Lần đầu tiên tôi theo anh về Hà Tĩnh. Về với mảnh đất gió Lào, cát trắng, với điệu ví dặm thân thương mà xúc động lòng người. Ở nơi đây, tôi đã gặp những con người giản dị, nhưng chân thành, gặp tình người, tình quê hồn hậu, tôi đã được ngắm cảnh đẹp quê anh, một làng quê nghèo ẩn mình sau lũy tre làng, và... tôi đã được nhìn đôi bàn tay của mẹ anh. Đôi bàn tay nhăn nheo, thô ráp, đôi bàn tay đầy những vết chai sần, đen đúa... Nhưng nhờ đôi bàn tay ấy, 5 chị em anh đã lớn lên, được ăn học nên người. Cho đến ngày hôm nay, đôi bàn tay ấy vẫn chưa hề được nghỉ ngơi bởi những lo toan bộn bề của cuộc sống đời thường.
Về quê anh trời mưa tầm tã, đường quê trơn trượt. Dù đã có chiếc áo mưa che chắn, nhưng nước mưa vẫn thấm đẫm trên người hai đứa. Chúng tôi chạy vội vào nhà mà những giọt nước mưa vẫn chảy tong tong trên tóc. Mẹ vội vàng lấy khăn đưa cho hai đứa lau. Nhận khăn từ mẹ, tôi sững sờ khi nhìn thấy đôi tay. Đôi bàn tay xương xương, nhăn nhúm, đầy những vết chai sần bởi những tháng năm tần tảo lo toan cho miếng cơm, manh áo cho cả gia đình.
Những ngày ở đây, tôi đã được anh đưa đi chơi, được anh giới thiệu những món ăn ngon và được nghe anh kể chuyện về mẹ, về những nỗi vất vả của mẹ anh khi phải nuôi 5 chị em anh khôn lớn. Ba anh là thương binh, đau yếu liên miên. Gánh nặng gia đình đặt trên đôi vai mẹ. Mẹ vừa phải quần quật ngoài đồng, vừa phải đảm đang chăm sóc gia đình. Đôi bàn tay vừa mới tất tả gặt lúa ngoài đồng, đã phải vội vàng về lo cơm nước cho chồng con. Đôi bàn tay vừa kịp bán mớ rau buổi sáng, đã vội lo về nhà kiếm rau lo buổi chợ chiều.
5 đứa con thơ lần lượt ra đời, 5 lần mẹ mang nặng đẻ đau, 5 lần gánh nặng lo toan nhân lên gấp bội. Đôi bàn tay nào đã phải ra đồng mót từng bông lúa. Đôi bàn tay nào đã phải chạy sang nhà hàng xóm vay từng bát gạo về cho các con ăn. Đôi bàn tay nào đã phải chạy vạy khắp nơi, đi vay từng đồng tiền để lo cho chồng đi viện mỗi khi vết thương tái phát, lo cho các con tiền nộp học phí khi đến trường... Đó là đôi bàn tay của mẹ. Thế nên, mẹ làm gì có thời gian để chăm chút cho đôi bàn tay của mình, tay mẹ làm sao trắng trẻo, làm sao mịn màng như nhiều đôi bàn tay khác.
Những tháng ngày ấy giờ đã xa, 5 người con của mẹ giờ đã khôn lớn, đã trưởng thành. Thế nhưng, bàn tay mẹ đâu đã được nghỉ ngơi. Cuộc hôn nhân của chị cả không như mong muốn. Bồng bế 3 đứa con trở về nhà ngoại, chị đành nương nhờ vào tình yêu thương và sự bao dung của mẹ cha. Thôi thì “con dại, cái mang”. Mẹ lại nhận nuôi 3 đứa cháu ngoại để mẹ chúng đi làm ăn xa lấy tiền mà gửi về nhà nuôi chúng. 3 đứa trẻ nhỏ đang tuổi ăn, tuổi chơi lớn lên nhờ đôi tay của bà ngoại. Lại một lần nữa, mẹ phải vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo chăm sóc cháu nhỏ. Bàn tay mẹ lần nữa lo bế ẵm, lo giặt giũ, lo ăn uống cho đàn cháu. Bàn tay mẹ lần nữa ôm chúng ngủ mỗi khi thiếu hơi mẹ. Và lần nữa, tay mẹ phải gồng lên chống chọi với những khó khăn, vất vả của cuộc đời.
Rời Hà Tĩnh, trời không còn mưa như hôm tôi về đây. Mảnh đất này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm quá đẹp. Đẹp ở nét mộc mạc, chân quê mà không phải làng quê Việt nào cũng còn giữ được, đẹp ở những món ăn dân dã, nhưng đậm đà phong vị quê hương và cái đẹp làm tôi ấn tượng hơn bao giờ hết là tình người nơi đây, chân thành, sâu nặng và hồn hậu.
Hình ảnh về đôi bàn tay của mẹ anh thật sự làm tôi nhớ mãi. Một đôi bàn tay không hề đẹp, nhưng lại “đẹp” hơn bao giờ hết. Đó là cái đẹp của tình yêu thương, là cái đẹp của sự bao dung, là cái đẹp phải được cảm nhận bằng trái tim chứ không phải bằng đôi mắt.
Ngô Mai Nga
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây. |