Wang không hỏi về mức lương hay công việc. Anh thành thạo rút chứng minh thư, đưa cho người môi giới để có một công việc trong ngày.
Hôm đó Wang trở thành người bốc xếp hàng hóa cho một công ty logistics với mức lương 3,29 USD mỗi giờ. Hai tuần trước Tết Nguyên đán, anh còn rất ít lựa chọn.
"Bình thường mức lương không cao như vậy", anh nói. "Tôi phải tranh thủ lúc họ không có nhiều công nhân". Wang mặc áo nỉ mỏng, liên tục dậm chân xuống đất để chống lại cái lạnh cắt da thịt.
Wang chỉ học hết cấp hai, rời quê năm 18 tuổi và gia nhập vào nhóm lao động tự do, chật vật kiếm ăn từng ngày.
Họ là những người không có nghề ổn định, làm các công việc tạm thời khác nhau, làm hoặc nghỉ tùy ý và tập trung ở vùng ngoại ô các thành phố lớn.
Sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, hơn 100 triệu lao động nhập cư đổ về thành phố khiến những người không có việc trong nhà máy, công trường dần bị đẩy vào nền kinh tế tự do.
Đáng lo ngại, nhóm lao động này ngày càng đông hơn kể từ sau Covid-19 và suy thoái kinh tế của Trung Quốc.

Những người tìm việc bên ngoài một công ty môi giới lao động ở Thượng Hải. Ảnh: Think China
Trung Quốc chưa có dữ liệu chính thức hay nghiên cứu nào xác định số lượng lao động tự do, nhận lương theo ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia xã hội học ước tính rằng trong 200 triệu lao động linh hoạt, trừ những người làm trong các ngành nghề mới và tự kinh doanh, có khoảng 20 triệu người làm việc thời vụ.
Họ tập trung ở vùng ngoại ô của bốn thành phố lớn nhất là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.
Ở Thượng Hải, chợ lao động lương ngày tập trung ở thị trấn Chedun, cách trung tâm 40 km. Khu vực là trung tâm công nghiệp lớn với hơn 1.200 doanh nghiệp sản xuất, tạo ra nhiều việc làm và thu hút lao động nhập cư.
Dân số của Chedun chưa đến 20.000 người nhưng số người thường trú đã tăng lên 120.000 người, theo Tổng điều tra dân số lần thứ 7 của Trung Quốc.
Trục đường chính của Chedun có hơn 100 công ty môi giới lao động, họ thường tuyển hai lần mỗi ngày, cung cấp nhân công cho các doanh nghiệp toàn Thượng Hải.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, lao động lương ngày của Trung Quốc thường là người nông thôn, trình độ thấp và 80% là nam giới. Tuy nhiên, tệp này đang ghi nhận sự gia tăng của lao động dưới 45 tuổi, chỉ dấu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc ngày càng khó khăn.
Yang, 30 tuổi, quê ở Hồ Nam, có bằng cao đẳng nghề, hiện là nhân viên vận hành máy tính nhưng tranh thủ nhận việc theo ngày lúc rảnh để tăng thu nhập.
Với một số người, công việc tự do giúp tăng thu nhập, nhưng với người khác, đó là kế sinh nhai bắt buộc.
Chen Jun, 28 tuổi, làm việc tự do chưa đầy một tháng. Anh mang kính gọng đen, vẻ ngoài gầy gò và lạc lõng giữa môi trường xung quanh. Anh tốt nghiệp ngành thương mại điện tử, từng làm các công việc bán hàng, vận hành và dịch vụ khách hàng ở Thẩm Quyến.
Năm 2021, Chen làm việc ở một nhà kho nhưng công việc quá nặng nhọc nên chuyển đến Tùng Giang, Thượng Hải, thuê phòng giá 98 USD mỗi tháng và gia nhập nhóm lao động lương ngày. Vào ngày phỏng vấn, anh trở thành công nhân đóng gói quần áo, kiếm 3 USD mỗi giờ.
Tuy nhiên, lao động tự do không dễ dàng, giờ giấc bấp bênh. Mỗi ngày, Chen mất 5-6 tiếng chỉ để tìm việc, chờ đợi và di chuyển. Nhiều hôm, anh rời nhà lúc 7h sáng và không trở về cho đến sau 23h.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không phải là sự vất vả mà là không thể tiết kiệm tiền. Anh tính toán rằng trung bình mỗi ngày anh kiếm được 21 USD. Sau khi trừ tiền thuê nhà, ăn uống, thuốc lá và giải trí, anh chỉ còn dư 7 USD.
Lương của người làm ngày đang giảm. Đầu năm nay, những công việc nặng nhọc hoặc ca đêm mới có mức lương 42 USD một ngày trong khi hầu hết công việc khác đã giảm 20% chỉ còn khoảng 31 USD.
Dù vậy, người lao động vẫn phải làm hơn 10 giờ để đạt mức lương này, tương đương chưa đến 3 USD mỗi giờ, thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ của Thượng Hải là 3,40 USD.
Đầu năm nay, nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc tăng lương tối thiểu nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến lao động tự do vì lương của họ phụ thuộc vào thị trường.
Lương theo ngày cũng thay đổi theo mùa. Mỗi mùa hè, khi học sinh trung học và sinh viên đại học tham gia thị trường lao động tự do, mức lương giảm xuống thấp nhất trong năm, chỉ còn 2,4–2,5 USD một giờ.

Người thất nghiệp ngủ bên ngoài ga xe lửa ở Thượng Hải. Ảnh: Think China
Zhao Litao, chuyên gia ở Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc và sự di dời chuỗi công nghiệp đã tác động mạnh đến lao động thành thị.
Trước đây, Trung Quốc là "công xưởng thế giới" tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, khi các nhà máy chuyển ra nước ngoài, cơ hội việc làm biến mất, buộc lao động nhập cư phải tìm kiếm sinh kế mới.
Độ tuổi trung bình của lao động nhập cư ngày càng cao, khiến họ khó chuyển đổi nghề nghiệp. Nhiều người phải rời nhà máy, chuyển sang xây dựng, bảo vệ, vệ sinh và cuối cùng là lao động tự do.
Trong khi đó, giới trẻ có trình độ cao ban đầu không muốn làm việc tạm thời nhưng do cơ hội thăng tiến giảm, họ đã tham gia thị trường lao động tự do, cạnh tranh với lao động nhập cư lớn tuổi.
Để hỗ trợ nhóm này, chính quyền Trung Quốc đã lập các thị trường việc làm tự do được nhà nước điều hành, cung cấp thông tin và cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nguồn lực có hạn, chỉ một số ít người được hưởng lợi.
Chuyên gia Zhang Chenggang nhấn mạnh rằng dù chính phủ có vai trò hỗ trợ, nhưng giải pháp cốt lõi vẫn là tăng trưởng kinh tế để tạo thêm việc làm.
Ngọc Ngân (Theo Think China)