Căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Hữu Nhuệ, 74 tuổi, trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) treo đầy ảnh thời ông là cựu vận động viên môtô quốc phòng. Trong những tấm ảnh đen trắng lốm đốm vàng, các chàng trai, cô gái Hà Nội trẻ trung ngày ấy dang cả hai tay, hoặc bắn súng với các tư thế đứng, quỳ trên xe máy chạy với tốc độ 30-40 km/h.
Năm 1962, ông Nhuệ làm thợ sắp chữ trong nhà in báo Nhân Dân. Một chiều dạo quanh hồ Gươm thấy thông báo tuyển người cho CLB tàu lượn, nhảy dù của Ban thể dục thể thao Hà Nội, ông đăng ký tham gia.
"Nhiều CLB như nhảy dù, tàu lượn, bắn súng... được thành lập với mục đích lôi cuốn thanh niên hoạt động nâng cao sức khỏe và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc. Lớp trẻ Hà Nội ai cũng hăng hái tham gia. Tôi nộp đơn vào đội tàu lượn, nhảy dù nhưng cuối cùng lại vào lớp môtô, coi như là cái duyên", ông Nhuệ kể lại.
Ảnh: 'Bay' trên môtô hơn 50 năm trước
Những ngày lớp học mới mở, cả CLB có 8 chiếc xe I.J được bên công an và quân đội tặng cho Ban thể dục thể thao, người dân tuyệt nhiên không có. Vậy nên ông Nhuệ cùng đồng môn thuộc lớp thế hệ thanh niên Việt Nam đầu tiên được ngồi trên xe phân khối lớn. Lớp học hơn 50 thành viên học 3 tháng lý thuyết về nguyên lý, cấu tạo nổ của những chiếc xe phân khối lớn như Jawa, I.J, Sidecar, Uzal 3 bánh. Sau đó, họ được thực hành "nguội" từ cách dắt xe, dựng xe...
Vòng cuối cùng, chỉ còn 20 học viên cả nam lẫn nữ đủ điều kiện theo học lớp nâng cao. Đó là những vận động viên đầu tiên của CLB môtô Quốc phòng được thành lập năm 1962. Dưới sự dẫn dắt của thầy Lê Văn Lẫm, họ đã tập và gây dựng nhiều tiết mục chưa từng thấy ở Việt Nam thời bấy giờ. Nhắc đến thầy Lẫm với lòng kính trọng, ông Nhuệ cho rằng đó là người thầy nhiệt tình, đầy bản lĩnh và rất tâm huyết.
"Thành viên chủ yếu là công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội, cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy dệt 8/3... Ngày thường, chúng tôi tham gia lao động sản xuất. Riêng chiều thứ năm và sáng chủ nhật hàng tuần, cả đội tập trung tại sân Quần Ngựa để tập", cựu vận động viên cho hay.
Trong quá trình luyện tập, những bài tập đứng bắn, quỳ bắn trên yên xe, nhạn đơn, nhạn kép, nhạn ghi-đông, kênh thuyền tháo bánh... biểu diễn trong các kỳ đại hội thể thao đều do thành viên tự nghĩ ra. CLB còn có hẳn ban nghiên cứu động tác mới, ông Nhuệ nằm trong số đó.
Ban nghiên cứu động tác phải nghĩ ra bài tập phù hợp tình hình chiến tranh, mỗi vận động viên có thể trở thành chiến sĩ. Động tác quỳ bắn, đứng bắn, tránh đạn... ra đời. Vì vậy, ngoài vận động viên không chuyên, CLB còn đào tạo nhiều thanh niên công nhân là dân quân tự vệ của các nhà máy, xí nghiệp để họ biết sử dụng xe máy, môtô khi cần thiết.
Ông Nhuệ không giấu nổi vẻ tự hào: "Chúng tôi làm xiếc trên những chiếc môtô đang chạy bằng cách đứng ở yên xe, dang hai tay, nhoài người về trước, ngả người về sau giống như con nhạn đang bay. Hoặc vừa lái xe, vừa thực hiện động tác kênh thuyền tháo bánh, thay lốp khi xe vẫn đang lao về phía trước. Để làm được điều đó, tay ga của xe đều có vít điều chỉnh để cố định vị trí tay ga, giữ cho xe chạy ổn định với vận tốc 30-40 km/h".
Sân Quần Ngựa ngày ấy rải xỉ than, đầy ụ đất nổi đã ghi dấu không ít tai nạn của các vận động viên môtô. Thậm chí, có vết thương đi theo họ suốt cuộc đời. Có người bị ngã mài mặt xuống sân than, mấy chục năm trời mà má vẫn sạm đen. Ngày đó hiếm người mặc váy, nếu không các cô gái lái môtô sẽ rất tủi thân vì chân toàn vết sẹo bỏng bô.
Ông Nhuệ kể về cô gái tên Khanh bị ngã khỏi xe, gãy mất bốn cái răng khi thực hiện động tác nhạn trên yên. "Anh em vội đưa cô ấy vào viện, khi bác sĩ hỏi đến răng thì chúng tôi mới sực nhớ và quay lại tìm. Đưa đủ bốn cái mang đến thì bác sĩ bảo chờ lâu quá nên lắp răng giả vào rồi. Ra viện, cô ấy lại lao vào tập như chưa có chuyện gì xảy ra", ông nhớ lại.
Thời đó, các cô gái Hà thành nổi tiếng yểu điệu thục nữ, nghe tiếng xe máy nổ giòn tan là mê tít. Vượt qua sự ngăn cấm của gia đình, nhiều cô tham gia tập luyện. Các cô chân yếu tay mềm, buông cả hai tay, ôm súng trường lướt trên những chiếc xe phân khối lớn khiến cánh đàn ông chỉ dám đứng nhìn. Có người trầm trồ khen ngợi, có người lắc đầu vì sợ hãi.
Ông Nhuệ nhớ như in buổi biểu diễn đầu tiên của CLB trong Đại hội Thể dục thể thao khai mạc ngày 4/1/1964 tại Nam Định. Họ trình diễn tất cả động tác được học trong những ngày tập luyện gian khó trong tiếng reo hò của người xem. Kết thúc, thầy Lẫm đứng dang tay trên yên xe không người lái, dẫn đầu cùng đoàn xe của học trò theo sau dạo vòng quanh sân để vẫy chào khán giả.
Những năm sau, họ đi khắp các tỉnh miền Bắc biểu diễn mỗi khi có sự kiện thể dục thể thao. Đồng bào dân tộc ở Lạng Sơn luôn miệng kêu lên "A lúi" biểu thị sự ngạc nhiên, thích thú tột cùng khi chứng kiến họ thả hai tay đi trên những chiếc xe môtô.
"Những lần biểu diễn, chúng tôi phải mượn phương tiện của Ban thể dục thể thao, mũ bảo hiểm mượn của đội nhảy dù, tàu lượn, không có huy chương, thành tích nhưng vẫn say mê cống hiến nhờ vào sự cổ vũ của khán giả", ông Nhuệ kể và cho hay có lần đang biểu diễn, chiếc xe bị chệch hướng, xe đổ, người cũng ngã nhào theo. Nhưng rồi ông lấy lại được bình tĩnh, vội vàng cầm tay lái và nhảy lên yên xe, biểu diễn tiếp trong tiếng reo hò của người dân đứng xem.
Đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến ác liệt, nhà máy, xí nghiệp sơ tán khỏi Hà Nội, các cuộc vui không còn được tổ chức. Sân Quần Ngựa mọc lên lều bạt, ụ pháo phòng không, một phần sân bãi còn biến thành kho lưu động để sơ tán lương thực. Vận động viên bám sản xuất, sơ tán cùng nhà máy, xe môtô thì phục vụ nối liền thông tin liên lạc cho quân sự.
Kháng chiến thành công thì lớp học xưa mỗi người mỗi ngả. Những con chiến mã một thời đã thành đống sắt vụn. Thầy Lẫm trở về Nam đoàn tụ với gia đình. Bộ môn môtô tốc độ cao, cảm giác mạnh với những động tác khó làm biến mất từ đó.
Những thành viên của CLB năm xưa giờ đã thành ông, thành bà, có người mãi mãi đi xa. Những người còn lại hàng năm vẫn tụ họp để hàn huyên chuyện cũ. "Chúng tôi đều tiếc nuối và mong muốn khôi phục lại bộ môn thể thao có sức quyến rũ một thời nhưng chắc là rất khó", ông Nhuệ trăn trở.
Hoàng Phương