Đoàn Thị Cảnh -
1. "Cái hay thì không lạ và cái lạ thì không hay"
Sẽ rất buồn nếu một nhà văn nghe điều lạ và hay trong văn học theo kiểu: Cái hay thì không lạ và cái lạ thì không hay. Hành trình nghệ thuật là hành trình đi tìm cái mới và khẳng định cái riêng.
Nhưng không thể không có sự ảnh hưởng. Trong xu thế toàn cầu, càng ngày thế giới càng "phẳng" đi, sự giao lưu văn hóa, văn học càng diễn ra mạnh mẽ và chủ động. Những tác giả, tác phẩm lớn bao giờ cũng có sức lan tỏa. Châu tuần xung quanh một vì sao sáng là rất nhiều các vì sao bé hơn hấp thụ từ ánh sáng ấy và bắt đầu tỏa rạng cho riêng mình. Nhưng vấn đề của Gió lẻ chính là ở chỗ, không mất quá nhiều thời gian và không cần quá tinh tế, người ta cũng sẽ thấy ngay dấu vết của Jean Paul Sartre và Albert Camus ở tác phẩm này. Đáng tiếc đó không phải là sự hấp thụ ánh sáng mà là núp bóng hai cây đại thụ. Dường như sau Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã chu du trên cõi phù phiếm bằng trò chơi của ngôn từ.
Jean Paul Sartre khơi nguồn cho yêu cầu con người phải thành thật với chính mình và buộc chúng ta phải chấp nhận một tất yếu tồn tại của loài người không vì một lý do gì cả. Sau Sartre, Albert Camus tiếp tục phát triển con đường của sự phi lý, "suy tính" (chữ dùng của Henri Jeanson trên tờ Les Temps modernes của Sartre) sự nổi loạn bản năng. Hai đại thụ trong dòng văn học hiện sinh ấy cho đến nay vẫn tỏa bóng rất rộng đến các nền văn học trên thế giới và trong đó có nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự ảnh hưởng đó có thể thấy rõ ở những cây bút trẻ (và đã có tên tuổi) như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Thuận, Nguyễn Đình Tú, Vi Thùy Linh... và ở rất nhiều cây bút trẻ (hoặc không trẻ) chưa định hình. Những đặc điểm của một xã hội hiện đại (hay hậu hiện đại?) Việt Nam đã phù hợp ít nhiều để tiếp nhận tư tưởng triết học hiện sinh.
![]() |
Bìa tập truyện "Gió lẻ". |
Và Nguyễn Ngọc Tư cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Ngay từ những tác phẩm nằm trong tập truyện Cánh đồng bất tận Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện một cái nhìn phi lý tính về cuộc sống và con người, bắt đầu tìm hiểu về bản năng của con người. Nhưng ở Gió lẻ cô đã (cố gắng) đi xa hơn trên cánh đồng phù phiếm và bất tận của cõi con người.
Tuy nhiên, hình như chưa có độ chín của tư tưởng ở tác phẩm này. Ở Gió lẻ, "chất hiện sinh" mà nhà văn chuyển tải không thuyết phục. Tư tưởng chưa có độ "chín" thì những dụng công nghệ thuật chỉ là những con chữ còn "xanh" mà thôi.
2. Chi tiết buồn nôn trong hai tác phẩm Buồn nôn và Gió lẻ
Gió lẻ gợi người đọc nhớ ngay đến Buồn nôn trước hết bởi chi tiết cô gái (nhân vật chính trong truyện) cứ buồn nôn khi nghe những tiếng nói không thành thật của bọn đàn ông được lặp đi lặp lại nhiều lần. Mở đầu tác phẩm: "Em luôn có cảm giác mình nôn ra máu. Cứ sau mỗi trận nôn, người em rã ra, kiệt sức, không nghe tiếng tiếng máu chảy, tim thì cứ co bóp khan. Em thấy mình rất gần bờ chết, chỉ cách một gót chân thôi, em sẽ rơi vào dòng nước đen ngòm, rồi thì chìm xuống, mãi mãi. Hôm gặp lại cha, từ trường quay của chương trình "Giã từ lưu lạc", cha đưa em ghé qua nhà bác sĩ Lanh. Ông lật đật khám soi với đầy đủ những xét nghiệm quan trọng. Ông hỏi em nôn gì khi nãy, cha cười héo hắt, nhắc lại một bãi nôn khoai lang chua ngoét trước mặt bao nhiêu khách mời" (Gió lẻ). Và kết thúc là "Trong cơn nôn đắng đót, em ngã người giằng tay anh Tìm Nội và kiệt sức níu chiếc xe trôi nghiêng về phía mình, phía không ông, không ánh sáng. Thấy mình thực sự trôi, bồng bềnh và mộng mị trong một không gian tối dần, tối dần và rồi, bóng tối vô tận" (Gió lẻ). Nhân vật "em" sống trong những cơn nôn triền miên như là sự phản kháng với những gì không thành thật của những câu chuyện tán tỉnh, đực cái, chuyện "nhơn đạo". Và "em" chỉ còn lại trạng thái buồn nôn, và hành động nôn sau khi thoát ra khỏi những gì được đại diện cho con người như: ý thức, ngôn ngữ ("em" dường như mất khả năng nói và khi nói thì ngôn ngữ của "em" là ngôn ngữ của loài chim đại loại như: "có mắc rảnh không?" hay "nút áo rời kìa")... thậm chí cả cảm xúc về nhục thể cũng đánh mất.
"Em" hoàn toàn trống rỗng, cơn buồn nôn và những trận nôn là duy nhất định hình nên em rằng đó là thái độ phản kháng - một cách không ý thức - của "em" đối với những gì giả dối của con người. Xâu chuỗi những sự kiện mơ hồ rời rạc, việc mẹ "em" tự tử, cha "em" nói dối, đàn ông lừa "em"... có thể dựng nên một giả định đầy tính giai thoại về "em": một cô gái với vết thương tâm lý sâu, đánh mất những xúc cảm người và còn lại hành động bản năng duy nhất là nôn. Có lẽ tác giả không có ý lý giải sự nôn của "em", nhưng câu chuyện cứ dẫn dụ như vậy và đến khi kết thúc người đọc phát hiện ra một nghịch lý. Không có cái phi lý, em buồn nôn rất có lý (khi nhìn lại "tiểu sử" của em). Điều này lại mâu thuẫn với tất cả những gì phi lý trong truyện như: chuyến đi, các nhân vật, những cái tên mang tính phản đề...
Nhớ lại Buồn nôn của Jean Paul Sartre, nhân vật cũng luôn luôn buồn nôn như một thái độ phản kháng những gì thuộc về lý tính cứng nhắc siêu hình. Roquetin (nhân vật chính), đang đi trên con đường khám phá ra lý do tồn tại của con người là... không có lý do gì hết. Con người là một hiện thựcngẫu nhiên (contingent), không nhất thiết, không có lý do tồn tại. Khái niệm contingence vừa có nghĩa tất yếu vừa có nghĩa không có ý nghĩa, giá trị. Đó là một sự tồn tại tự nhiên, ngẫu nhiên, không vì một Đấng nào và tự nó không có giá trị gì gì cả. Và con đường của Buồn nôn đi từ nhân vật trốn chạy sự thật đó bằng những thứ ứng xử không trung thực như Tình Yêu khoảnh khắc đến việc chấp nhận sự thật, chấp nhận đối diện với chính mình. Trên chặng đường tìm kiếm, tự dối mình của nhân vật, những cơn buồn nôn vẫn tồn tại. Buồn nôn như là một biểu tượng về bản năng, về sự phi lý của việc con người tồn tại bằng một lý do nào. Bản thân những cơn buồn nôn đó tự nó không có lý do, không lý giải bằng một tầng chìm ký ức nào. Tiểu thuyết kết thúc với hình ảnh một Roquetin nghe một khúc nhạc, đột nhiên hiểu rằng nghệ thuật là điều tất yếu duy nhất của con người. Trong một điệp khúc, những nốt nhạc nối đuôi nhau một cách tất yếu, nốt trước đã thế, nốt sau phải vậy. Sự tất yếu ấy do con người tạo ra để thể hiện chính mình.
3. Chuyến đi vô nghĩa trên chiếc xe Landu, cái chết bằng một tai nạn tự lao xuống vực và bóng dáng Albert Camus
Ngày 4/1/1960, tại Petit-Villeblevin vùng Yonne, Albert Camus - kẻ nổi loạn, mất trong một tai nạn giao thông. Trên chiếc xe Facel Véga khi đó còn có một người bạn của ông Michel Gallimard và người cháu Gaston.
Tác phẩm Nơi lưu đày và vương quốc là một tập truyện ngắn, tuy không được đánh giá cao như hai tác phẩm Dịch hạch và Kẻ xa lạ nhưng tập truyện này thể hiện tản mác những tư tưởng hiện sinh của nhà văn. Ở tác phẩm này, Camus đã cho các nhân vật đi một cách vô nghĩa, các cuộc hành trình để đi tìm kiếm mình. Các nhân vật đi đến phía Nam Algiéri, qua cao nguyên đá và sa mạc cát, khám phá ra "nơi trời đất hòa lẫn với nhau thành một đường dài tinh khiết" (Người đàn bà ngoại tình), tìm đến thị trấn Taghasa "bằng muối, dưới cái lòng chảo lớn chứa đầy hơi nóng trắng bạch" (Kẻ phản bội hay một linh hồn bối rối). Ở Gió lẻ hình tượng "em" , gã lái xe, ông Tìm Nội và cả chiếc xe nữa lang thang không mục đích mang bóng dáng của tập truyện Nơi lưu đày và vương quốc rất rõ và khi kết thúc truyện cô gái lao mình xuống vực như là sự phản quang của hình ảnh Camus khi ông mất trong một tai nạn giao thông.
Nhưng nếu như các cuộc hành trình vô nghĩa của Nơi lưu đày và vương quốc là những chuyến đi không ràng buộc, không mục đích, sự tìm kiếm không chủ đích thì ở Gió lẻ chuyến đi như một sự ràng buộc. Và sự ngẫu nhiên đầy sắp đặt của chuyến đi cũng hoàn toàn không phù hợp. Tự dưng có một chiếc xe, tự dưng có hai con người cũng đơn độc (trong đó có một người cũng có vẻ "hiện sinh" như "em"), tự dưng "em" không chịu xuống xe nên họ phải làm một cuộc hành trình theo em... Rất nhiều cái tự dưng ngẫu nhiên quá như một sự sắp xếp khiên cưỡng hơi rõ ràng của tác giả.
Ông Tìm Nội thì đi tìm nội. Cũng có nghĩa là tìm "hạnh phúc khi rầy rà, cái cảm giác được che chở chăm sóc cho ai đó đã mất từ khi bà nội bỏ đi" (Gió lẻ).
Gã lái xe không đi tìm gì cả, gã chỉ lái xe mà thôi.
"Em" đi tìm những cảm xúc đã mất, tìm yêu thương thật thà.
Vậy tại sao khi em khôi phục lại ngôn ngữ - một dấu hiệu của loài người dẫu "em" có nói giống như chim đi nữa, tại sao khi "em" tìm thấy chút yêu thương thật thà, chia sẻ thật thà, hiểu "em" thật thà (như Dự - ông Tìm Nội, hạnh phúc khi rầy la "em", khi hiểu ngôn ngữ vụng về của "em"; như gã lái xe - ông Buồn, chia sẻ bằng "nhịp thở sâu và tối" (Gió lẻ)...) và khi em tìm lại cảm xúc của mình "mọi thứ đã lắng lại, và dần một êm đềm, em nhìn gương mặt lóe lên theo đốm lửa trên môi ông, cho đến khi mỏi mê, em gấp mình lại thành ba khúc, như trên chiếc Landu, và ngủ. Khi khép mắt vẫn là đốm lửa lập lòe" (Gió lẻ)... thì em lại cho xe lao xuống vực một cách vô lý như thế?
Câu chuyện kết thúc đen tối và ảm đạm. Và trên hết đó là Nguyễn Ngọc Tư đã mâu thuẫn với chính mình. Hiện sinh (nếu có) trong truyện thật nửa vời. Và gần như nó mang tính luận đề để lý giải cho tư tưởng hiện sinh theo cách hiểu của nhà văn.
Jean Paul Sartre không nói gì về chủ nghĩa hiện sinh và ông cũng phản ứng với cụm từ này. Điều ông muốn nói là: Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo (L’Existentialisme est un humanisme, 1946), tiểu luận [Existentialism is a humanism]. Con người ý thức về sự phi lý của tồn tại, về việc tự mình không có giá trị vì thế con người tự sáng tạo ra mình. Và cõi phi lý của Camus không phải là tước bỏ sự sống một cách khiên cưỡng, phi lý nhưng không phải vô mục đích vô ý nghĩa.
Nói như Bùi Giáng thì cõi phi lý của Sartre, Camus chính là Diệu Hữu Chân Không, là Sương Tỳ Hải, còn cõi phi lý của Nguyễn Ngọc Tư ở tác phẩm này là Hư Vô.
4. Tìm câu trả lời cho những khập khiễng của "Gió lẻ"
Người đọc nhận thấy rất rõ ở Gió lẻ Nguyễn Ngọc Tư có ý thức rời bỏ những kiểu kể chuyện cũ ý thức đi xa trên con đường phi lý.
Sự vô lý nằm ở nội dung tư tưởng câu chuyện. Nội dung câu chuyện là... không có nội dung gì. Cõi phi lý mà Nguyễn Ngọc Tư chuyển tải qua tác phẩm hoàn toàn vô lý và mù mờ.
Nhưng với thủ pháp nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Tư đã dụng công rất nhiều. Thủ pháp dòng ý thức, nhân vật không tên, xây dựng những biểu tượng những phản đề, di chuyển điểm nhìn trần thuật và đôi khi có những câu văn thật tuyệt vời, những con chữ đầy ám dụ... Nếu so với Cánh đồng bất tận sự dụng công này là một bước tiến. Nhưng tiếc thay nó thiếu một sự xâu chuỗi. Bởi lẽ hiện sinh trong Gió lẻ là "hiện sinh nửa vời" (xin phép được gọi như thế vì đã nửa vời thì không gọi là hiện sinh nhưng tạm thời người viết không biết dùng từ gì).
Và vì thế những biểu tượng vốn quen thuộc của văn học hiện sinh như buồn nôn, những cuộc hành trình, chiếc xe tự đến đứng trong tác phẩm này trở nên khập khiễng. Cái áo hình thức quá lớn so với nội dung tư tưởng.
Gió lẻ không thuyết phục người đọc. Dường như nó là một bước lùi so với Cánh đồng bất tận và cũng như một phản đề của tác phẩm ấy. Nó chỉ là một trò chơi chữ của tiểu thuyết hiện đại.
Đọc Gió lẻ nhớ J. P. Sartre và Camus, tôi đang làm một việc hết sức ngu ngốc là chứng minh rằng Nguyễn Ngọc Tư hiện tại nhỏ bé quá so với hai người vĩ đại kia ư? Đó là một việc không cần phải mất nhiều chữ đến thế. Và tất nhiên cũng không hoàn toàn gây sốc bằng cách "đánh" một nhà văn có tên tuổi đương đại để được chú ý. Và cũng không phủ nhận tài năng của nhà văn. Một bước lùi có thể dừng lại, cũng có thể để chuẩn bị cho một sự vượt ngưỡng hay đơn giản đôi khi có những tác phẩm như quả chín ép. Sự độ lượng của nghiệp văn chính là ở việc có thể tin vào tài năng bằng một tác phẩm vĩ đại, nhưng lại không thể phủ nhận một nhà văn bằng một tác phẩm có "sạn". Đó là tôi vin vào một hiện tượng để hiểu một điều lớn hơn rằng, ý thức đổi mới của mỗi nhà văn, dụng công nghệ thuật là đáng quý, sự ảnh hưởng tư tưởng là cần thiết nhưng chưa đủ để có một sáng tác hay. Trước con chữ nhà văn phải đối diện với chính mình, mọi sự tiếp thu ảnh hưởng phải được "tiêu hóa" nhuần nhị. Tất nhiên điều này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài như môi trường xã hội, kinh nghiệm cá nhân... (Ví dụ như: sự khác biệt của xã hội Việt Nam đối với xã hội Pháp lúc bấy giờ, sự trải nghiệm của nhà văn chưa đủ để đưa ra một kết luận....). Đã có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam thành công với yếu tố hiện sinh như các tác phẩm của Thuận, Phạm Thị Hoài... Rõ ràng không khó để thấy môi trường đô thị phù hợp với việc tiếp nhận tư tưởng hiện sinh. Còn ở Nguyễn Ngọc Tư nếu sự mộc mạc của Cánh đồng bất tận có thể lý giải bằng môi trường mà nhà văn sinh sống thì sự khập khiễng của Gió lẻ cũng xuất phát từ môi trường văn hoá của nhà văn. "Chất đô thị" có lẽ chưa thấm đẫm vì thế câu chuyện như là một cố gắng trên đoạn giữa con đường. Phải sống và cảm nhận đúng nghĩa hiện sinh trên cơ sở một môi trường đẩy con người xa dần bản thể, môi trường dồn ép cực độ của bản năng thì "chất hiện sinh" đó mới chín muồi. Nếu không dù ý thức đến đâu, dù dụng công ngôn ngữ đến đâu thì đó cũng chỉ là trò phù phiếm của nghệ thuật ngôn từ, và tác phẩm chỉ là một thứ luận đề mà thôi.
Chú thích: Các trích dẫn trong bài lấy từ nguồn sau:
1. Albert Camus, Nơi lưu đày và vương quốc (Vũ Đình Phòng, Dương Linh, Phạm Hổ dịch), NXB Văn học, H. 1994.
2. Jean Paul Sartre, Buồn nôn (Nguyễn Trọng Định dịch), NXB Văn học, H. 1994.
3. Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ, eVăn, 2008