Cách đây 70 năm, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới, thua kém cả những quốc gia châu Phi cận Sahara. Đến thế kỷ 21, Hàn Quốc lại trở thành một trong những nước giàu có nhất, hiện đại nhất. Theo nhà báo Euny Hong, tác giả cuốn The Power of Nunchi: The Korean Secret to Happiness and Success, tất cả là nhờ văn hóa ứng xử nunchi.
Nunchi, trong tiếng Hàn có nghĩa "đo bằng mắt", là nghệ thuật đoán biết những gì người khác suy nghĩ và cảm nhận để phản ứng một cách thích hợp. Nunchi nhấn mạnh tính tập thể chứ không tập trung vào cá nhân.
"Phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân còn nunchi dường như ủng hộ điều ngược lại", Euny Hong cho biết. "Thế nhưng, phát triển nunchi không phải là trở thành một kẻ nhu nhược. Bạn chỉ tận dụng những dữ liệu mình có để đem đến sự thoải mái cho bản thân và người khác".

Ảnh: Shutterstock.
Người có nunchi biết quan sát xung quanh một cách yên lặng, chú ý mọi biểu hiện ở đối phương để điều chỉnh phản ứng của bản thân. Thực tế, giao tiếp không chỉ thông qua ngôn ngữ. "Những người quá quan tâm đến ngôn từ chỉ nắm được một nửa câu chuyện", Hong nhận định. Đặc biệt, trong các tình huống khó nói hoặc không thể diễn đạt hết bằng lời, nunchi chính là đồng minh của bạn.
Để có nunchi, bạn cần đôi mắt, đôi tai và phần khó nhất: cái tâm tĩnh lặng. Nunchi cho phép bạn lắng nghe người khác mà vẫn giữ vững lập trường của mình. Văn hóa ứng xử này cũng giúp bạn lựa chọn đúng đối tác trong kinh doanh và đời sống hôn nhân, tỏa sáng ở cơ quan, tránh khỏi những kẻ xấu và giảm bớt lo âu xã hội.
Các bố mẹ Hàn Quốc dạy con nunchi từ sớm vì tin rằng thói quen hình thành năm 3 tuổi sẽ kéo dài tới năm 80 tuổi. Họ truyền tải văn hóa nunchi qua những câu nói như "hãy nhìn cả hai bên khi sang đường", "đừng đánh em gái con" và cho trẻ thấy mọi thứ không chỉ xoay quanh chúng.
Lấy ví dụ một người mẹ cùng con trai 4 tuổi xếp hàng chờ vào mua đồ ăn. Đợi lâu, đứa trẻ than phiền: "Chúng ta sẽ ở đây mãi mãi mất. Con đói lắm rồi".
Người mẹ Hàn Quốc sẽ không dỗ: "Ôi khổ thân con, mẹ xin lỗi. Đây, mẹ cho con ít nho, con ăn tạm đi". Thay vào đó, cô ấy nói: "Con hãy nhìn kìa, mọi người cũng đang xếp hàng chờ giống con. Liệu có phải chỉ mình con đói bụng không".
Một ví dụ khác là trường học Hàn Quốc không thuê lao công. Học sinh thay nhau dọn dẹp trường học nên hình thành trách nhiệm giữ vệ sinh chung, để cả bản thân lẫn người khác không phải tốn thời gian dọn dẹp.
Ở quy mô lớn hơn, Hàn Quốc thực hành văn hóa nunchi trong kinh tế. Họ quan sát, nhận biết nhu cầu các nước khác và tìm cách đáp ứng.
Một số người sinh ra đã có nunchi, một số người phải học để có. Hong, sống ở Mỹ từ nhỏ, đến năm 12 tuổi mới về quê hương Hàn Quốc. Dù chỉ biết nói tiếng Anh, cô vẫn học ở trường công bình thường. "Để thành công, tôi phải cố gắng phát triển nunchi của mình", nữ nhà báo tiết lộ.
"Hồi đó, chúng tôi không được hỏi gì trong lớp. Giáo viên chỉ đưa chút thông tin, còn lại học sinh tự giải quyết", Hong kể. "Nhờ vậy, tôi học được nguyên tắc chính của nunchi: Nếu kiên nhẫn quan sát, những câu hỏi của bạn sẽ được giải đáp mà chẳng cần nói ra".
Chỉ hơn một năm sau khi đến Hàn Quốc, Hong đứng đầu lớp, đoạt giải toán và vật lý. Trong vòng 18 tháng, cô trở thành lớp phó dù tiếng Hàn vẫn còn kém.
"Tôi chính là bằng chứng sống của việc bạn không cần thông minh nhất, giàu nhất để thành công và hạnh phúc. Bạn chỉ cần nunchi mà thôi", Hong đúc kết.
Minh Trang (Theo CNBC)