vì khuyên làm phần 1 trước bởi đây là phần nghị luận văn học và các câu hỏi liên quan đến tác giả, tác phẩm, phương thức biểu đạt, chiếm 6,5-7 điểm, cô Thanh chuyển hướng yêu cầu học sinh thấy phần nào dễ, cảm thấy tự tin thì làm trước. Học sinh không nhất thiết phải làm từ trên xuống dưới, bởi 90 phút (giảm 30 phút so với trước) không quá dài để các em suy nghĩ.
Cô Thanh cũng chuyển sang hướng dẫn học sinh phân tích nội dung một cách ngắn gọn hơn, lưu ý ưu tiên viết gì trước để đảm bảo hoàn thành bài thi trong thời gian cho phép và đạt điểm cao. "Tôi nghĩ việc cần làm là bình tĩnh đón nhận thay đổi rồi vượt qua, có vậy các em mới đạt điểm mong muốn", cô chia sẻ.
Cho rằng đề thi Toán 90 phút không lạ lẫm với học sinh vì tương tự bài kiểm tra giữa và cuối kỳ, cô Nguyễn Thanh Vân, trường THCS Thành Công, quyết định không tăng cường độ ôn luyện giai đoạn nước rút nhằm giữ cho học sinh nhịp độ quen thuộc, không bị cuống. "Giờ không phải lúc ôn tập không ăn không ngủ. Đề mới thì gốc vẫn từ kiến thức đã có nên cần bình tĩnh để xem vận dụng kiến thức nào", cô giáo nói.
Mỗi học sinh có lực học riêng, vì vậy cô Vân đưa ra một số chiến thuật mới trong quá trình ôn tập để các em có thể áp dụng tùy khả năng của mình. Chẳng hạn với học sinh trung bình, cô khuyên làm hết câu a của các bài trước bởi thường ở mức cơ bản, không nhất thiết làm từng bài. Với những bạn khá, giỏi, cô Vân cho ôn luyện thêm câu có bẫy nhỏ bởi "đó là những câu phân hóa".
Khác với Toán và Ngữ văn, môn Lịch sử thi trắc nghiệm với 30 câu hỏi làm trong 45 phút, thay vì 40 câu trong 60 phút như kế hoạch cũ. Cô Nguyễn Thị Hưởng, giáo viên Lịch sử trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, cho biết điều này vô tình thuận lợi hơn cho học sinh khi thời gian và số câu hỏi giống với các bài kiểm tra định kỳ. Vì vậy, cô không quá lo lắng về sự thay đổi này.
Do lịch thi lùi 2 ngày, trường THCS Thái Thịnh quyết định tiếp tục tổ chức dạy và học online đến thứ tư tuần sau thay vì kết thúc trong tuần này. Cô Hưởng bổ sung kế hoạch, giúp học sinh rà soát, khái quát lại kiến thức cơ bản một lần nữa bằng hệ thống sơ đồ tư duy, đồng thời cho luyện đề theo điều chỉnh mới thông qua website của trường và của cô tự lập ra để học trò biết cách cân đối thời gian.
Để học sinh bớt căng thẳng trong giai đoạn nước rút, các tiết học cuối cùng trong đầu tuần tới, cô Hưởng sẽ không dạy như bình thường. "Tôi sẽ cho các con học theo kiểu chơi trò chơi. Cô giáo hỏi từng câu nhỏ để học sinh trả lời nhằm tạo không khí thoải mái, giúp các con ghi nhớ tốt hơn", cô Hưởng chia sẻ. Giáo viên này cũng dự định dành thời gian nhắc lại kỹ năng điền phiếu trả lời trắc nghiệm, đảm bảo học sinh không mắc sai sót nào khi bước vào kỳ thi chính thức.
Không chỉ giáo viên, các nhà trường cũng nhanh chóng hành động nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất ở kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ngày 12-13/6. Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, đã họp trực tuyến tối 2/6 với các giáo viên chủ nhiệm lớp 9 và thầy cô bộ môn. Ngay sau đó, trường tổ chức thi thử theo thời lượng mới từ ngày 3 đến 5/6, dự kiến chữa bài ngày 7/6 và đưa ra nhắc nhở cuối cùng về kiến thức, kỹ năng cho học sinh trong đầu tuần sau.
Hiệu trưởng Phạm Hương Giang chia sẻ việc tổ chức thi thử cả bốn môn ngay sau khi nhận thông tin điều chỉnh là nỗ lực của thầy trò nhà trường. "Khó khăn bây giờ không phải về mặt kiến thức mà là yếu tố thời gian", cô Giang nói lý do phải tổ chức thi thử ngay để tập dượt cho học sinh. Nếu có thể bình tĩnh và làm chủ thời gian, học sinh sẽ vượt qua được kỳ thi đặc biệt và nhiều biến động này.
Tương tự trường Nguyễn Tri Phương, trường THCS Thái Thịnh cũng tổ chức thi thử online theo thời gian làm bài mới. Trường THCS Thành Công yêu cầu giáo viên bộ môn ra đề và cho học sinh luyện theo hướng điều chỉnh của thành phố. Trong khi đó, trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) lại tập trung vào chuẩn bị tâm lý cho thí sinh.
Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường THCS Nguyễn Du, cho biết nhiều học sinh lo lắng môn trắc nghiệm sẽ bị trừ điểm nhiều hơn nếu mắc lỗi bởi theo số lượng câu hỏi mới, 3 câu chiếm 1 điểm chứ không phải 4 câu như trước. Hơn nữa, hơn một tháng qua, học sinh chủ yếu luyện đề trên phần mềm chứ không tô trực tiếp lên phiếu trả lời trắc nghiệm nên có thể sai sót khi vào thi.
"Để các em tự tin, chúng tôi đã chuyển phiếu tô tới từng học sinh, nhờ phụ huynh in ra để con em tập luyện. Chúng tôi cũng chuyển hướng dẫn tự chấm bằng phần mềm scan của trường để các em tự thực hiện, từ đó tự nâng cao kỹ năng làm bài", cô Lý nói.
Trường Nguyễn Du còn tổ chức ba buổi hướng dẫn kỹ năng cho học sinh và phụ huynh bằng hình thức trực tuyến, ngay cả kỹ năng tìm điểm thi, phòng thi do năm nay buổi làm thủ tục dự thi được tiến hành trực tuyến, học sinh không thể đến điểm thi xem trước phòng thi. Hiện, trường đã tổ chức được hai buổi với sự tham gia của cả phụ huynh và học sinh. Đến ngày 11/6, giáo viên chủ nhiệm sẽ dặn dò, hướng dẫn lần cuối.
Tối 2/6, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc điều chỉnh thời gian thi vào lớp 10. Ngoài muộn hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu (từ 10-11/6 sang 12-13/6), thời gian làm bài cũng thay đổi, môn Ngữ văn và Toán giảm từ 120 xuống còn 90 phút, Ngoại ngữ và Lịch sử từ 60 xuống còn 45 phút.
Năm nay, Hà Nội có hơn 93.300 thí sinh thi để cạnh tranh lấy hơn 67.000 suất vào lớp 10 công lập. Số thí sinh không trúng tuyển sẽ học trường ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ tài chính, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và học nghề.
Dương Tâm - Thanh Hằng