Kết quả được nêu tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024, hôm 16/1, tại Hà Nội. Theo báo cáo của ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành, số xuất bản phẩm in của năm ngoái ước đạt 41.000 đầu, giảm 2,97% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên xuất bản phẩm điện tử tăng 120,7%, với khoảng 4.050 đầu. Doanh thu thị trường sách nói được 102 tỷ đồng. Tổng doanh thu hoạt động xuất bản và phát hành sách ước đạt 8.700 tỷ đồng.
Ông Tống Văn Thanh, vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, nhận thấy trong năm 2024, ngành đạt kết quả đáng ghi nhận, chất lượng xuất bản phẩm nâng cao, hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, phù hợp từng đối tượng độc giả. Nhiều cơ quan chủ quản chú trọng đầu tư công tác chuyển đổi số của các nhà xuất bản trực thuộc nhằm đa dạng hóa phương thức hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, phù hợp xu thế phát triển. Thống kê 54,4% tỷ lệ đơn vị đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử, tăng 29,1% so với năm 2023, ra mắt 1.886 đầu sách nói.
Theo giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thắng - tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp TP HCM, hiện có một số đơn vị xuất bản thua lỗ, nợ nần, không trả được tiền thuê nhà, đất, có nguy cơ phá sản. Số khác đang hoạt động cầm chừng, lãi chỉ vài chục triệu đồng một năm. Sách lậu, vi phạm bản quyền tràn lan, khó kiểm soát.
Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học, công nghệ tác động sâu sắc đến hoạt động xuất bản. Ông cho rằng ấn phẩm điện tử góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, thu hút một bộ phận lớn thanh thiếu niên do có nhiều tính năng hấp dẫn như âm thanh, hình ảnh và tính tương tác cao, đảm bảo sự tiện lợi, chi phí thấp, phù hợp thời đại.
Ông Thắng kiến nghị sớm có chủ trương xây dựng đề án hạ tầng sách điện tử dùng chung cho ngành, hướng đến chiến lược phát triển bền vững ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có đề xuất tương tự rằng cơ quan chủ quản cần quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho nhà xuất bản trong chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn.
Bộ cho rằng cần nghiên cứu, sắp xếp tổ chức hoạt động của các nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dừng hoạt động đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh yếu kém, quan tâm xây dựng đội ngũ nhân lực số.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Ông Phan Xuân Thủy - phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phan Tâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phạm Minh Tuấn - phó tổng biên tập tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đồng chủ trì sự kiện.
Phương Linh