Số liệu do Bộ Tài chính Nga công bố hôm 3/7 cho thấy trong nửa đầu năm, số tiền ngân sách có được từ bán dầu khí tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5.698 tỷ ruble (65,1 tỷ USD). Nguyên nhân chủ yếu là giá dầu tăng và đồng ruble yếu đi.
Dầu khí là nguồn thu quan trọng của chính phủ Nga, đóng góp khoảng 30-50% ngân sách nước này trong thập kỷ trước. Chiến sự tại Ukraine khiến phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm siết nguồn thu này của Nga. Dù vậy, giới phân tích cho rằng đến nay, chính sách này chỉ khiến dòng chảy năng lượng Nga đổi hướng, chuyển từ phương Tây sang phương Đông.
Nửa đầu năm, giá dầu Urals của Nga đạt trung bình 69,1 USD một thùng, cao hơn mức trần xuất khẩu mà phương Tây áp là 60 USD và tăng so với 52,5 USD của cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian đó, giá ruble lại giảm, về trung bình 90,8 ruble một USD. Tỷ giá nửa đầu năm ngoái là 76,9 RUB một USD.
Năm nay, Nga dự kiến thu 10.700 tỷ ruble từ bán dầu khí, tăng 21% so với năm ngoái. Ngân sách Nga đã thâm hụt 2 năm liên tiếp ở mức 3.000 tỷ ruble, tương đương 2% GDP. Nguyên nhân chủ yếu là nước này chi mạnh tay cho quốc phòng - an ninh sau chiến sự tại Ukraine.
Năm ngoái, GDP Nga tăng 3,6% năm 2023, sau khi giảm 1,2% năm 2022. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần đề cập đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga, cho biết số liệu này vượt trội so với các nước phương Tây.
Đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa Nga quay trở lại danh sách nước "thu nhập cao", lần đầu tiên kể từ năm 2015. Lý do là tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân tại đây đạt 14.250 USD một người năm 2023. Mốc quy định của WB là 13.485 USD.
Dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng Nga tăng trưởng chủ yếu do lĩnh vực quốc phòng. Kể từ năm 2021, quy mô khoản chi này đã tăng gấp 3.
Hà Thu (theo Reuters, TASS)