Trong hàng loạt ký kết quan trọng bên lề COP 26 , biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh của Tập đoàn Sovico và Viện Đại học Oxford ký ngày 31/10 đã tạo nên dấu ấn lớn. Ký kết này góp phần khẳng định sự quan tâm của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tới sự phát triển nền giáo dục của Việt Nam nói riêng và Viện Đại học Oxford - một trong những "cái nôi" của nền giáo dục toàn cầu 1.000 năm tuổi.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, giáo dục và nghiên cứu là chìa khoá cho sự phát triển và thịnh vượng của nhân loại. "Tôi tin tưởng sự hợp tác lâu dài với Viện Đại học Oxford sẽ mang tới những cơ hội, giá trị mới tốt đẹp cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ tại môi trường giáo dục hàng đầu thế giới", CEO Vietjet chia sẻ tại lễ ký kết.
Theo thoả thuận hợp tác, bên cạnh chương trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, zero carbon đến 2050, hai bên sẽ cùng triển khai dự án đóng góp xây dựng, với các kế hoạch thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo cán bộ lãnh đạo, đầu tư cơ sở vật chất và điều hành quỹ học bổng, tạo cơ hội cho sinh viên đến từ Việt Nam và các nước đang phát triển.
Thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, văn hoá
Bên cạnh đó, thông qua hội nghị cấp cao của UNESCO nhằm bàn các giải pháp hỗ trợ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, nữ tỷ phú khẳng định mục tiêu hành động vì tương lai tươi sáng dành cho phụ nữ trong chuyển đổi số toàn cầu. Theo đó, bà Phương Thảo cùng 29 lãnh đạo toàn cầu ký vào lá thư ngỏ, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế cùng thực hiện các hành động cụ thể để nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục trực tuyến và nâng cao kỹ năng số cho trẻ em.
"Nhờ khoa học - công nghệ, tôi và nhiều nữ doanh nhân khác có cơ hội hiện thực hóa ước mơ", bà Thảo nói. Theo đó, nữ doanh nhân sẽ hành động để các bé gái được quan tâm trong giáo dục trực tuyến, từ đó, có nhiều hơn đại diện, gương mặt nữ giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với các doanh nghiệp vào tháng 8, bà Nguyễn Thị Phương Thảo không chỉ kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong đợt giãn cách xã hội kéo dài mà còn bày tỏ mong muốn Thủ tướng và Chính phủ quan tâm đến vấn đề giáo dục trực tuyến trong mùa dịch.
Theo nữ tỷ phú, ngành giáo dục và trẻ em đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi hầu hết các trường học phải đóng cửa vì đại dịch. Học sinh đối mặt với nguy cơ không được tiếp cận giáo dục đầy đủ. Bà Thảo kêu gọi thúc đẩy giáo dục trực tuyến, nhưng đồng thời có những chính sách hỗ trợ để đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với phương thức giáo dục mới này.
Nữ tỷ phú cho biết thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục là một trong những ưu tiên của bà. Bên cạnh đó, việc đồng hành cùng các hoạt động văn hóa, thể thao sẽ luôn được tiếp tục chú trọng. Trong năm nay, Tập đoàn Sovico sẽ hoàn thành công trình Trung tâm Đổi mới sáng tạo dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và sẽ dành hỗ trợ riêng cho start-up nữ.
Tích cực đưa di sản văn hóa Việt Nam tỏa sáng
Ngày 5/11, tại trụ sở UNESCO- Paris, Tập đoàn Sovico và UNESCO đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án "Hợp tác xây dựng các thành phố sáng tạo và phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy giáo dục".
Thông qua dự án này, UNESCO và Sovico đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam xây dựng vành đai các thành phố sáng tạo, nơi văn hoá là trung tâm của sự phát triển, đồng thời phát triển du lịch bền vững tại cộng đồng các địa phương thuộc hành lang di sản quốc gia. Đại diện Sovico cho biết, dự án có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn phục hồi kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo kỳ vọng, sự hợp tác cùng UNESCO sẽ góp phần vào phát triển bền vững và sáng tạo dựa trên văn hoá và giáo dục làm trụ cột. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến cùng UNESCO để đem lại cơ hội phát triển cho thanh niên, trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam, là bước tiếp nối những chương trình hành động của chúng tôi đối với các mục tiêu phát triển bền vững trong suốt những năm qua", bà Thảo khẳng định.
Trước đó, tháng 9/2020 tại Hà Nội, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra và tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký kết hợp tác chiến lược đưa văn hoá làm trung tâm phát triển bền vững tại Việt Nam. Tập đoàn Sovico đã phối hợp với UNESCO, UNIDO và UN-Habitat trong dự án "Hà Nội Rethink" nhằm hỗ trợ Hà Nội thực hiện tầm nhìn chiến lược trở thành Kinh đô Sáng tạo được UNESCO công nhận.
Cùng với giáo dục, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn dành nhiều sự quan tâm đến các hoạt động văn hóa, phát triển bền vững. 10 năm qua, HDBank đồng hành cùng Liên đoàn cờ thế giới FIDE tổ chức giải Cờ vua Quốc tế thường niên, thu hút 1.396 lượt kỳ thủ đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ của 5 châu lục trên thế giới tham gia tranh tài. Thông qua việc tổ chức giải, các kỳ thủ Việt Nam sẽ có thêm cơ hội cọ xát... Nhờ đó, nhiều tài năng cờ vua trong nước đã được phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng như: Lê Quang Liêm, Đào Thiên Hải, Cao Sang, Từ Hoàng Thông, Nguyễn Đức Hòa, Trần Tuấn Minh, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi, Phạm Lê Thảo Nguyên...
Từ năm 2017, HDBank còn đồng hành cùng giải bóng đá Futsal chung tay góp sức để nâng tầm futsal Việt Nam trên các đấu trường khu vực và thế giới. Các giải cũng góp phần mang hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, phát triển vươn tầm thế giới.
Ngoài ra, chương trình "Chắp cánh yêu thương" do bà Phương Thảo phát động đã trao nhiều phần quà, học bổng cho trẻ em tại các trại trẻ mồ côi, khuyến khích trẻ em nghèo đến trường.
Trong đại dịch Covid-19, nữ tỷ phú và các nhân viên cũng đã xây dựng website đóng góp trực tuyến cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19; đưa sáng kiến xây dựng nền tảng ứng dụng quản lý y tế, phòng chống dịch "Việt Nam khỏe mạnh"; đóng góp Quỹ vaccine cùng các hoạt động an sinh xã hội, giáo dục vì cộng đồng với kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông - Cục Tin học hóa, Báo Vietnamnet, Tập đoàn Sovico đã xây dựng website đóng góp trực tuyến cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, nhận được số tiền đóng góp gần 9.000 tỷ đồng, góp phần hiện thực hóa sớm chương trình tiêm chủng toàn dân.
Một trong những thành tựu công nghệ khác trong ứng phó đại dịch là sáng kiến xây dựng nền tảng ứng dụng "Việt Nam khỏe mạnh", mang tới tiện ích cho người dân trong xét nghiệm, tiêm chủng, khai báo di chuyển, đáp ứng nhu cầu kiểm soát, phân tích và tổng hợp thông tin trực tuyến của cơ quan địa phương, doanh nghiệp và tổ chức.
Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam đẩy nhiều người rơi vào cảnh thiếu ăn, nữ doanh nhân cùng các nhân viên triển khai chương trình "Bữa cơm yêu thương" cung cấp hàng triệu phần cơm chay và mặn miễn phí cho bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, những hoàn cảnh nghèo khó.
Cùng với đó là sáng kiến giải cứu sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam, giúp duy trì giao dịch ổn định, liên tục của HoSE góp phần cho thị trường vốn quan trọng này tăng giá trị vốn hoá niêm yết đạt 333 tỷ USD ngày 12/11/2021, bằng 122% GDP , tăng gần 40% so với tháng 4.2021 khi HoSE gặp sự cố nghẽn giao dịch.
Đại dịch Covid-19 đã tàn phá kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, Vietjet, HDBank và các công ty thuộc Sovico vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan, từ đó, tích cực lan toả sự chia sẻ tới cộng đồng, xã hội. "Cống hiến hết mình trong kinh doanh, tiền nhiều để hiện thực hóa những ước mơ cao đẹp và giúp đỡ được nhiều người hơn nhất là những người yếu thế" là tôn chỉ trong cuộc sống của bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Được tạp chí Business Insider Australia đánh giá là người làm thay đổi kinh tế châu Á, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo góp phần lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng xã hội, thông qua những đóng góp cho văn hóa, giáo dục.
An Nhiên
Ảnh: Sovico