Thành công của Đời cát tại LHP lần này càng được chú ý khi người ta biết bộ phim ra đời một cách khá vất vả. Cách đây khoảng 5, 6 năm. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân rất thích ý tưởng của truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương anh đã tìm đến nhà văn Nguyễn Quang Lập và hai người đã trở thành một đôi bạn gắn kết trong 4 năm trời, tự viết, tự sửa tới 7 lần. Kịch bản Đời cát được hoàn thành và nộp quyển lên Hãng phim truyện Việt Nam thì bị từ chối vì vết thương chiến tranh quá bi thảm. Và sau đó, Giám đốc mới - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã ủng hộ và kịch bản Đời cát mới được xét duyệt và đưa vào sản xuất.
Nhưng cửa ải duyệt kịch bản chưa phải là một khó khăn lớn nhất. Để đi đến một giải pháp nghệ thuật tốt nhất, những người làm phim Đời cát đã phải vượt qua hàng trăm cây số miền Trung nắng gió để tìm cho ra cái làng Cát mơ tưởng trong kịch bản. Và để lập một không gian cho cái làng ven biển nhỏ nhoi ấy, họ đã phải nối ba, bốn địa điểm Thừa Thiên - Huế - Quảng Trị - Quảng Bình... cách xa nhau hàng trăm cây số. Để tìm được diễn viên cho nhân vật trong phim, họ đã phải vào tận TP Hồ Chí Minh để phát hiện một Mai Hoa còn bọc kín trong vòng bí ẩn tài hoa; vào Huế để tìm ra một bé gái lần đầu tiên đứng trước ống kính quay phim và đặc biệt là đi tìm người đàn bà cụt cả 2 chân khắp cả vùng Quảng Trị - Đông Hà để đóng một vai phụ. Bản thân đạo diễn cũng đã phải đi xe hàng đến bối cảnh để khám phá và xác định những ý tưởng sáng tạo trong dàn dựng.
Thành công đáng chú ý của bộ phim Đời cát chính là ở chỗ tác giả đã tìm ra được những ý tưởng nghệ thụât, mang đầy tính nhân văn. Có nhiều cách nhìn chiến tranh nhưng tác giả trong phim Đời cát đã tìm ra một cách nhìn nhân ái nhất. Họ không lên án, phủ định, không làm tấy lên vết thương chiến tranh đã từng làm cả một dân tộc đớn đau qua bao nhiêu thập kỷ mà tìm cách cứu chữa, băng bó cho vết thương lên da non, mà cố gắng tạo một cuộc sống mới yên lành, hướng về tương lai. Chính những tín hiệu chứa đầy tính nhân đạo và nhân văn này đã có sức đi xa, vượt qua biên giới của một đất nước để đến với cộng đồng thế giới.
Tại đêm bế mạc LHP, ghế của vợ chồng Thanh Vân, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập, diễn viên chính Mai Hoa ở hàng R trên gác hai, vì vậy, khi Ban giám khảo tuyên bố giải nữ diễn viên phụ thuộc về Hồng Ánh của Đời cát (Hồng Ánh không được mời tham dự LHP) thì ông đạo diễn bé nhỏ phải len lách qua rất nhiều người, băng qua hai sảnh lớn cộng với hai tầng cầu thang mới lên tới sân khấu và giải thưởng đã có người nhận giúp. Rất hồi hộp tuy không chắc lắm nhưng ông đạo diễn vẫn rủ diễn viên chính xuống tầng 1 đứng để nhỡ có được gọi tên lần nữa thì lên cho nhanh. Hai lần mừng hụt vì giải âm nhạc để cử cho Phó Đức Phương và giải nam phụ cho Công Ninh nhưng đều sang tay đội bạn, cuối cùng thì hạnh phúc cũng đến với chàng đạo diễn trẻ của Điện ảnh Việt Nam (Thanh Vân sinh năm 1962) .
Anh nghẹn ngào nói: "Tôi hết sức xúc động. Điều làm tôi bất ngờ là bộ phim đã đoạt liền 3 giải thưởng. "Khi được hỏi về ưu thế của Đời cát so với 4 phim truyện nhựa được tranh giải lần này, Thanh Vân nói: "cả 5 bộ phim truyện nhựa của Việt Nam đều có chất lượng khá. Đời cát là một câu chuyện giản dị về người lính thời hậu chiến, lời thoại không nhiều nên Ta hay Tây xem bộ phim đều hiểu được bộ phim muốn nói gì. Cái được của Đời cát là câu chuyện Việt Nam mang tính chất quốc tế. Có những bộ phim Việt Nam rất hay nhưng vấn đề được đề cập chỉ mang tính hiệu ứng cho người Việt Nam hiểu, người nước ngoài không đồng cảm được". Chính nhà phê bình lý điện ảnh Ngô Phương Lan - thành viên Ban giám khảo cũng đồng ý rằng: "Điểm mạnh của phim dự thi của ta ở cả 3 loại hình dự thi là màu sắc dân tộc đậm nét, những vấn đề gia đình hoặc xã hội sâu sắc và sự khai thác tinh tế tính cách, số phận con người. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ rơi vào một thái cực khác đó là một vài bộ phim trình bày những vấn đề quá riêng tư và nhạy cảm về thực tế lịch sử, xã hội mà người Việt Nam hết sức tâm đắc, xúc động nhưng người nước ngoài lại chưa có đủ điền kiện để thấu hiểu, cảm thông thật sự với những gì diễn ra trên màn ảnh".
Thanh Vân tâm sự: "Tôi muốn dành giải thưởng này cho cha mình (NSND Hải Ninh) và cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo hãng phim và đặc biệt là những thành viên của đoàn làm phim. Họ đã chịu rất nhiều khó khăn cực nhọc cùng với tôi trong suốt thời gian làm phim, chia sẻ với tôi những bất trắc về thời tiết, những eo hẹp về kinh phí, giúp tôi có thêm những ý tưởng tốt đẹp trong quá trình lao động".
(tổng hợp từ Thanh Niên, Văn hóa - Thể thao, Tuổi trẻ, Lao Động ngày 12/12)