Sinh năm 1960 tại bang Florida, Mark DeFriest từ nhỏ sống với bố và mẹ kế. Được bố chỉ bảo và khuyến khích, mới 6 tuổi, DeFriest đã có thể tháo rời và lắp lại những đồ như như đồng hồ và động cơ xe. Nhưng sự nhạy bén với máy móc của DeFriest lại phải đánh đổi bằng chứng bệnh tâm thần tương tự chứng tự kỉ, làm thui chột khả năng giao tiếp xã hội.
Khi bố mất vào năm 1979, DeFriest được di chúc lại cho số dụng cụ máy móc trong xưởng. Không chờ cho di chúc được xử lý theo đúng pháp luật, DeFriest tự lấy dụng cụ ra khỏi xưởng và lập tức bị mẹ kế báo cảnh sát vì hành vi "ăn trộm". Thanh niên 19 tuổi sau đó thỏa thuận nhận tội Ăn trộm vặt, bị phạt bốn năm tù dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ như trẻ tuổi, không rút súng chống trả, và di chúc đã để lại dụng cụ cho DeFriest.
Đầu năm 1981, DeFriest bị chuyển tới bệnh viện vì được cho là có khiếm khuyết tâm thần. Không được bao lâu, thanh niên này mở khóa kho thuốc của bệnh viện và lấy đi 75-100 liều chất gây ảo giác LSD. Số thuốc này được bỏ vào trong lọ café chung của nhân viên.
Đúng như DeFriest dự liệu, nhân viên trong bệnh viện hầu hết đều lên cơn ảo giác sau khi uống café, nhưng kế hoạch tẩu thoát của hắn không thành công vì có người kịp gọi nhân viên an ninh tới bao vây phòng bệnh.
Không chấp nhận, DeFriest tiếp tục lên kế hoạch và trốn được khỏi bệnh viện vào khu đầm lầy nhưng mau chóng bị bắt giữ trở lại. Sau ba lần trốn khỏi trại giam bất thành, kẻ này tự nhổ răng để được đưa đi khám, sau đó dùng khẩu súng tự chế từ ống tuýp thuốc đánh răng và vật dụng trong xưởng gỗ để bỏ trốn. Hành vi đào tẩu của DeFriest chọc giận cán bộ quản ngục nên bị phạt 11 ngày biệt giam.
Trong khi bị biệt giam, DeFriest phải ở trong phòng không có giường, không nước uống, hoặc đèn chiếu sáng. Hắn bị trói tay nhưng vẫn có thể hai lần tự giải thoát. Từ đây, DeFriest được đặt cho biệt hiệu "Houdini trong nhà ngục" vì ảo thuật gia nổi tiếng Harry Houdini cũng từng biểu diễn kỹ năng tự giải thoát khỏi áo trói tay.
Vì muốn thoát khỏi điều kiện sống hà khắc, DeFriest thỏa thuận nhận tội với cáo buộc liên quan tới những vụ vượt ngục và một số lần vi phạm nội quy nhà tù. Lần này, hắn lãnh án chung thân ở tuổi 20.
Để xác định xem DeFriest phải ngồi tù hay bị bắt buộc chữa bệnh, tòa hỏi ý kiến của 5 chuyên gia tâm thần học. Bốn trong 5 chuyên gia đều nhận định DeFriest bị khiếm khuyết tâm lý và cần được chữa trị. Chỉ một chuyên gia cho rằng DeFriest đang giả vờ. Tòa nghe theo ý kiến của chuyên gia thiểu số và buộc DeFriest ngồi tù.
Trở lại sau song sắt, DeFriest thường xuyên gây rối và bị chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác. Một lần ở trại giam hạt Leon, bang Florida, hắn tiếp tục bện ga giường thành dây thừng và tự trèo xuống mặt đất từ buồng giam tầng ba. Đây là giọt nước tràn ly khiến nhà chức trách chuyển DeFriest tới Nhà tù Tiểu bang Florida, cơ sở giam giữ nổi tiếng là hà khắc, phạm nhân nghe thấy tên cũng phải e ngại. Do tính cách khác thường, DeFriest không tham gia vào các băng đảng trong nhà tù nên trở thành mục tiêu bị bắt nạt và đánh đập.
Năm 1986, DeFriest được luật sư John Middleton giúp lật lại bản án chung thân trên căn cứ môi trường biệt giam hà khắc có thể đã khiến thân chủ trẻ tuổi chấp nhận bản án nặng. Nhưng thay vì cải tạo tốt để ra tù sớm, kẻ này vẫn tiếp tục có hành vi ngỗ nghịch để "chơi khăm" cán bộ.
Sau khi chứng kiến bạn tù bị nhóm cán bộ đánh đập tới chết vào năm 1999, DeFriest lên tiếng tố cáo đây là vụ giết người chứ không phải tự sát như báo cáo của cán bộ. Biên bản giải phẫu tử thi có nhiều chi tiết phù hợp lời khai của DeFriest.
Vì lý do an ninh, DeFriest được nhà chức trách di chuyển tới nhà tù ở bang khác. Lúc này, số lượng vi phạm nội quy mà DeFriest đã tích lũy trong hệ thống nhà tù bang Florida đã lên tới 209 vụ. Khi ấy, ngày ra tù dự kiến của hắn vào năm 2085.
Khi án tù của DeFriest ngày càng lớn, số người muốn giúp đỡ ông ta ra tù cũng tăng theo, bao gồm cả Robert Berland, chuyên gia tâm thần học từng nhận định DeFriest giả vờ bị bệnh. Berland cho rằng có dữ liệu rõ ràng cho thấy DeFriest mắc chứng rối loạn tâm thần gây hoang tưởng và chứng rối loạn cảm xúc nặng nhưng vẫn có thể chữa được.
Ron McAndrew, giám thị Nhà tù Tiểu bang Florida trong giai đoạn DeFriest bị giam tại đây, chỉ ra rằng cán bộ quản ngục khi ấy sợ DeFriest nên cố ý "đì" và rất có thể đã ngụy tạo nhiều biên bản vi phạm để "dạy cho bài học".
Một trong những người ủng hộ trung thành nhất của DeFriest là Bonnie DeFriest, người vợ lớn hơn 30 tuổi mà DeFriest đã quen qua thư và kết hôn vào năm 1994 khi cả hai chưa một lần gặp mặt.
Nhiều người ủng hộ chỉ ra rằng căn nguyên của vấn đề là chứng bệnh tâm thần không được chữa trị của DeFriest. Gabriel London, nhà làm phim tài liệu về cuộc đời DeFriest, cũng cho rằng người mắc bệnh tâm thần rất khó thích ứng với cuộc sống trong tù nên thường vi phạm nội quy nhiều hơn. "Mark DeFriest hiểu rõ nguyên lý hoạt động của máy móc nhưng không thể hiểu được thế giới con người", London nhận xét.
Cũng theo luật sư Middleton, người bào chữa miễn phí cho DeFriest trong nhiều năm, thời gian thân chủ phải ngồi tù không tương xứng với tội phạm. Dù có chế vũ khí trong tù, DeFriest chỉ dùng để tự vệ và chưa từng gây ra thương tích cho ai. Hầu hết vi phạm nội quy của DeFriest là do tàng trữ vật cấm, ví dụ như pha chế rượu trong tù.
Nỗ lực vận động của những người ủng hộ đã đạt được thành công nhất định. Sau phiên điều trần vào tháng 12/2014, Ủy ban Xét ân xá bang Florida đã giảm hơn 70 năm trong bản án của DeFriest, động thái chưa từng có tiền lệ.
Ngày ra tù được dự kiến vào tháng 3/2015, nhưng DeFriest vẫn cần phải chấp hành xong một số bản án ở các bang khác. Tới lúc này, DeFriest tổng cộng đã có 13 lần vượt ngục, trong đó 7 lần thành công, theo The New York Times.
Ngày 5/2/2019, DeFriest, lúc này 59 tuổi, được phóng thích dưới chế độ quản chế và được yêu cầu trải qua một năm tư vấn điều trị tâm thần và cai nghiện bắt buộc tại cơ sở y tế. Nhưng sau khi xét nghiệm nước tiểu cho thấy dấu vết ma túy đá, DeFriest bị bắt giữ trở lại vào ngày 15/2/2019. Nhiều khả năng ông ta sẽ phải ở trong tù tới suốt đời.
Quốc Đạt (Theo Florida Weekly, New York Times, Miami Herald)