Bữa ăn của trẻ mầm non tại trường cũng phải nộp thuế. Ảnh: T.C. |
Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, đại diện Mầm non tư thục Hoa Mai, quận 5, việc tổ chức bữa ăn tại trường nhằm bổ trợ, hoàn thiện công tác nuôi dạy, chăm sóc trẻ của ngành giáo dục, không phải là một dịch vụ kinh doanh ăn uống.
"Tôi thấy không công bằng khi đánh thuế tiền ăn của học sinh. Bữa ăn người lớn còn không phải nộp thuế, sao đánh thuế bữa ăn của trẻ", ông Dũng nói.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, học sinh tại các mầm non tư thục đa số là con em gia đình lao động, kinh tế khó khăn, nên trường khó thu tiền ăn cao. Giá suất ăn của trẻ tại nhiều mầm non tư thục tại TP HCM hiện khoảng 8.000 -12.000 đồng, mới đáp ứng chừng 50% nhu cầu năng lượng cho trẻ.
"Nếu đánh thuế trên tiền ăn, buộc các trường phải tăng mức thu hoặc cắt bớt khẩu phần của trẻ để cân đối. Chất lượng bữa ăn sẽ giảm xuống, chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ", bà Thanh phân tích.
Hầu hết đại biểu cho rằng không nên đánh thuế tiền ăn của trẻ mầm non và cấp ngành chức năng cần kiến nghị Nhà nước xem xét bãi bỏ khoản thuế này.
Theo thống kê của Cục thuế TP HCM, thành phố có 278 cơ sở mầm non ngoài công lập đang hoạt động, nhưng chỉ hơn 100 đơn vị đã kê khai, nộp thuế. Ngành thuế thành phố đang triển khai truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp tại những cơ sở còn lại. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường cho rằng mức thu và thời điểm tính truy thu của một số chi cục thuế cấp quận, huyện hiện không hợp lý.
Bà Lê Thị Lệ, Phó phòng giáo dục quận 12, phản ánh, quận này có 60 lớp mầm non tư thục, hầu hết các trường không có hệ thống sổ sách kế toán. "Nếu thực hiện truy thu thì các lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình sẽ phải đóng mức thuế là 28% theo quy định, rất khó khăn cho các cơ sở", bà Lệ nói.
Trưởng phòng giáo dục Mầm non Nguyễn Thị Kim Thanh cũng kiến nghị ngành thuế miễn truy thu cho những cơ sở mầm non tư thục tại 7 quận và 5 huyện vùng ven của thành phố. Nếu không, các trường khu vực này có thể phải đóng cửa hoặc tìm cách lách thuế.
Trước những ý kiến trên, Cục trưởng Cục thuế TP HCM Nguyễn Đình Tấn khẳng định, trường đã đăng ký và được cấp phép kinh doanh thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm kê khai, nộp thuế."Hiện không có chính sách miễn thuế cho các trường dạy học, dạy nghề ngoài công lập. Chủ trường là một chủ thể doanh nghiệp nên phải chịu các mức thuế theo quy định", ông Tấn nói
Ông Tấn cũng cho biết, trước mắt, ngành thuế thành phố đồng ý cho các trường tạm thời "khoanh" phần thuế đang bị truy thu, chờ quyết định của cấp chức năng. Nhưng từ tháng 1/2008, các trường phải thực hiện kê khai, nộp thuế theo luật định. Chi cục thuế quận, huyện sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các trường. Đề xuất của các trường sẽ được kiến nghị lên UBND TP HCM, trình Quốc hội xem xét.
Theo Nghị định 53/2006, đối tượng được áp dụng mức ưu đãi trong thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có các cơ sở giáo dục - đào tạo ngoài công lập các bậc học mầm non, phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo dục đại học sẽ được miễn thuế trong 2 năm kể từ khi có thu nhập và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo, các năm tiếp theo chịu 10%. Để được hưởng ưu đãi theo Nghị định 53, chủ trường phải đăng ký với UBND quận, huyện, đảm bảo đúng các thủ tục về pháp lý thành lập, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng được mở tại ngân hàng thương mại hoặc kho bạc nhà nước, thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán theo quy định. |
Lan Hương