Người gửi: Binh Nguyen
Anh Tuan Dang đưa ra những lựa chọn cho những từ tiếng Anh và cách đọc VN chuẩn. Tại sao anh lại không thấy ATM đọc là A tê em là chuẩn? Tại sao NGO đọc là en giê ô không được? và tên ông Bush ai nói phải đọc là Giọt Bút sờ là đọc kiểu VN, và có nhất thiết phải cường điệu như thế để bảo vệ chính kiến của mình. Coca Cola ở Trung Quốc đâu có gọi đúng như vậy trên truyền thông đâu, nó phát âm và biến đổi thành "khả khẩu khả lạc", chẳng sao cả, và đó không phải chỉ là một thí dụ.
Còn nói về cách sính đọc tiếng Anh, tôi thấy buồn cười khi những từ đọc có vẻ tây tây thì nhiều người rất thích đọc, nhưng đến khi gặp những từ xương xương và trẹo trẹo thì lại quay về dùng tiếng Việt để cứu, dù chỉ ngay câu trước vẫn đọc theo lối English rất kiểu cách, chẳng hạn gặp từ IRA (tổ chức vũ trang cách mạng đối lập ở Ireland), ETA (lực lượng ly khai xứ Basque) hay ngân hàng HSBC thì chả ai giữ lối đọc tây cả.
Và bạn nghĩ sao khi cùng là cơ quan nhà nước mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang bị thay thế bằng dạng viết tắt và đọc theo tiếng Anh là “VFF”, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được giữ nguyên tên chứ không bị đổi thành MOET (Ministry of Education and Training).
Tôi nghĩ chúng ta không nên quá cứng nhắc trong việc này, nhưng phải có sự thống nhất, và ở Việt Nam, trong chương trình của người Việt và nói cho người Việt nghe (tôi muốn nói là người Việt trên toàn quốc chứ không chỉ riêng một nhóm Tây học biết tiếng Anh ở các đô thị lớn) thì nên dùng thứ tiếng của ông bà để chuyển tải sao cho dễ hiểu. Chứ nghe các bạn đọc Canon và Nikon là Kenần, Naikần... tôi cứ ớ ra một lúc, vậy thì đọc Canada hay kenờđờ nhỉ.
Đây là vấn đề phức tạp, gặp khó khăn ở nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng VN nên làm sao cho thuận miệng và dễ hiểu nhất với số đông là được, xin đừng vội vàng áp đặt và chỉ trích.