Ngày 31/7, TAND tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng 13.000 m2 đất tại huyện Yên Mỹ, do có kháng cáo của 2 bị đơn là Công ty TNHH Thiên Ngọc An và Công ty TNHH Nijia Việt Nam.
Vụ kiện phát sinh từ việc nguyên đơn - Công ty Cổ phần nhựa Tuệ Minh, nhận 9,35 tỷ đồng của 2 bị đơn để chuyển nhượng 13.000 m2 đất (trong tổng số 38.000 m2 đất dự án được tỉnh Hưng Yên cấp). Về sau, do đất thuộc diện không được phép chuyển nhượng, 3 giám đốc quyết định giải quyết bằng một thỏa thuận trong nhóm chat Zalo.
Theo đó, Công ty Tuệ Minh chấp nhận lấy lại 13.000 m2 đất với giá 2,5 triệu đồng/m2 (tức 32,5 tỷ đồng cho cả khu đất). Song, Công ty Tuệ Minh mới trả được 8 tỷ đồng thì dừng, yêu cầu 2 đối tác phải hủy biên bản thỏa thuận 3 bên đã ký trước đó.
Cho rằng bị lừa đảo, Công ty Nijia và Thiên Ngọc An gửi đơn tố giác tới công an. Công ty Tuệ Minh cũng cho rằng động thái này của 2 đối tác khiến mình bị ảnh hưởng danh tiếng nên khởi kiện, đề nghị tòa hủy biên bản thỏa thuận 3 bên, và cả những thỏa thuận trong nhóm Zalo.
Tòa sơ thẩm tuyên nguyên đơn thắng kiện, với lý do biên bản vô hiệu ngay từ lúc ký vì không có công chứng, đất không thuộc diện được chuyển nhượng. Do đó, thỏa thuận không làm phát sinh quyền nghĩa vụ của bất cứ bên nào.
Trong kháng cáo đề nghị hủy tòa bộ bản án sơ thẩm, hai bị đơn cho rằng ngay từ đầu Công ty Tuệ Minh đã có đơn đề nghị chính quyền cho thuê đất theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, khiến các bên không có quyền chuyển nhượng đất. Trong việc này Công ty Tuệ Minh "hoàn toàn có lỗi".
Công ty này cũng chủ động đề xuất mua lại 13.000 m2 đất khi nhận thấy không thể chuyển nhượng. Ba công ty đã chốt thỏa thuận trên nhóm Zalo với giá 2,5 triệu/m2, song Công ty Tuệ Minh trả được giữa chừng thì "lật kèo" không trả tiếp và kiện 2 đối tác ra tòa.
Dẫn lại phán quyết của tòa sơ thẩm cho rằng Công ty Tuệ Minh "không lừa đảo, không lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không có dấu hiệu của tội phạm hình sự trong vụ án này", các bị đơn cho rằng HĐXX đưa ra khẳng định không đúng thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm...
Công ty Nija cũng cho rằng vụ kiện có yếu tố người nước ngoài, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện. Bởi lúc này vụ án xuất hiện thêm cá nhân thứ tư là doanh nhân quốc tịch Trung Quốc, ông Qiu Rongyou.
Theo đơn kiến nghị gửi tòa, ông này cho biết đã góp 1,2 tỷ đồng cùng bà Bùi Kim Xuân (Giám đốc Công ty Nijia) để nhận chuyển nhượng 13.000 m2 đất. Ông Qiu trình phiếu thu do kế toán của Công ty Tuệ Minh lập, xác nhận đã nhận 1,2 tỷ đồng của ông Hiếu Xuân (tên tiếng Việt củ ông Qiu). Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã không xem xét vai trò của ông trong vụ án.
Ông Qiu cũng khẳng định mình là một trong 4 thành viên của nhóm chat Zalo, có tham dự việc thỏa thuận giá đất, do đó đề nghị được tòa phúc thẩm triệu tập với vai trò người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Qiu trình bày lại sự việc cùng bà Xuân tới Công ty Tuệ Minh nộp 1,2 tỷ đồng, có sự chứng kiến của giám đốc và thủ quỹ công ty này. Do không biết viết tên mình bằng tiếng Việt, ông Qiu nhờ bà Xuân ký tên thay ở phần "người nộp tiền", thực tế tiền là của mình. Doanh nhân này tiếp tục đề nghị được chấp nhận tư cách "người có quyền, nghĩa vụ liên quan".
Tuy nhiên, theo HĐXX, phiếu thu tiền do thủ quỹ Công ty Tuệ Minh lập và ký, có ký tên bà Xuân, do đó xác nhận người giao dịch với Công ty Tuệ Minh là bà Xuân. Vì thế tòa không chấp nhận tư cách "người có quyền nghĩa vụ liên quan" của ông Qiu trong vụ án.
HĐXX cho rằng, giám đốc của 3 công ty có tư cách "người có quyền nghĩa vụ liên quan" do nhiều giao dịch nộp tiền liên quan khu đất, được thực hiện qua tài khoản ngân hàng cá nhân của họ, chứ không qua tài khoản công ty.
Hai giám đốc phía bị đơn cùng luật sư nêu quan điểm, tại phiên tòa hôm nay, hai người mới được tòa nêu tư cách này. Họ đề nghị hoãn phiên tòa do trước đó chưa được công nhận, nên chưa được đảm bảo các quyền tiếp cận tài liệu hồ sơ, chuẩn bị kỹ cho vụ án.
Để đảm bảo quyền lợi cho những người này, HĐXX chấp nhận đề nghị hoãn phiên tòa, dành thời gian cho họ nghiên cứu hồ sơ.
Thời gian mở lại phiên tòa chưa được công bố.
Thanh Lam