Năm 2002, ở tuổi 34, Lu Yong, một thương nhân buôn vải tại thành phố Vô Tích, Giang Tô (Trung Quốc) được chẩn đoán bệnh bạch cầu myeloid mạn tính, một dạng ung thư máu và bắt đầu sử dụng thuốc Glivec do tập đoàn Novartis (Thụy Sĩ) để điều trị. Giá thành của Glivec vô cùng đắt đỏ. Loại thuốc được bác sĩ chỉ định này có giá lên tới 23.500 tệ (tương đương 3.777 USD) mỗi hộp, mà cứ mỗi tháng Lu lại dùng hết một hộp.
Lu cho biết Glivec ở Trung Quốc có lẽ là đắt nhất thế giới. Ở Mỹ, thuốc chỉ khoảng 2.200 USD một hộp. Vì không được bảo hiểm y tế quốc gia hoàn trả, Lu chi tới 600.000 đến 700.000 tệ tiền thuốc trong hai năm đầu sau chẩn đoán và gần như phá sản.
Năm 2004, Lu biết đến Veenat, loại thuốc được coi như phiên bản Ấn Độ của Glivec. Nó có hiệu quả tương tự, tất nhiên đi kèm tác dụng phụ song rẻ hơn nhiều, chỉ 3.000 tệ nếu mua trực tiếp từ Ấn Độ. Ngay lập tức, Lu chia sẻ thông tin với các bệnh nhân ung thư máu trên mạng xã hội QQ. Hơn 1.000 thành viên đăng ký theo dõi.
Các thủ tục bao gồm kê khai giấy tờ bằng tiếng Anh ngày đó vẫn vô cùng phức tạp với người mua nên Lu hỗ trợ phiên dịch miễn phí. Số người mua ngày càng tăng, giá thuốc lại càng rẻ. Năm 2011, Lu đổi sang thuốc Imacy, chi phí bao gồm cả tiền vận chuyển chỉ còn 200 tệ.
Để khai thác thị trường ngầm khổng lồ, công ty Ấn Độ mở tài khoản ở Trung Quốc và đề nghị Lu, một trong những người mua đầu tiên, sử dụng chính tài khoản của mình làm cầu nối. Trước đó, họ đã dùng tài khoản của hai bệnh nhân ở Vân Nam. Qua hai người này, Lu cùng các bệnh nhân ung thư máu khác chuyển tiền để nhận thuốc. Tuy nhiên, hai người trên đã rút lui bởi khối lượng giao dịch tăng lên quá khủng khiếp khiến họ sợ gặp rắc rối.
Lu đồng ý tiếp quản vai trò trung gian. Năm 2012, ông mở thẻ tín dụng và mua giúp thuốc cho hơn 1.000 bệnh nhân mỗi tháng. "Tôi chỉ nói với những người cũng bị bệnh giống tôi là thuốc đó giúp duy trì cuộc sống", Lu kể. "Họ không mua thuốc từ tôi. Tôi cũng không thu bất cứ khoản tiền nào". Đối với Lu, lợi ích lớn nhất từ việc sử dụng tài khoản cá nhân có lẽ là số thuốc miễn phí. Trước đây, công ty Ấn Độ cũng làm điều tương tự với những người cung cấp tài khoản trước. Tuy nhiên, Lu nói việc miễn trừ này không phải gì quá lớn.
Lu không hề nhận ra mình bị liệt vào nhóm kinh doanh bất hợp pháp cho đến khi bị cảnh sát bắt vào tháng 11/2013. Ông bị truy tố tại tỉnh Hồ Nam vào tháng 7/2014. Phiên tòa dự định diễn ra vào tháng 11 năm đó nhưng phải hoãn vì sức khỏe của Lu chuyển xấu.
Cuối cùng, Lu không bị phạt. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao, số lượng thuốc Lu làm trung gian mua bán chưa đủ để gây hại nên ông không bị coi là tội phạm. Hàng nghìn bệnh nhân ung thư máu cũng ký tên đòi thả Lu. Với họ, ông chính là người hùng đã đem tới cơ hội sống.
"Nếu được trở về quãng thời gian đó, tôi vẫn sẽ làm như vậy thôi", Lu nói. "Chính sách quốc gia không chi trả cho mọi bệnh nhân. Những gì tôi làm chỉ là bổ sung những thiếu sót của chính sách".
Ngày 5/7/2018, bộ phim Dying To Survive dựa trên câu chuyện của Lu Yong ra mắt khán giả. Nó trở thành một trong những bộ phim Trung Quốc có doanh thu nội địa cao nhất và là bộ phim đầu tiên không do Hollywood sản xuất lọt top 100 phim có doanh thu cao nhất thế giới mọi thời đại. Dying To Survive được trang web đánh giá phim nổi tiếng của Trung Quốc là Douban chấm 9,1 điểm, mức điểm rất ít tác phẩm đạt được.
Gần thời điểm bộ phim công chiếu, chính phủ Trung Quốc nới lỏng các chính sách nhập khẩu thuốc ung thư. Cuối tháng 6/2018, hàng chục loại thuốc được bổ sung vào danh sách bảo hiểm chi trả, trong đó có Glivec. Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc cũng tuyên bố dẹp bỏ rào cản đối với thuốc biệt dược nước ngoài để "đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân". Bai Feng, công tố viên trong vụ việc của Lu, cho biết câu chuyện của Lu cũng như bộ phim Dying To Survive đã giúp thay đổi suy nghĩ của chính phủ.
"Tôi hiểu áp lực khi bị hành hạ bởi căn bệnh ung thư nên không bao giờ nghĩ về việc sẽ kiếm lời", Lu, giờ đây là doanh nhân sở hữu một nhà máy sản xuất găng tay ở miền đông Trung Quốc, chia sẻ trên trang cá nhân. "Sau khi được phát hành, bộ phim đã trở thành chất xúc tác. Có thể thúc đẩy cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe là một điều tuyệt vời".
Hiện nay, sức khỏe của Lu tương đối ổn định. Mỗi ngày, ông đi ngủ lúc 0h, dậy lúc 7h, tránh xa bia rượu, thuốc lá đồng thời chăm chỉ tập thể dục, chạy vào mùa hè và bơi vào mùa đông. Hàng tuần, Lu đến nhà máy 2-3 lần. Thời gian còn lại, ông "dành cho những việc có ý nghĩa". "Sau cùng, mở nhà máy chỉ để kiếm tiền thôi, đam mê sẽ phai nhạt dần", Lu nói. "Còn nhiều thứ khác tốt đẹp đang chờ tôi làm".
Minh Nguyên (Theo Straitstimes)