Theo Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia Mỹ (NAR), doanh số bán nhà trong tháng 10 đã giảm 4,1% xuống gần 3,8 triệu căn, mức thấp nhất trong hơn 13 năm qua. Trong đó, số căn bán trên thị trường thứ cấp, chiếm phần lớn doanh số bán nhà ở Mỹ, cũng giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc bán nhà được tính khi kết thúc hợp đồng.
Doanh số sụt giảm phản ánh tình trạng giao dịch hai tháng trước đó, khi lãi suất trung bình các khoản thế chấp cố định 30 năm đã tăng lên mức cao nhất hai thập kỷ.
Dữ liệu từ Tập đoàn cho vay thế chấp Freddie Mac cho thấy lãi suất cho các khoản vay thế chấp cố định kỳ hạn 30 năm đạt đỉnh 7,8% vào cuối tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 11/2000. Con số này dù đã giảm trong tháng 11 do thị trường lao động hạ nhiệt và lạm phát giảm, song vẫn ở mức cao 7,4%.
Theo khảo sát các nhà kinh tế của Reuters, doanh số bán nhà tại Mỹ được dự báo tiếp tục giảm xuống mức 3,9 triệu căn, tập trung ở khu vực đông dân cư tại vùng Đông Bắc, Tây và phía Nam. Doanh số không thay đổi ở vùng Trung Tây, khu vực có giá cả vừa phải nhất.
Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của NAR cho biết người mua nhà tiếp tục có một tháng khó khăn do nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm trong khi lãi suất thế chấp tăng cao.
Thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu tăng cao ở một số khu vực khiến giá nhà có xu hướng tăng. Giá nhà hiện tại ở Mỹ đã tăng trung bình 3,4% so với một năm trước, lên 391.800 USD.
Những người mua lần đầu chiếm 28% doanh số bán hàng, không thay đổi so với năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 40% mà các chuyên gia và môi giới cho rằng cần thiết để thị trường phát triển mạnh mẽ.
Thị trường nhà ở tại Mỹ đang chịu tác động bởi việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cùng với việc phát triển nhà ở sụt giảm trong 9 quý liên tiếp. Từ quý III, nguồn cung mới có dấu hiệu phục hồi khi các nhà thầu xây dựng nắm bắt được tình trạng thiếu nhà ngày càng tăng.
Ngọc Diễm (theo Reuters, The Guardian)