"Chúng tôi đã chứng kiến sự hồi sinh trong doanh số bán nhẫn đính hôn và nhẫn cưới khi các cặp đôi bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường", ông Price Blanchard, Phó chủ tịch điều hành tại Shane, một công ty kim hoàn có các cửa hàng ở 14 thành phố tại Mỹ, cho biết.
Các buổi tiệc cưới đã bị hoãn lại từ lâu vì Covid-19 cuối cùng cũng diễn ra, với những tiệc lớn có sự góp mặt của gia đình và bạn bè. Các nhà kim hoàn hàng đầu cũng ghi nhận doanh số bán hàng tăng đột biến trong tháng 4 và tháng 5, sau khi vaccine được phổ cập khắp nước Mỹ.
The Clear Cut, một công ty sản xuất nhẫn đính hôn tại New York, cho biết doanh số bán hàng tháng 5 đã tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Kyle Simon, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành The Clear Cut, nói rằng khách hàng đang "săn lùng" nhẫn đính hôn vì cuối cùng họ cũng có thể đi du lịch và cầu hôn trong kỳ nghỉ. Ông tiết lộ đang nhận được rất nhiều đặt hàng từ những cặp đôi, những người đang "tranh giành địa điểm tổ chức đám cưới".
Mark Broumand, Nhà sáng lập và chủ tịch của Mark Broumand, một công ty kim hoàn có trụ sở tại Los Angeles, cũng chứng kiến doanh số bán hàng tăng đáng kể. Vào tháng 6/2020, doanh số bán hàng của công ty đã giảm 40% so với năm trước đại dịch. Tuy nhiên, doanh số tháng 6/2021 đã cao hơn 20% so với tháng 6/2019.
Hàng triệu người Mỹ đã chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trong đại dịch, nhưng với những ai vẫn làm việc thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền nhất định. Việc ngừng hoạt động du lịch và đóng cửa nhà hàng có nghĩa là họ có thể tích lũy nhiều hơn bình thường.
"Việc buộc phải cắt giảm chi tiêu trong thời kỳ đại dịch và các đợt phát tiền, nhiều hộ gia đình đang tiết kiệm nhiều hơn so với trước đây", Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate, cho biết. Theo ông, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu xài được giải phóng, giúp dòng tiền này đi vào nền kinh tế.
Stephanie Gottlieb, Nhà sáng lập Stephanie Gottlieb Fine Jewelry ở New York, cho biết trong khi các cặp đôi có thể chọn tổ chức đám cưới nhỏ hơn, họ có "nhiều tiền hơn để sử dụng cho nhẫn hoặc đồ trang sức để đeo".
"Giá trung bình của cho những chiếc nhẫn mà chúng tôi bán hiện tăng lên đáng kể, kể từ thời Covid", Brenna Lyden, Nhà sáng lập kiêm CEO Everly Rings và East West Gem, cho biết. Nhiều khách hàng của công ty này còn dùng tiền tiết kiệm qua mùa dịch để "lên đời" chiếc nhẫn của mình hoặc mua thêm nhẫn mới.
Nhu cầu tăng và sản lượng sụt giảm do các hạn chế của Covid-19 đã dẫn đến tình trạng khan hiếm kim cương toàn cầu trong thời kỳ đại dịch. "Tôi đã gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sản xuất để duy trì nhu cầu", Katarzyna Zygnerska Rosales, Nhà sáng lập Kasia Jewelry ở Solana Beach, cho biết.
Nhiều công ty trang sức quyết định hợp tác với Viện Đá quý Mỹ (GIA), một tổ chức phi lợi nhuận đào tạo thợ kim hoàn và duy trì các tiêu chuẩn cho dịch vụ phân loại kim cương. Tom Moses, Phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc phòng thí nghiệm và nghiên cứu GIA, cho biết đã nhận được rất nhiều đề nghị hợp tác.
Bruce Cleaver, Giám đốc điều hành của De Beers Group, cho biết nhu cầu thị trường trang sức không hề chậm lại và tâm lý ngày càng lạc quan. De Beers, nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, đang nhận thấy "nhu cầu kim cương thô mạnh mẽ" do nhu cầu tiêu thụ chính ở Mỹ, Trung Quốc và công suất khai thác ở Ấn Độ đang phục hồi.
Phiên An (theo CNN)