Theo đại diện công ty, nửa đầu năm, khoảng 340.000 cuốn được bán ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), gần hai phần ba gian hàng giảm mạnh về doanh số. Đơn vị lý giải đầu năm ngoái, sức mua của độc giả tăng đột biến do tác động của tâm lý tiêu dùng sau đại dịch, sau đó giảm nhiệt dần. Sáu tháng qua, người dân thắt chặt chi tiêu.
Theo ban đại diện, nửa đầu năm, nhiều đơn vị nỗ lực kích cầu mua sách. 153 sự kiện diễn ra tại đây, trong đó các buổi giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm mới chiếm tỷ lệ cao (55 chương trình). 15 hoạt động âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, văn nghệ học đường có đông đảo bạn đọc, du khách tham gia. Sáu hội sách được tổ chức, trong đó có ngày hội chào mừng Tết Nguyên đán, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Hội sách thiếu nhi thành phố 1/6. Các gian hàng triển khai nhiều sự kiện giảm giá để thu hút độc giả.
"Dù vậy, hiệu quả kinh tế chưa đạt như kỳ vọng. Lượng khách vẫn đông ở các hoạt động chủ điểm, cuối tuần, song sức mua giảm", đại diện đơn vị cho biết.
Theo công ty, việc sức mua giảm còn đến từ nhiều hạn chế tồn tại ở đường sách. Dọc tuyến đường chưa có nhiều điểm check-in, hoạt động mang tính mỹ thuật, trang trí. Nhiều chương trình không có tác giả nổi tiếng, đủ sức thu hút giới trẻ. Không gian nơi đây chưa có nhiều sân chơi tương tác, trải nghiệm phù hợp với đoàn khách du lịch. Các công ty xuất bản, phát hành sách cũng thiếu các hoạt động truyền thông riêng của mỗi gian hàng.
Nửa cuối năm, công ty lên kế hoạch bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sự kiện, trang trí thêm tiểu cảnh. Họ sẽ đề xuất các đơn vị tổ chức các hoạt động về nhân vật nổi tiếng, như ngày hội hóa trang theo chủ đề Conan, One Piece, Doraemon, Harry Potter. "Chúng tôi sẽ phối hợp, xây dựng tốt hơn nữa các hoạt động dành cho bạn đọc, phục vụ đa dạng nền văn hóa từ nội dung, hình thức và thời gian tổ chức", ông Lê Hoàng, giám đốc công ty đường sách TP HCM, cho biết.
Mai Nhật