Theo đó, năm 2022, doanh thu thuần của Tập đoàn Masan Group (mã chứng khoán MSN) đạt 76.189 tỷ đồng, tăng 2,6, so với mức 74.224 tỷ đồng của năm 2021. Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) năm 2022 của tập đoàn này đạt 14.437 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2023, kết quả hoạt động kinh doanh của Masan tiếp tục khả quan. Doanh thu thuần của Masan đạt 37.315 tỉ đồng, tăng 3,6% so với 36.023 tỉ đồng của nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh của The CrownX (TCX), nền tảng tích hợp tiêu dùng - bán lẻ của Masan hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận tăng trưởng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào nền tảng ổn định của mảng kinh doanh ngành hàng tiêu dùng.
Doanh thu của TCX ghi nhận 26.835 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 13.535 tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, lần lượt tăng 3,1% và 7,6% so với cùng kỳ. EBITDA của TCX đạt 3.507 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 1.976 tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, lần lượt tăng 10,3% và 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mảng kinh doanh thịt Masan MEATLife (MML) của Masan cũng ghi nhận doanh thu tăng 70,2% (từ 1.941 tỷ đồng lên 3.303 tỷ đồng) trong nửa đầu năm 2023 và 68,7% trong quý 2 năm 2023 so với cùng kỳ.
Dựa trên kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 và đà tăng trưởng hiện tại, Masan dự kiến sẽ đạt doanh thu 83.500 - 90.000 tỷ đồng, và 3.000 - 4.000 tỷ đồng lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số ("NPAT Pre-MI") vào năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, Masan cũng liên tiếp được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh tại các giải thưởng như: Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2023 (HR Asia Award); Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững 2023 (Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư); Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín & Hiệu quả 2023 (Vietnam Report)...
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023 của Forbes phải trải qua nhiều bước đánh giá các doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HSX) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngoài giai đoạn sơ bộ, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng. Ở vòng kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2018 - 2022. Sau đó, Forbes Việt Nam tiến hành phân tích định tính để đánh giá sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp: vị trí của công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp và triển vọng của ngành.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, logistics, công nghệ vẫn có nhiều bước tiến... Năm 2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nói chung và danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất nói riêng vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách của Forbes Việt Nam đạt 228.096 tỉ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2021.
Hoàng Anh