Một nghiên cứu của Pew Research vào tháng 7/2022 cho thấy, 69% người Mỹ trưởng thành cho biết họ đã kết hôn, trong khi 22% chưa bao giờ kết hôn.
Tổ chức Gallup đã khảo sát hơn 2,6 triệu người trưởng thành trong khoảng từ năm 2008-2023 để xem xét mối tương quan giữa tình trạng hôn nhân và hạnh phúc. Sử dụng thang Cantril - thước đo mức độ hạnh phúc chủ quan - các nhà nghiên cứu đã đánh giá mức độ hài lòng về cuộc sống hiện tại và dự đoán trong tương lai của người tham gia.
Kết quả cho thấy, những người đã kết hôn, đặc biệt là những người từ 25-50 tuổi, có mức độ hạnh phúc cao hơn so với những người độc thân, bất kể chủng tộc, tuổi tác và giới tính.
Mối liên hệ giữa hạnh phúc và hôn nhân có thể mở rộng ra toàn bộ cộng đồng. Nghiên cứu cho thấy những người ở đô thị có tỷ lệ kết hôn cao hơn và hạnh phúc hơn.
Liệu có thể kết luận rằng kết hôn sẽ khiến mọi người hạnh phúc hơn? Câu trả lời là "không hoàn toàn chính xác".
Trong số mới nhất của tạp chí Family Relations, nhà tâm lý Nicole Watkins và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu xem xét tầm quan trọng của các mối quan hệ lãng mạn dựa trên khảo sát hơn 900 người trưởng thành 18-35 tuổi.
Nghiên cứu đo lường ba chỉ số về hạnh phúc gồm sự hài lòng về cuộc sống trong tình yêu, sự hài lòng nói chung và sự thăng hoa, vì cả ba yếu tố đều góp phần tạo nên hạnh phúc.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy về tổng thể, những thanh niên độc thân có mức độ hạnh phúc thấp hơn so với người có bạn đời. Nhưng trong số độc thân, người không coi trọng mối quan hệ lãng mạn sẽ có chỉ số hạnh phúc cao hơn và ngang bằng những người đã kết hôn.
Nói cách khác, áp lực "phải có một mối quan hệ lãng mạn" có thể phản tác dụng khiến cuộc sống của một người trở nên tồi tệ hơn.
Chuyên gia cho rằng điều quan trọng là cha mẹ, người thân hay thậm chí bạn bè phải hiểu được mục tiêu và ưu tiên của thanh niên trong cuộc sống của họ, thay vì áp đặt những mong muốn của mình. Nên giúp họ đầu tư thời gian vào việc theo đuổi những mục tiêu có ý nghĩa như khát vọng học tập, nghề nghiệp, thể thao, xây dựng nhân cách.
Thùy Linh (Theo 22News, Psychology Today)