Trên Financial Times, tác giả David Falzani cho biết trong sự nghiệp của mình, anh đã ngưỡng mộ và làm việc cùng rất nhiều doanh nhân. Một số có những thành công đáng nể, nhưng chưa bao giờ có thể lặp lại kỳ tích tương tự. Trong khi đó, số khác lại khiến người ta phải kinh ngạc. Họ có thể phá sản hôm nay, nhưng ngay sau đó lại kiếm được cả triệu USD chỉ trong một năm.
Trong một số trường hợp, may mắn là yếu tố không thể thiếu, dù là với kinh doanh hay bất cứ ngành nghề nào khác. Nhưng các trường dạy kinh doanh đôi khi không muốn thừa nhận điều này. Chẳng có gì sai khi tôn vinh sự may mắn, nhưng nếu người ta không nhìn nhận may mắn theo đúng cách, họ sẽ có thể có những suy nghĩ và quyết định sai lầm.
Falzani lấy ví dụ về trường hợp của một người đã trúng xổ số hàng triệu bảng Anh. Rồi anh ta viết cả một cuốn sách làm thế nào mà anh ta suy luận ra được con số độc đắc. Chúng ta có thể cho rằng anh này quả là thông minh. Nhưng thực tế, việc trúng sổ xố vẫn phải dựa trên may mắn, chứ chẳng liên quan gì đến tài năng hay trí tuệ.
Có một sự thật là trong giới kinh doanh không hiếm những câu chuyện tương tự. Người ta có xu hướng thần tượng những doanh nhân nổi tiếng và tôn thờ thành công của họ, mà không nhận ra họ cũng chỉ may mắn xuất hiện ở đúng nơi đúng lúc mà thôi.
Việc có mặt ở đúng địa điểm và thời điểm sẽ đem lại may mắn cho một số doanh nhân. Đương nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng bạn chỉ có thể gặp may mắn lần đầu, còn về lâu dài, bạn sẽ phải tự tạo may mắn cho chính mình.
Điều này khiến ta liên tưởng tới những doanh nhân có thể kiếm bộn tiền hết lần này đến lần khác, thậm chí là ở các lĩnh vực khác nhau. Nếu cho rằng mỗi người chỉ có thể may mắn một lần, vậy điều gì sẽ giải thích cho những thành công liên tục này? Liệu họ có nắm giữ những bí quyết nào đó không?
Rõ ràng những doanh nhân đã có tiếng tăm sẽ dễ dàng thu hút được vốn đầu tư và nhân lực. Nhưng điều này cũng xảy ra với những người chỉ thành công một lần. Vì vậy, đây rõ ràng không phải câu trả lời thỏa đáng.
Thế còn viễn cảnh tốt đẹp và ý tưởng tuyệt vời thì sao? Vai trò của chúng cũng thường được thổi phồng. Viễn cảnh đẹp đẽ có tác dụng tạo động lực và nguồn cảm hứng làm việc. Nhưng chúng sẽ thay đổi khi doanh nghiệp phát triển. Ngày nào tôi cũng được nghe hàng tá ý tưởng kinh doanh hay ho. Nhưng bản thân ý tưởng lại chẳng có mấy giá trị. Chúng chỉ có ý nghĩa khi được hiện thực hóa.
Và câu trả lời nằm ở chỗ đó. Những người thành công liên tiếp luôn biết vận dụng những kỹ năng và kinh nghiệm vào công việc. Thành công này được mang lại bởi khả năng giải quyết vấn đề, xây dựng tiềm lực, đặt mục tiêu rõ ràng, tối thiểu hóa rủi ro và tối đa hóa cơ hội.
Kỳ lạ ở chỗ đó lại là những kỹ năng thường xuyên bị hiểu lầm và đánh giá thấp. Đôi khi chúng còn được xem là "năng khiếu" - thứ may mắn có được bẩm sinh và là ước mơ của những người khác.
Quan niệm này không chỉ sai lầm mà còn khiến chúng ta tự chuốc lấy thất bại. Đúng là một số doanh nhân bẩm sinh đã có những kỹ năng này, nhưng điều đó không có nghĩa là những người khác không có cách nào để học được chúng.
Những nghiên cứu về vấn đề này đã minh chứng cho điều đó. Ở Trường kinh doanh Nottingham, chúng tôi đã tìm ra từ học sinh, chủ tiệm hoa cho tới giám đốc đều có thể rèn luyện được các kỹ năng giải quyết vấn đề. Và nhờ đó họ không ngừng thành công.
Như chuyên gia phân tích rủi ro Nassim Nicholas đã chỉ ra rằng, để hiểu rõ thành công cần phải nghiên cứu đặc điểm của thất bại. Nói cách khác, để đánh giá đúng giá trị của may mắn, bên cạnh những câu chuyện thành công, chúng ta cũng cần phải xem xét tới những câu chuyện về thất bại, rủi ro và sai lầm.
Đó chính là lúc bạn nhận ra rằng "hay" vẫn hơn "hên". Năng lực và các kỹ năng là thứ đáng tin cậy và có thể sử dụng nhiều lần. Còn may mắn có lẽ chỉ phát huy tác dụng khi chơi xổ số.
Hà Tường