Nội dung trên được đề cập trong dự thảo báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố. Mức doanh thu này cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng gấp 3,6-4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2-2,5% GDP của quốc gia. Cùng với đó, tổng số lao động của ngành đạt hơn 1,4 triệu người, tăng 8% so với năm 2020.
Trong đó, ngành bưu chính có doanh thu 37.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 36.192 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm mạnh chỉ còn 130 tỷ đồng, so với mức 410 tỷ vào năm trước.
Doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 130.768 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Số lượng thuê bao di động năm nay ước đạt 123,76 triệu thuê bao, trong đó có 92,88 triệu thuê bao là smartphone, chiếm khoảng 75%.
Bộ nhận định tình trạng SIM rác, tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tồn tại do một số doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực thi giải pháp khắc phục chưa triệt để.
Chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất cho doanh thu toàn ngành là từ công nghiệp ICT, với doanh thu năm nay ước đạt hơn 136 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020. Trong số này, đóng góp chính là doanh nghiệp FDI với hơn 117 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp số, tăng từ mức 58.000 của năm ngoái. Tuy nhiên, Bộ Thông tin - Truyền thông đánh giá, đa số doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam (hơn 90%) là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên tiềm lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ số mới còn hạn chế. Cùng với đó, nhân lực công nghệ thông tin hiện nay vừa yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu trong giai đoạn mới.
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, dù bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian rất ngắn, công cuộc chuyển đổi số Quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với một tốc độ vô cùng nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cả nước.
Định hướng đến năm 2025, Bộ đặt mục tiêu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông có sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang "Make in Viet Nam", tức làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ và sáng tạo công nghệ. Trong đó, tỷ trọng "Make in Viet Nam" vào năm 2025 đạt trên 45%.
Thời điểm đó, cả nước sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên một tỷ USD. Cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên một tỷ USD.
Viễn Thông