Theo thông tin chi tiết về cuộc giải cứu công bố trên một tạp chí y khoa hôm 4/4, các cậu bé đã được thợ lặn cho dùng một liều thuốc mê ketamine nhất định, hay còn được gọi là thuốc K, khi đưa họ khỏi hang động Tham Luang.
Thời điểm đó, báo chí cho rằng đội bóng nhí mắc kẹt trong hang động hai tuần, đã được dùng thuốc mê trong quá trình giải cứu, nhưng các quan chức Thái Lan không cung cấp thông tin chi tiết.
"Chúng tôi phải sử dụng cách thức giữ cho các cháu không hoảng loạn khi đưa chúng ra ngoài", tư lệnh lực lượng đặc nhiệm SEAL hải quân Thái Lan, chuẩn đô đốc Arpakorn Yookongkaew nói. "Điều quan trọng nhất là các cháu còn sống và an toàn".
Trong thư gửi Tạp chí Y học New Zealand, ba bác sĩ Thái Lan và một bác sĩ gây mê người Australia tham gia đội cứu hộ cho biết các cậu bé được đeo mặt nạ oxy và cho mặc đồ lặn.
4 cậu bé đầu tiên được đưa khỏi hang phải đeo kính râm để bảo vệ mắt vì suốt hơn hai tuần không tiếp xúc với ánh mặt trời. Đầu và cổ các em bị cố định bất động đề phòng chấn thương cột sống trong hành trình lặn qua hang động hẹp. Cuối cùng, các em được bọc trong chăn để tránh bị hạ thân nhiệt.
Bức thư tiết lộ cậu bé thứ hai rời hang động thân nhiệt hạ xuống còn 35 độ C khi ra ngoài, và tiếp tục hạ trên đường tới viện. Hạ thân nhiệt có thể gây tổn thương nội tạng quan trọng, bao gồm tim, thận và hệ thần kinh. Giới y sĩ cho biết ketamine là lựa chọn tốt để đưa đội bóng ra ngoài, bởi ketamin lại có tác dụng làm tăng thân nhiệt.
Ketamine được tổng hợp lần đầu năm 1962 và được quân đội Mỹ sử dụng làm thuốc giảm đau và an thần cho binh lính trên chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên, nó có tác dụng phụ gây ảo giác, khiến bác sĩ phải cân nhắc khi điều trị cho bệnh nhân. Sau này, nó phát triển thành một loại thuốc ma túy đường phố.
Ngày nay, ketamine được sử dụng trong cấp cứu nhi khoa như trong trường hợp gãy xương, vì nó an toàn hơn các loại thuốc an thần khác, bác sĩ Edith Bracho-Sanchez cho hay.
Nó cũng được sử dụng là thuốc gây mê thú y và một loại thuốc tương tự mới phê duyệt làm thuốc trị trầm cảm. Thuốc nằm trong danh sách Những loại Thuốc Thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho người lớn.
Đội bóng nhí mắc kẹt trong hang động vì lũ dâng cao hôm 23/6/2018. 12 cầu thủ và huấn luyện viên được tìm thấy hơn một tuần sau, ở sâu trong hang và sâu hàng trăm mét dưới bề mặt.
Những thợ lặn tham gia giải cứu gọi đây là nhiệm vụ khó khăn nhất mà họ từng đối mặt. Một cựu sĩ quan hải quân Thái Lan đã tử vong khi làm nhiệm vụ vì hết oxy.
"Ban đầu tôi không nghĩ là sẽ cứu được họ", Richard Harris, bác sĩ gây mê người Australia, là một trong hai bác sĩ gây mê là thợ lặn hang động chuyên nghiệp trên thế giới, kể lại. "Tôi ngỡ rằng hai đứa trẻ đầu tiên sẽ chết đuối và chúng tôi sẽ phải thử phương án khác. Tôi tưởng cơ hội sống sót của các cháu bằng 0".
Hồng Hạnh (Theo CNN)