Anh Vân -
Vốn là một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết, từ thời sinh viên bà đã có hai thói quen đi liền với sự yêu thích: xem các bộ phim kinh điển và đến thư viện đọc sách.
Bà thích đọc loại sách phân tích tổng hợp về văn minh văn hóa thế giới, hoặc những sách đưa ra các chủ thuyết và lập luận rõ ràng. Chính kiến thức tích lũy từ sách vở giúp ích rất nhiều cho bà trong học tập và công việc. Trong những chuyến công tác, túi hành lý của bà thế nào cũng có vài cuốn sách để đọc.
![]() |
Rất đông bạn đọc đã đến với tọa đàm về văn hóa đọc. |
Dù khẳng định mình còn theo "phái cổ điển", nghĩa là thích nâng niu cuốn sách thật trên tay, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, thời buổi hôm nay, đọc bằng phương tiện nào là không phải là vấn đề, điều cốt yếu là hiểu được tầm quan trọng của thứ mình đang đọc.
"Đọc sách nằm trong mối quan hệ với đọc báo. Nhưng cần phân biệt đọc sách khác với đọc một mẩu tin, khác với lướt web. Có nhiều cách, nhiều chiều khác nhau để tiếp cận văn hóa mà đọc sách là cách tiếp cận lâu dài và có chiều sâu nhất. Nhưng nếu lướt web mà biết lựa chọn tác phẩm đáng đọc như của Shakespeare chẳng hạn, thì cũng tốt. Với tôi đọc sách là hành trình của trí tuệ và tâm hồn. Nếu tư duy sống của ta dễ dàng thì khó mà đến với sách. Những ai thích dày công, khổ luyện mới tìm đến sách", bà Ninh nói.
Lời phát biểu mở màn tọa đàm của nhà nữ ngoại giao nhận được sự đồng tình từ nhiều cử tọa. Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, điều quan trọng nhất với người đọc là họ cần biết rõ mục đích việc đọc của mình, để từ đó tiếp cận với "trận địa sách" được hiệu quả hơn.
![]() |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh tại hội thảo. |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh kể, trong một lần dự hội thảo tại Hawaii (Mỹ) về an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bà có phát biểu rằng, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, Mỹ đã quên Nga là ai trong lịch sử văn hóa của thế giới. "Nước Nga đã đánh bại Napoleon, và được các nước khác ủng hộ vì nước Nga có những tên tuổi như Dostoievski và Tchekov... Đó là các nhân tố văn hóa cực kỳ quan trọng tạo nên sức mạnh của dân tộc". Câu chuyện của bà Ninh là một dẫn chứng về tầm quan trọng của văn hóa đọc, không chỉ đối với một cá nhân mà với cả dân tộc.
Minh họa cho câu chuyện kể của bà, ông Antonio Berebguer, một đại diện đến từ phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, kể thêm một chuyện khá thú vị về chuyến công tác đến vùng sa mạc Mông Cổ khi ông còn trẻ. "Giữa sa mạc hoang vắng, trong căn lều trú của người Mông Cổ, ngay ở vị trí trang trọng nhất tôi thấy họ dành để những kệ sách. Hình ảnh này mãi ám ảnh tôi về cách tiếp thu tri thức qua thói quen đọc sách và cách lưu giữ văn hóa của họ".
Vị đại diện của phái đoàn Châu Âu lấy làm tiếc khi ông thấy trong nhiều gia đình tại Việt Nam, chiếc tivi là vật dụng được thấy nhiều nhất, thay vì những kệ sách. Ông Antonio nêu ra vài số liệu mà ông sưu tầm cho thấy, khi xem tivi hay lướt web, mức độ hấp thụ thông tin của người tiếp nhận chỉ đạt khoảng 24 % so với khi nghiền ngẫm một cuốn sách.
Chủ đề của cuộc tọa đàm là "Đọc: Thói quen hay văn hóa?", nhưng các diễn giả và người tham dự không sa đà vào tìm câu trả lời cho câu hỏi. Dường như mọi người ngầm hiểu với nhau, đối với việc đọc, "thói quen" hay "văn hóa" là một sự liên kết liên hoàn, hết sức chặt chẽ. GS - TS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, mượn tạm câu danh ngôn nổi tiếng của người Nga để nói về điều này: "Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận". Muốn tạo dựng được một xã hội đọc sách, một nền văn hóa đọc thì cần phải bắt đầu từ thói quen của từng cá nhân. Nhưng ngược lại, để cá nhân có được thói quen tốt này còn cần sự "tiếp sức" từ xã hội.
Không ít bạn trẻ có mặt tại buổi tọa đàm tán đồng với ý kiến này bằng nhiều dẫn chứng về thực trạng: Xã hội Việt Nam chưa đồng hành và thúc đẩy cá nhân đến với sách. Bạn Thanh Vân, một sinh viên vừa mới ra trường cho biết, thư viện đại học chưa làm hết chức năng khi quá thiếu sách, và sách hay thì lại quá ít, khó lòng mà cả nghìn sinh viên có thể luân phiên chia sẻ với nhau.
"Thậm chí sách giáo khoa của NXB Giáo dục đang lưu hành hiện nay cũng có những lỗi sai trầm trọng về kiến thức, chứ đừng cứ nghĩ sách giáo khoa là đúng hoàn toàn", nhà văn Nguyễn Q. Thắng bức xúc. Giá sách đắt. Sách làm ẩu. Sách phát hành biên tập không kỹ, sai be bét về lỗi chính tả lẫn kiến thức... là những điều khiến người đọc chán nản khi đến với sách.
Dịch giả, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nêu vài việc cần làm ngay nhằm "tiếp sức" cho nền văn hóa đọc trong nước: + Chỉ mới nói riêng về lĩnh vực xã hội và nhân văn, người học và người nghiên cứu Việt Nam cần phải được tiếp cận nhanh hơn nữa, vì hiện nay thế giới di chuyển rất nhanh, nhưng ngược lại chúng ta tiếp cận hết sức chậm. |
* Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ hoạt động ' Những ngày Châu Âu lần 5' tại Việt Nam, do Phái đoàn Châu Âu và Viện Goethe, công ty Sách phương Nam và NXB Tri Thức phối hợp tổ chức.