Sáng 3/2, những xe cứu hoả chặn trước Công ty sản xuất điện trở đốt nóng Việt Sinh, phường Tân Tạo A, đã được Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITACO, quản lý khu công nghiệp Tân Tạo) điều đi, nhưng vẫn giữ barie bao quanh trước cổng. Nhóm bảo vệ của ITACO túc trực phía trước, hạn chế người ra vào công ty. Gần một tháng qua, nhà máy bị công ty quản lý khu công nghiệp đưa xe cứu hoả chặn hai lối vào, rào barie để đòi nợ phí thuê hạ tầng.
Một lãnh đạo UBND phường Tân Tạo A cho biết, việc làm của ITACO không đúng, ảnh hưởng an ninh trật tự. Phường đã yêu cầu đơn vị này dời xe cứu hoả và cần tháo dỡ barie để giải toả. "Tranh chấp dân sự thì hai công ty phải ngồi lại thoả thuận chứ không được gây áp lực đòi nợ kiểu này", lãnh đạo phường này nói và cho biết sự việc đã được báo lên quận, thành phố.
Phó chủ tịch quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu nói sáng nay đại diện một số phòng ban, công an đã xuống khu vực Công ty Việt Sinh để đảm bảo an ninh trật tự, cùng với doanh nghiệp ổn định tình hình. "Khu công nghiệp này do Hepza quản lý, nhưng quận cũng có trách nhiệm, không để việc này ảnh hưởng hình ảnh thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp", bà nói.
Tối 3/2, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó tổng giám đốc ITACO, cho biết đối với phí duy tu, tái tạo hạ tầng doanh nghiệp chỉ là đơn vị thu hộ và tiền này nộp vào một tài khoản độc lập với tài khoản doanh nghiệp. Phí duy tu có hai phần: 10% trích về cho Hepza để sử dụng cho mục đích giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp, 90% còn lại được dùng vào các mục đích như tái tạo đường sá; xử lý hệ thống nước thải; chăm sóc, trồng mới cây xanh; chi phí bảo vệ an ninh trật tự... Kế hoạch sử dụng phí này phải chịu sự kiểm soát từ Hepza.
Khu công nghiệp Tân Tạo được lập năm 1996, rộng 442 ha, có khoảng 280 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có chừng 20 doanh nghiệp chưa đóng đầy đủ phí duy tu trong đó có Công ty Việt Sinh từ năm 2009 đến bây giờ chỉ đóng phí duy tu một vài đợt không đáng kể. "Một doanh nghiệp không đóng phí nhưng vẫn dùng hạ tầng là không công bằng với các nhà đầu tư khác", ông Phong nói
Theo ông Phong, nếu Việt Sinh có thiện chí đóng phí, ITACO sẵn sàng xem xét giảm lãi chậm thanh toán. Cụ thể, với khoản nợ phí duy tu hơn một tỷ đồng (gốc lẫn lãi) và nợ tiền thuế giá trị gia tăng 492 triệu đồng, chậm nhất hết ngày 10/2, Việt Sinh cần thanh toán 50% nợ gốc và đến hết ngày 2/3 cần thanh toán số tiền còn lại.
Lãnh đạo ITACO giải thích thêm giá trị hợp đồng thuê lại đất là chưa bao gồm thuế VAT. Sau khi thu tiền thuê đất, Công ty Tân Tạo đã xuất hóa đơn nhưng Công ty Việt Sinh không nộp thuế. Ngoài ra, do một số vướng mắc về cách tính thuế với cơ quan thuế nên dẫn đến sự chậm trễ trong việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Việt Sinh.
"Ngày mai Tân Tạo sẽ dỡ bỏ toàn bộ barier để một lần nữa thể hiện thiện chí đối thoại với doanh nghiệp nhằm giải quyết xong vấn đề", ông Phong nói.
Tháng 10 năm ngoái, ITACO dùng xe cứu hỏa của doanh nghiệp chặn cổng Công ty TNHH Tashuan, sản xuất nhựa tổng hợp, cũng đóng ở khu công nghiệp này. Nguyên nhân bắt đầu từ việc nhà máy nợ hơn một tỷ đồng tiền chi phí hạ tầng. Phía Tashuan cho biết, lúc đó doanh nghiệp gặp một số khó khăn tài chính nên việc chặn cổng khiến nhà máy lao đao. Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) đã đề nghị ITACO hỗ trợ. Công ty Tashuan đã trả số tiền này cho ITACO.
Theo luật sư Đỗ Quốc Huy (Đoàn luật sư TP HCM), việc ITACO dùng xe cứu hỏa chắn lối đi của doanh nghiệp suốt thời gian dài có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể, Nghị định 136 cho phép công ty quản lý khu công nghiệp được trang bị xe cứu hỏa, nhưng chỉ được điều động với mục đích chữa cháy. Việc công ty đưa xe cứu hỏa chắn lối đi của doanh nghiệp khác nhằm tạo áp lực để đòi nợ là không phù hợp quy định pháp luật. Chưa kể, Điều 10 Luật Phòng cháy, chữa cháy cấm lợi dụng việc phòng chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của tổ chức và cá nhân; cản trở lối thoát nạn...
Nhóm phóng viên